Công cuộc cải cách nông nghiệp-tầm nhìn của Tổng thống Putin

Với Tổng thống Putin, Nga là cường quốc nông nghiệp không ở sản lượng và xuất khẩu, mà còn ở tối đa hóa hiệu suất và giá trị lao động nông nghiệp.

Công cuộc cải cách nông nghiệp và chính sách 'ngoại giao ngũ cốc' của Putin

Le Figaro ngày 6/9 có bài bình luận về kết quả công cuộc cải cách nông nghiệp của Tổng thống Putin đã mang lại hiệu ứng tích cực cho nước Nga, mà một trong những thành quả lớn nhất là biến Nga thành nhà xuất khẩu ngũ cốc đứng đầu thế giới.

Theo tờ báo Pháp, tận dụng việc Nga xuất khẩu ngũ cốc cho hàng trăm quốc gia trên thế giới, Moscow đã tìm cách nâng cao vai trò và vị thế của nước Nga trên trường quốc tế, từ đó hình thành chính sách "ngoại giao ngũ cốc".

Nhận diện nước Nga có lợi thế tuyệt đối với diện tích trồng ngũ cốc nước này chiếm 12% diện tích trồng ngũ cốc của thế giới, sau khi nắm quyền, Tổng thống Putin tiến hành công cuộc cải cách nông nghiệp và đầu tư vào ngũ cốc là mũi nhọn quan trọng.

Trong 20 năm qua, "mũi nhọn ngũ cốc" đạt vượt qua nhiều cột mốc, song hành với thành quả trong thực thi quyền lực của Tổng thống Putin. Từ chỗ thu hoạch chỉ 30 triệu tấn/niên vụ, Nga đã thu hoạch được 135,393 triệu tấn ngũ cốc ở niên vụ 2017.

Nga đã đứng đầu thế giới về ngũ cốc

Nga đã đứng đầu thế giới về ngũ cốc

Đây là cột mốc rất quan trọng, khi sản lượng ngũ cốc của Nga trong niên vụ 2017 đã vượt qua mức sản lượng cao nhất dưới thời Liên Xô là 127,4 triệu tấn trong niên vụ 1978. Theo Rosstat, trong 135,393 triệu tấn ngũ cốc, có 85,9 triệu tấn lúa mì.

Với sản lượng đó, Nga không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu 50-60%. Hiện trong số 180 triệu tấn được xuất khẩu hàng năm trên thế giới, gần 1/4 là từ Nga. Do đó, vào thời điểm hiện tại, Nga đứng số một về xuất khẩu ngũ cốc.

Với tư cách là nhà cung cấp ngũ cốc quan trọng nhất, Nga đã nhận được một "vị trí đặc quyền" trong quan hệ quốc tế. Và Moscow sử dụng "ngoại giao ngũ cốc" để tiến vào Địa Trung Hải, khi xuất khẩu lượng ngũ cốc khổng lồ đến Bắc Phi-Trung Đông.

Hàng loạt các quốc gia Bắc Phi-Trung Đông bị cuốn vào vòng xoáy "ngoại giao ngũ cốc" của Nga như Maroc, Algeria, Tunisia, Libya, Ai Cập, Guinea Xích Đạo, Sudan và Nigeria, Qatar và Saudi Arabia...

Một sự kiện được Le Figaro đưa làm ví dụ cho sức mạnh "ngoại giao ngũ cốc" của Nga. Đó là việc LHQ lo lắng Lebanon thiếu lương thực sau vụ nổ ở cảng Beirut, bởi kho lương thực uớc tính khoảng 120 nghìn tấn ngũ cốc đã bị phá hủy hoàn toàn.

Trước tình hình đó, Pháp đã cấp tốc gửi một lượng lớn ngũ cốc tới Lebanon nhưng không thấm vào đâu. Ngay lập tức, Nga nhận cung cấp hẳn một nửa nhu cầu nhập khẩu của Lebanon và bài toán khó của LHQ đã được giải đáp.

Từ những ưu tiên của Nga đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Le Figaro đã nhận định rằng trong 5 năm tới Nga có thể xuất khẩu tới cả trăm triệu tấn ngũ cốc mỗi năm, và khi đó thì chính sách "ngoại giao ngũ cốc" của Putin sẽ lợi hại biết nhường nào.

Bởi ngoài các nước Bắc Phi - Trung Đông, còn có hàng trăm quốc gia khác là khách hàng mua nông sản của Nga, như các nước Châu Á, Châu Phi, Liên minh Châu Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập. Hiện có 160 nước mua nông sản của Nga.

Công cuộc cải cách nông nghiệp của Tổng thống Putin đã lấy lại cho nước Nga ngôi vị xuất khẩu lương thực bị mất 65 năm trước, còn chính sách "ngoại giao ngũ cốc" đã giúp nước Nga có một công cụ đặc biệt để chiếm lĩnh sân khấu chính trị thế giới.

Tối đa hóa giá trị xuất khẩu nông sản bằng gia tăng lợi suất đồng nội tệ - Tầm nhìn Putin

Từ những thành quả của công cuộc cải cách nông nghiệp mà Tổng thống Putin tiến hành và hiệu ứng từ chính sách "ngoại giao ngũ cốc", Tạp chí National Interest của Mỹ nhận định Moscow có thể biến xuất khẩu ngũ cốc thành vũ khí chính trị lợi hại.

Bởi biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, giúp Nga kiểm soát xuất khẩu ngũ cốc toàn thế giới và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành như hiện này, các nước nhập khẩu ngũ cốc sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ Nga.

Tăng lợi suất cho đồng ruble là tối đa hóa giá trị lao động trong nông nghiệp

“Điều đáng lo ngại hơn là khả năng Nga hạn chế xuất khẩu để tạo áp lực chính trị và Nga có thể biến xuất khẩu ngũ cốc thành thứ vũ khí lợi hại, gây sức ép với các nước bị mất an ninh lương thực khi họ không còn lựa chọn nào khác”.

Giới phân tích cho rằng, việc Moscow gây khó dễ cho các quốc gia nhập khẩu ngũ cốc của Nga thì mới chỉ là phỏng đoán và không thực tế lắm vì trái với tinh thần của người Nga, trái với chính sách ngoại giao thân thiện của Tổng thống Putin.

Điều đó đã được chứng minh rõ ràng qua việc chính quyền nhà nước Nga dưới thời Tổng thống Putin thực hiện chính sách xóa nợ cho nhiều quốc gia trong bối cảnh kinh tế - xã hội Nga còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc ngặt nghèo.

Moscow hoàn toàn có thể gây sức ép với các con nợ bằng thực hiện chính sách kinh tế hóa chính trị hoặc có thể cho "kền kền rỉa xác chết" bằng áp dụng chính sách bán nợ cho các định chế tài chính như phương Tây thường làm.

Vậy nhưng Nga đã không thực hiện cả 2 chính sách ấy để buộc các quốc gia phả trả nợ, vỡ nợ hoặc lệ thuộc Nga nhiều hơn. Do đó, nhận định Nga sẽ lợi dụng khó khăn của các nước để biến xuất khẩu ngũ cốc thành vũ khí chính trị là cực đoan, võ đoán.

Tuy nhiên, Moscow có thể biến xuất khẩu ngũ cốc thành công cụ bổ sung hữu dụng cho chính sách tài chính, với việc nâng cao lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp, qua đó tăng hiệu quả cho hoạt động điều hành của chính phủ. Bằng cách nào vậy?

Theo giới phân tích, đó chính là khai thác tối đa hiệu ứng từ việc tăng sức mua của đồng ruble và việc gia tăng lợi suất của đồng nội tệ. Chính điều này sẽ tạo sự cộng hưởng cho lợi thế tuyệt đối trong xuất khẩu ngũ cốc của Nga.

Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Nga trong năm 2019 là 1.567 tỷ USD, còn PPP của Nga trong năm 2019 có quy mô là 4.519 tỷ USD. Điều đó cho thấy sức mua của đồng ruble Nga bằng hơn 2,7 lần của đô la Mỹ.

Theo Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, năm 2019, ngành nông nghiệp của Nga đã kiếm được 25 tỉ USD trên thị trường nước ngoài. Nếu dựa trên sức mua đồng ruble thì thực tế giá trị xuất khẩu nông sản Nga năm 2016 là : 25 x 2,7 = 67.5 tỷ USD.

Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp Nga đặt mục tiêu là đến năm 2024, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD và nếu dựa trên sức mua hiện tại của đồng ruble thì giá trị xuất khẩu nông sản của Nga năm 2024 sẽ là 135 tỷ USD.

Trong khi ngành nông nghiệp Nga hầu hết sử dụng khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực trong nước, do vậy, giá trị xuất khẩu nông sản quy về sức mua của đồng ruble là hợp lý và luôn mang trị tuyệt đối.

Cũng như dầu khí, Nga hoàn toàn có thể sử dụng đồng ruble cho việc thanh toán sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, từ đó khẳng định ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ, và Mỹ là đối thủ lớn nhất về xuất khẩu ngũ cốc.

Cuộc cải cách nông nghiệp thể hiện tầm nhìn xa của Tổng thống Putin

Rõ ràng, với Tổng thống Putin khi biến nước Nga thành cường quốc nông nghiệp thì không chỉ thề hiện ở sản lượng sản xuất và xuất khẩu, mà còn ở khả năng tối đa hóa hiệu suất lao động và tối đa hóa giá trị lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Lâu nay giới hoạch định chiến lược phương Tây luôn xem chủ trương của Tổng thống Putin khi thực hiện cải cách nông nghiệp chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, còn việc xuất khẩu chỉ mang tính phụ trợ vì giá trị không lớn.

Do vậy, các chuyên gia kinh tế-tài chính phương Tây luôn xem xuất khẩu dầu khí là nền tảng của kinh tế Nga. Song qua việc tối đa hóa giá trị xuất khẩu nông sản bằng gia tăng lợi suất đồng ruble, cho thấy dầu khí dường như đã nằm ở kế hoạch B.

Với những thành quả của công cuộc cải cách nông nghiệp và giá trị của nó được tối đa hóa nhờ hiệu ứng tích cực trong chính sách tài chính - tiền tệ, có thể thấy tầm nhìn của Tổng thống Putin 20 năm trước rất chuẩn xác, cả với thế giới và với nước Nga.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cong-cuoc-cai-cach-nong-nghiep-tam-nhin-cua-tong-thong-putin-3418707/