'Công dân danh dự' của quê hương Trầm Lộng

Biết tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, những ngày qua, cán bộ, nhân dân xã Trầm Lộng (Ứng Hòa, Hà Nội) vô cùng tiếc thương. Tại chùa Chòng, xã Trầm Lộng-trung tâm của An toàn khu (ATK) Xứ ủy Bắc Kỳ năm xưa, nơi ghi dấu bước trưởng thành trong cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao to lớn của đồng chí Đỗ Mười đối với quê hương Trầm Lộng, rất đông người dân, cựu chiến binh, giáo viên, học sinh… tới thắp hương tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Nơi đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Đỗ Mười, quân và dân địa phương đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Tiếng chuông chùa Chòng được thỉnh lên vang vọng, càng gợi nhớ về khí thế hào hùng của mùa thu cách mạng hơn 73 năm trước…

Lật mở những trang sử truyền thống của xã nhà, ông Trần Quyết Tiến, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trầm Lộng, kể: Bấy giờ, lợi dụng cơ hội Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Đỗ Mười cùng nhiều cán bộ của Đảng vượt ngục Hỏa Lò, tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng. Ngày 18-3-1945, sau khi quán triệt và bàn kế hoạch thực hiện Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, hội nghị Tỉnh ủy Hà Đông phân công đồng chí Đỗ Mười, Tỉnh ủy viên về phụ trách phía nam hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức. Sau hội nghị, đồng chí Đỗ Mười về Trầm Lộng, lấy nơi đây làm trung tâm chỉ đạo phong trào cách mạng. Đồng chí đã tích cực củng cố cơ sở cách mạng, tổ chức bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, mở các lớp huấn luyện chính trị cho các đồng chí cốt cán ở địa phương... Phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Trầm Lộng nói riêng, huyện Ứng Hòa nói chung ngày càng phát triển.

Học sinh Trường THCS Trầm Lộng nghe kể về công lao to lớn của đồng chí Đỗ Mười với phong trào cách mạng của quê hương.

Ngày 17-8-1945, tại chùa Chòng, đồng chí Đỗ Mười đã đánh hồi chuông dài, phát động vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Sau tiếng chuông chùa, đông đảo nhân dân và lực lượng vũ trang ở tổng Trầm hối hả tiến về thôn Tảo Khê, cùng với các đoàn bạn từ các tổng Đại Bối, Phù Lưu, Đạo Tú… nghe đồng chí Đỗ Mười đọc Quân lệnh khởi nghĩa, phổ biến kế hoạch đánh chiếm phủ lỵ. Cuộc khởi nghĩa chiếm phủ Ứng Hòa nhanh chóng giành thắng lợi, nhân dân Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng ngay tại chùa Chòng, chào mừng Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện thành lập. Từ đó, phong trào cách mạng ở Trầm Lộng và toàn vùng ngày càng sôi nổi, rộng khắp.

Ông Tạ Quang Huy, Bí thư Đảng ủy xã Trầm Lộng, xúc động nói: Không chỉ những năm tháng hoạt động cách mạng ở Trầm Lộng (giai đoạn 1943-1945), mà suốt quá trình công tác sau này, dù ở cương vị nào, đồng chí Đỗ Mười vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt và nhiều lần về thăm cán bộ, nhân dân xã Trầm Lộng. Ngày 19-8-2000, tại lễ công nhận chùa Chòng là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến ATK Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về dự và căn dặn, động viên nhân dân xã Trầm Lộng thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Cũng tại buổi lễ, nhân dân xã Trầm Lộng xin phép được gọi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là “công dân danh dự” của quê hương và được đồng chí vui vẻ đồng ý.

Tự hào là căn cứ ATK Xứ ủy Bắc Kỳ; thực hiện lời căn dặn của đồng chí Đỗ Mười, cán bộ, nhân dân xã Trầm Lộng thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Từ một vùng chiêm trũng "đồng trắng nước trong", nhờ tập trung dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Trầm Lộng đã hình thành vùng chăn nuôi, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bộ mặt nông thôn đổi thay rõ rệt.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã ra đi, nhưng những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung, với Trầm Lộng nói riêng vẫn mãi được khắc ghi. Em Lê Trần Khánh Linh, học sinh Lớp 8A, Trường THCS Trầm Lộng, bùi ngùi bày tỏ: "Tưởng nhớ công lao và những cống hiến của bác Đỗ Mười đối với quê hương, đất nước, chúng cháu sẽ nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, góp sức dựng xây quê hương, đất nước thêm đẹp giàu, như bác Đỗ Mười từng căn dặn và mong muốn”.

Bài và ảnh: DUY THU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/cong-dan-danh-du-cua-que-huong-tram-long-551326