'Công cụ' thu thập rác thải nhựa

Vấn đề ô nhiễm vi nhựa đang ngày càng trở nên tồi tệ. Vì vậy, việc theo dõi lượng rác thải nhựa tồn tại ở các đại dương trên thế giới được coi là điều vô cùng quan trọng.

Hải tiêu được gọi là sinh vật “ăn lọc”.

Hải tiêu được gọi là sinh vật “ăn lọc”.

Theo nghiên cứu mới đây, một loại sinh vật biển có thể cho phép các nhà khoa học thực hiện điều đó hiệu quả hơn.

Vi nhựa được tạo ra khi các mảnh nhựa lớn hơn bị bỏ đi và phân hủy. Các hạt này rất nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Chúng có thể dễ dàng bị ăn bởi các loài sinh vật biển, trong đó có cá. Khi mọi người ăn những con cá đó, những hạt vi nhựa cũng được tiêu thụ. Từ đó, có khả năng dẫn đến các vấn đề sức khỏe.

Bởi vì các hạt vi nhựa rất nhỏ, việc thu thập chúng từ đại dương một cách hiệu quả là điều vô cùng khó. Tuy nhiên, các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra rằng, vi nhựa dễ dàng tích tụ trong các loài động vật không xương sống ở biển, thuộc phân ngành sống đuôi, mang tên hải tiêu.

Được tìm thấy với số lượng dồi dào trên khắp thế giới, những sinh vật này liên tục hút vào và thải ra một lượng lớn nước. Chúng được gọi là những sinh vật “ăn lọc”.

Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nhà khoa học từ Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia (NIST) có trụ sở tại Mỹ, cùng Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu. Nghiên cứu đã được công bố trong một bài viết được xuất bản gần đây trên tạp chí Microplastics and Nanoplastics.

Trong các thử nghiệm gần đây, loài sinh vật ăn lọc được các nhà khoa học sử dụng là Clavelina robusta (hải tiêu). Chúng được giữ trong những bể chứa các hạt nano polystyrene. Sau đó, các nhà nghiên cứu “thu hoạch” và đưa hải tiêu vào quy trình phân hủy hóa học.

Quá trình đó đã phá vỡ mô của loài sinh vật này, để lại vi nhựa và các hợp chất hữu cơ. Sau đó, nhóm nghiên cứu sử dụng một kỹ thuật gọi là phân đoạn dòng chảy không đối xứng dòng chảy để tách vi nhựa khỏi các hợp chất đó.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đặt các hạt nano nhựa trên một con chip được thiết kế riêng khiến chúng tụ lại với nhau. Nhờ đó, giúp dễ dàng phát hiện và định lượng hơn. Cuối cùng, quang phổ Raman đã được sử dụng để xác định cấu trúc hóa học của chúng.

Mặc dù đã biết những hạt vi nhựa này là polystyrene, song, theo nhóm nghiên cứu, các mẫu được thu thập trong tự nhiên có thể chứa nhiều loại nhựa khác. Việc biết được thành phần phổ biến nhất và với số lượng bao nhiêu có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định nguồn của chúng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cong-cu-thu-thap-rac-thai-nhua-keSC7PqMg.html