Công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng

Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Tuy nhiên trên thực tế, để kiểm soát quyền lực và ngăn chặn tham nhũng, KTNN cần nhiều hơn thế.

Địa vị pháp lý cao càng cần kiểm soát quyền lực

Đó là nhận định của Phó tổng KTNN Đặng Thế Vinh tại Hội thảo “Cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực KTNN góp phần phòng, chống tham nhũng-Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” được tổ chức ngày 11-4, tại Hà Nội. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Cơ quan thanh tra, kiểm toán tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nhất là các dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước gần 170.000 tỷ đồng, hơn 12.000ha đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 300 văn bản quản lý Nhà nước không còn phù hợp trên các lĩnh vực; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm, chuyển gần 200 vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật…

 Cán bộ Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Cán bộ Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Tuy nhiên, ông Đặng Thế Vinh cũng thừa nhận trên thực tế, một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với những sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo. Ngoài những nguyên nhân trên, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền, tài sản Nhà nước còn hạn chế do quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu. Mặt khác, do kiểm toán viên KTNN chưa được đào tạo đầy đủ về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Kiểm soát được quyền lực là vấn đề không dễ, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không thể đạt hiệu quả.

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình

Theo PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là những yếu tố không thể thiếu trong PCTN và kiểm soát quyền lực. Trách nhiệm giải trình còn được hiểu là toàn bộ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bộ máy Nhà nước và của những người nắm giữ, thực thi quyền lực công, bao gồm: Trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên (trách nhiệm trong nội bộ) và trách nhiệm của bộ máy công quyền với xã hội (trách nhiệm ra bên ngoài). Trách nhiệm giải trình là một trong 6 tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị nhà nước. Trong khi đó, Việt Nam không được đánh giá cao về trách nhiệm giải trình theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB). Bản chất của trách nhiệm giải trình là hướng đến sự công khai, minh bạch. Thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền trong hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật là góp phần thúc đẩy việc thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát quyền lực. TS kinh tế Nguyễn Minh Phong bày tỏ quan điểm, đối với tội phạm tham nhũng không thể xử lý chỉ theo kiểu “thiếu trách nhiệm” hoặc “năng lực hạn chế”, “cố ý làm trái”… vì mục đích tư lợi, vụ lợi và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, méo mó môi trường đầu tư. Do đó, cần tăng cường vai trò của thanh tra và KTNN như những công cụ hữu hiệu nhất để không cho phép tội phạm tham nhũng "hạ cánh an toàn", càng không được để các vụ phát hiện sai phạm lại chìm xuồng. Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực trong lĩnh vực kinh tế-tài chính xuất phát từ bản chất quyền lực và thực thi quyền lực ở Việt Nam. Từ đó, KTNN là công cụ quan trọng để PCTN-tội phạm dựa trên quyền lực không được kiểm soát và nhắm đến tài sản công. Mặc dù vậy, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nói chung, PCTN nói riêng chưa được quy định cụ thể, đầy đủ và phù hợp cũng như chưa được thể hiện rõ ràng, hiệu quả và hiệu lực trong thực thi vai trò đó. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng vai trò cũng như thể chế để KTNN thực hiện đúng vai trò của mình trong kiểm soát quyền lực, PCTN là rất quan trọng và cấp bách, nhằm vừa hoàn thiện hệ thống quyền lực của Việt Nam, vừa góp phần tích cực PCTN.

Phó tổng KTNN Đặng Thế Vinh khẳng định, đối với lĩnh vực kiểm toán, trước hết phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực Nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. KTNN sẽ phải nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ tốt trong công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, phải tích cực đổi mới, tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra, kiểm toán tập trung vào lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; giám sát đột xuất, thường xuyên.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cong-cu-quan-trong-de-phong-chong-tham-nhung-571552