Công chức tự ý nghỉ việc bị xử lý thế nào?

Công chức tự ý nghỉ việc từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo văn bản 3 lần liên tiếp thì sẽ bị buộc thôi việc.

Bạn đọc hỏi:

Khi một công chức tự ý nghỉ việc từ 2-7 ngày trong một tháng mà không xin phép thì sẽ bị xử lý thế nào?

Trả lời:

Về vấn đề này, luật sư Vũ Quang Bá - công ty luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay:

Theo luật Cán bộ, công chức thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Cũng theo quy định luật Cán bộ, công chức thì hình thức “buộc thôi việc” là hình thức kỷ luật cao nhất trong số các hình thức kỷ luật đối với công chức.

Đối với căn cứ xác định hình thức kỷ luật buộc thôi việc được hướng dẫn tại Điều 14, Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 quy định về xử lý luật đối với công chức.

Theo đó, một trong những căn cứ buộc thôi việc đối với công chức là việc tự ý nghỉ việc, tổng số từ 7 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 3 lần liên tiếp.

Ls.Vũ Quang Bá

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/cong-chuc-tu-y-nghi-viec-bi-xu-ly-the-nao--a353911.html