Công cụ hữu hiệu xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh

Trong 90 năm qua, ở mỗi thời kỳ lịch sử, công tác tuyên giáo luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời là công cụ hữu hiệu để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Tự hào với truyền thống vẻ vang, thời gian tới, công tác tuyên giáo với nhiệm vụ xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức càng có vị trí đặc biệt quan trọng.

1. Bối cảnh thế giới tiếp tục xu hướng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, quá trình hình thành trật tự thế giới mới, nhất là sau dịch Covid-19 sẽ nảy sinh những diễn biến phức tạp về chính trị, quân sự tại nhiều khu vực và nhiều nước, đặc biệt là tại châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á… Tình hình đó đều có tác động đến nước ta.

Sự xâm lăng về văn hóa và sức mạnh mềm, sự tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc đã ảnh hưởng lớn đối với lĩnh vực văn hóa, đạo đức, lối sống. Sự phát triển của internet dẫn đến hai xu hướng ngược nhau. Một mặt, những tri thức mới nhất của nhân loại đến với mọi người, làm phong phú, giàu có trí tuệ, nhân cách của mỗi người. Mặt khác, xã hội và các cá nhân phải đối đầu - ở cường độ cao hơn, thường xuyên hơn, phạm vi sâu rộng hơn, nội dung phức tạp hơn - với những tác động tiêu cực, như sự lợi dụng, sự mê hoặc, sự lệch lạc bởi những “điều phi lý”, “sự xuyên tạc có chủ ý” trên mạng internet và xã hội.

Hiện, các thế lực thù địch vẫn đang tiếp tục thực hiện âm mưu chống phá đất nước ta nhằm thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; lợi dụng các xung đột, mâu thuẫn trong xã hội để kích động chống phá chế độ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội nói chung và công tác xây dựng Đảng nói riêng.

Qua gần 35 năm đổi mới đã tạo cho đất nước ta thế và lực mới, song bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo cũng nới rộng. Sự phân tầng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến ý thức, đạo đức, lối sống của con người, nhất là đối với công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức. Đây là thách thức, nguy cơ đối với đất nước trong những năm tới nói chung và với công tác tuyên giáo trong việc đóng góp vào công tác xây dựng Đảng nói riêng.

Nhìn tổng thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030, quá trình đổi mới của nước ta sẽ chịu tác động nhiều chiều, nhiều hướng, với nhiều cấp độ. Bởi vậy, công tác tuyên giáo với vai trò trọng yếu trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức phải hướng tới mục tiêu tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng về các vấn đề chính trị, tư tưởng văn hóa, khoa giáo nhằm góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, bảo vệ, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư tưởng, giáo dục cán bộ, đảng viên trước yêu cầu mới...

2. Để làm tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, trong thời gian tới, công tác tuyên giáo cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, đặc biệt là những nội dung trực tiếp về công tác xây dựng Đảng. Công tác tuyên giáo tiến hành trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, tư tưởng, đạo đức và văn hóa, gắn chặt nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cần chú trọng đồng thời cả bốn nội dung: Chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức trong hoạt động xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt tập trung cho việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đưa việc học tập đi vào chiều sâu, trước hết là trong Đảng, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên giáo với việc xây dựng Đảng trong sạch nói riêng. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ những giá trị cốt lõi, những vấn đề mới. Đổi mới cách tổ chức học tập, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; có chính sách bảo đảm việc sử dụng các sản phẩm, giá trị văn hóa, văn nghệ trong hoạt động tư tưởng, nâng cao hiệu quả giáo dục đảng viên...

Ba là, tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng. Coi trọng việc nắm tình hình tư tưởng trong Đảng, nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng.

Bốn là, tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình; tổ chức và thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ ngay từ đại hội cơ sở, coi đây là công việc thường xuyên...

Năm là, nâng cao hiệu quả xây dựng Đảng về đạo đức. Trong đó, nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Kết hợp các hình thức tuyên truyền, thông tin tích cực, người tốt, việc tốt với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, phê phán tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất.

Sáu là, tiếp tục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện tốt các hình thức trao đổi, đối thoại đối với những cá nhân có quan điểm, ý kiến khác với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phân loại các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, những vấn đề nóng, bức xúc cần giải quyết, cung cấp thông tin, luận cứ thuyết phục để giải quyết kịp thời. Coi trọng sử dụng công nghệ hiện đại, mạng xã hội để đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh theo hướng nhanh nhạy, kịp thời, đúng đối tượng, kết hợp cả “xây” và “chống” một cách khoa học, trong đó “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” là chủ động, triệt để.

(Còn nữa)

PGS.TS Phạm Văn Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xay-dung-dang/973883/cong-cu-huu-hieu-xay-dung-dang%C2%A0ngay-cang-vung-manh