Công dân tổ chức họp báo: 'Là quyền, sao phải xin phép?'

Gần đây dư luận xã hội quan tâm đến sự kiện, một cụ bà 80 tuổi ở Bắc Giang đứng ra tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến vụ án của gia đình bà.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Luật (SN 1938, trú tại phường Ngô Quyền, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Everest đứng ra tổ chức họp báo tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí.

Là đơn vị tư vấn pháp luật cho bà Nguyễn Thị Luật, luật sư Phạm Ngọc Minh khẳng định cuộc họp báo đã được tổ chức hợp pháp. Luật sư cung cấp pháp lý hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng nếu đưa ra những tư vấn pháp lý sai, đồng thời Luật sư Phạm Ngọc Minh cũng khẳng định các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân cũng nên thay đổi tư duy làm gì cũng phải xin phép. Những quyền của công dân hoặc những việc mà pháp luật không cấm đương nhiên công dân được thực hiện nhưng cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì phải tuân thủ nghiêm túc, những gì pháp luật cho phép mới được làm.

Ảnh tại buổi họp báo ngày 10/11/2017

Tổ chức họp báo không cần xin phép!

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, để tổ chức họp báo vào ngày 02/11/2017 (lần thứ nhất), bà Nguyễn Thị Luật đã gửi thông báo họp báo tới Sở TT&TT TP Hà Nội (Giấy Biên nhận và hẹn trả kết quả đề ngày 25/10/2017, mã số 14-01-05-T-HNO-150865-TT/25/10/17-0000045).

Sau đó, bà Nguyễn Thị Luật đã nhận được Công văn trả lời số 2184/STTTT-BCXBTT của Sở TT&TT TP Hà Nội, về việc đình chỉ buổi họp báo ngày 02/11/2017. Dù khẳng định, nội dung trả lời của Sở TT&TT TP Hà Nội trong Công văn số 2184/STTTT-BCXBTT không có căn cứ pháp lý, bà Nguyễn Thị Luật đã tuân thủ nghiêm túc yêu cầu đình chỉ họp báo của Sở TT&TT TP Hà Nội - thể hiện trách nhiệm của một công dân, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Luật tiếp tục thực hiện thông báo họp báo (lần thứ hai) vào ngày 10/11/2017 và gửi thông báo này 07 ngày trước khi tổ chức họp báo.

Tại Giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, ngày 03/11/2017, Sở TT&TT TP Hà Nội ghi rõ: Thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ chậm nhất 06 giờ trước khi họp báo (thời gian họp báo của tổ chức công dân 08 giờ 00 phút ngày 10/11/2017).

Là người đại diện pháp lý, luật sư Phạm Ngọc Minh cho rằng: Chúng tôi đã tiếp tục chờ trả lời của Sở TT&TT TP Hà Nội bằng văn bản đến hết 02 giờ 00 ngày 10/11/2017 đúng như ghi nhận tại Giấy tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ngày 03/11/2017, nhưng đã không nhận được trả lời từ Sở TT&TT TP Hà Nội. Do vậy, buổi họp báo ngày 10/11/2017 là hoàn toàn hợp pháp.

Luật sư Minh nhấn mạnh, để làm rõ hơn tính pháp lý và tạo cơ sở có công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do họp báo, chúng tôi sẽ có kiến nghị tới các cơ quan chức năng.

Cá nhân được quyền tổ chức họp báo

Liên quan tới việc công dân tổ chức họp báo, ông Đinh Xuân Thảo, ĐBQH Khóa XII, XIII, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Là một công dân bình thường, ai cũng có thể tổ chức họp báo bởi Luật Báo chí cho phép. Đó là chuyện bình thường khi chúng ta mời các phóng viên, nhà báo đến để cung cấp thông tin liên quan cá nhân. Nhưng nếu người tự tổ chức họp báo là đảng viên, công chức thuộc một cơ quan nhà nước thì cần xem xét kỹ hơn, cụ thể là nên đề xuất qua cơ quan chủ quản. Nếu cơ quan chủ quản thấy cần thiết thì họ sẽ đứng ra làm theo nguyện vọng của người đề đạt.

Mặc dù Luật Báo chí đã quy định rõ: "Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó" nhưng người dân vẫn chưa vận dụng rộng rãi quyền này để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, công việc hằng ngày”.

Quyền tự do báo chí cần được pháp lý

Hiến pháp năm 2013 quy định:

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Điều 25).

Cụ thể hóa quy định nêu trên, Luật Báo chí năm 2016 có quy định mới về quyền tự do báo chí và phương thức họp báo tại Điều 10, Điều 41, như sau:

Quyền tự do báo chí của công dân:

1- Sáng tạo tác phẩm báo chí. 2- Cung cấp thông tin cho báo chí. 3- Phản hồi thông tin trên báo chí. 4- Tiếp cận thông tin báo chí. 5- Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí. 6- In, phát hành báo in” (Điều 10).

Họp báo:

“1- Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Việc họp báo của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 56 của Luật này.

2- Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

3- Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời Điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây: (a) Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông; (b) Cơ quan, tổ chức không thuộc Điểm a Khoản này và công dân thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.

4- Nội dung thông báo gồm những thông tin sau đây: (a) Địa Điểm họp báo; (b) Thời gian họp báo; (c) Nội dung họp báo; (d) Người chủ trì họp báo.

5- Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại Khoản 3 Điều này; trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.

Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

6- Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền đình chỉ cuộc họp báo nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo có thông tin quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 9 của Luật này” (Điều 41).

Như vậy, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận là một quyền Hiến định (được Hiến pháp quy định). Cụ thể hóa các quyền này, Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ công dân có quyền (không phải nghĩa vụ): Cung cấp thông tin cho báo chí, Phản hồi thông tin trên báo chí (khoản 2, khoản 3 Điều 10). Đây là những điểm hoàn toàn mới so với Luật báo chí cũ đây (năm 1990, sửa đổi bổ sung 1999). Đồng thời, họp báo là một phương thức để công dân có thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Trước khi Luật báo chí năm 2016 có hiệu lực, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 có quy định "việc họp báo chỉ được tổ chức khi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đồng ý bằng văn bản trong thời hạn chậm nhất là sáu (6) tiếng đồng hồ trước khi họp báo" (khoản 2 Điều 19).

Xuất phát từ quyền cung cấp thông tin cho báo chí, Luật báo chí năm 2016 quy định đơn giản về thủ tục Thông báo họp báo (không phải xin phép họp báo), công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trả lời công dân về việc họp báo trong thời gian quy định.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/cong-dan-to-chuc-hop-bao-la-quyen-sao-phai-xin-phep-d120399.html