'Công dân toàn cầu' qua góc nhìn của người Việt 2 lần được Pháp phong hiệp sĩ

Giáo sư Phan Văn Trường - người 2 lần được Tổng thống Pháp phong hiệp sĩ - vừa ra mắt cuốn sách Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ tại TP HCM.

Sáng 10-7 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM đã diễn ra buổi giao lưu ra mắt sách "Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ" của giáo sư Phan Văn Trường.

Ông là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ những năm 1990, 2 lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp Sĩ (Đài Ghi Công -1990 và Bắc Đẩu Bội tinh - 2006), Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" năm 2010.

Ngay từ đầu sách, tác giả trích dẫn câu nói của triết gia Socrates: “Tôi không phải là công dân của riêng thành phố Athens hay nước Hy Lạp, mà còn là một công dân toàn cầu”. Nói như vậy, công dân toàn cầu không phải là một khái niệm mới có gần đây, nhưng là một khái niệm được nhắc đến nhiều gần đây với không ít ngộ nhận.

Giáo sư Phan Văn Trường (bìa trái) trong trang phục truyền thống.

Giáo sư Phan Văn Trường (bìa trái) trong trang phục truyền thống.

Theo giáo sư Phan Văn Trường, công dân toàn cầu là một phong thái văn hóa. Khó lòng đưa ra định nghĩa cho khái niệm này dựa trên các tiêu chuẩn liên quan đến vật chất. Họ không cần giàu có hay mang bằng cấp cao để được gọi là công dân toàn cầu, cũng không cần nhiều quốc tịch hay có vô số thẻ tín dụng lừng lẫy trên thế giới. Công dân toàn cầu chưa hẳn cần bạn bè rải rác trên khắp địa cầu.

Giáo sư chọn cách truyền tải vấn đề bằng câu chuyện của những người ông từng gặp và cho rằng họ đang sống và làm việc như một công dân toàn cầu để độc giả tự đúc kết bài học. Những con người trong sách khác nhau về quốc tịch, độ tuổi, nếp sống, xuất thân, công việc... nhưng họ đều là công dân toàn cầu.

Qua 10 chương sách cuốn hút, định nghĩa công dân toàn cầu hiện lên rõ ràng với những điều tưởng chừng đơn giản nhưng không hẳn bất kỳ ai cũng có thể đạt được. Người công dân toàn cầu được xây dựng trên nền tảng của tính cách tự trọng, thành thật với bản thân; có tư duy thương thảo và thỏa hiệp; nắm vững nghệ thuật tự làm, tự lực, tự cường, tự quản...

Người công dân toàn cầu nói không với sự kỳ thị, phớt lờ sự khác biệt về văn hóa, xâm phạm người khác, không tôn trọng các cam kết, gán những giá trị không phù hợp cho đồng tiền....

Sách "Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ"

Không có một khóa học nào để biến bất kỳ ai thành công dân toàn cầu. Công dân toàn cầu là một phong cách, một thái độ, một cách nhìn và cảm nhận cuộc sống của một người có trách nhiệm với địa cầu, với nhân loại, với hệ sinh thái vũ trụ, với môi trường và tất cả những gì vũ trụ tặng chúng ta. Có thể nói rằng các công dân toàn cầu sẽ nhận ra nhau dù không qua khóa học nào.

Buổi giao lưu và ra mắt sách thu hút đông đảo bạn đọc nhiều lứa tuổi, các vấn đề thời sự liên quan đến công dân toàn cầu được đem ra mổ xẻ. Với phong thái đĩnh đạc, cách diễn giải rõ ràng, dễ hiểu, giáo sư Phan Văn Trường đã giúp nhiều bạn trẻ có thêm sự tự tin trong quá trình hội nhập và hướng đến hình mẫu công dân toàn cầu.

Qua buổi nói chuyện thân tình, giáo sư Phan Văn Trường cũng khẳng định trước khi trở thành công dân toàn cầu, trước hết mỗi người hãy là một công dân đúng nghĩa.

"Nội dung phải đi trước hình thức. Có chân dung của một con người quốc tế là chưa đủ, cần có sự nhìn nhận tự thân rằng mình thuộc một cộng đồng con người mà vũ trụ đã tạo ra để mang một sứ mệnh, không ngừng xây dựng một xã hội văn minh hơn, nhân ái hơn, trong lành hơn" - giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ.

Giáo sư Phan Văn Trường từng xuất bản bộ ba tác phẩm được bạn đọc săn đón và hưởng ứng: "Một đời quản trị", "Một đời thương thuyết", "Một đời như kẻ tìm đường".

Hà Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/cong-dan-toan-cau-qua-goc-nhin-cua-nguoi-viet-2-lan-duoc-phap-phong-hiep-si-20220710172418345.htm