Công chức Tư pháp ký chứng thực từ 1-7: Rút ngắn thời gian, thuận lợi hơn cho người dân!

Thành phố Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện các điều kiện cần thiết để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021.

Một trong những qui định đang được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng rút ngắn thời gian thủ tục hành chính tại cấp phường là việc công chức tư pháp – hộ tịch sẽ được ủy quyền ký chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thay cho lãnh đạo UBND phường như quy định hiện hành.

Nội dung này được quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Để thực hiện chủ trương này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, giao UBND các quận, thị xã chỉ đạo chủ tịch UBND phường thực hiện việc ủy quyền ký chứng thực.

Giải quyết TTHC cho người dân tại UBND phường Đại Mỗ

Giải quyết TTHC cho người dân tại UBND phường Đại Mỗ

Cụ thể, người được ủy quyền là công chức tư pháp - hộ tịch phường có kinh nghiệm từ 3 năm công tác trở lên ở lĩnh vực tư pháp - hộ tịch (kể từ ngày được tuyển dụng vào công chức phường và giữ chức danh công chức tư pháp - hộ tịch, không bao gồm thời gian tập sự) và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật. Việc ủy quyền ký chứng thực không làm thay đổi hoặc chấm dứt thẩm quyền ký chứng thực của chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường theo quy định.

Có thể nói, thủ tục chứng thực chiếm phần lớn thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường, xã, thị trấn. Nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, thủ tục chứng thực chiếm đến hơn 3/4 số thủ tục người dân thực hiện ở UBND cấp phường.

Trong khi đó, tình trạng người dân phải chờ trả kết quả từ sáng sang chiều, hoặc nộp hồ sơ hôm nay, mai mới nhận được kết quả… có lý do không nhỏ từ việc phải chờ lãnh đạo UBND ký hồ sơ, dẫn đến không ít bức xúc, phàn nàn. Thực tế cho thấy, lãnh đạo UBND cấp phường thường khá bận rộn, các cuộc họp, đi cơ sở… thường xuyên khiến họ khó có thể sắp xếp ngồi ký chứng thực liên tục để trả ngay kết quả cho người dân.

Khi đóng góp ý kiến về nội dung này vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ tại tại hội nghị của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đã nhấn mạnh, đề xuất công chức tư pháp – hộ tịch phường được quyền ký và đóng dấu chứng thực của UBND phường là bước cải cách hành chính, nhằm phục vụ Nhân dân được tốt hơn. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, các phó chủ tịch UBND phường thường bận rất nhiều việc, người dân phải đợi dẫn đến bức xúc, kêu ca. Việc giao cho cán bộ tư pháp – hộ tịch ký, đóng dấu, sẽ giải quyết công việc cho người dân tiện lợi hơn.

Để chuẩn bị cho việc ủy quyền cho công chức tư pháp – hộ tịch ký chứng thực sắp tới, bà Phạm Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng, quận Long Biên cho hay, UBND phường Phúc Đồng đã cử công chức tư pháp – hộ tịch tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của quận và Sở Tư pháp tổ chức. Đồng thời, rà soát, gửi tờ trình, báo cáo về công chức được ủy quyền lên UBND quận. Sau khi UBND quận phê duyệt, phường sẽ ban hành quyết định ủy quyền.

Hiện, phường Phúc Đồng có 2 cán bộ tư pháp, phường sẽ ủy quyền cho một người ký chứng thực, trực tiếp làm việc tại Bộ phận một cửa. Trong trường hợp công chức này có việc cần nghỉ, lãnh đạo UBND phường sẽ ký.

“Yêu cầu chứng thực chiếm số lượng lớn hồ sơ hành chính ở phường, khi ủy quyền cho công chức trực tiếp ký, sẽ giúp lãnh đạo phường chúng tôi giảm tải được công việc này, có thêm thời gian cho các công tác quản lý khác. Đây là bước cải cách thủ tục hành chính phù hợp”, bà Hằng cho biết.

Là những người chuẩn bị đảm nhiệm thêm nhiệm vụ mới, ông Thái Hồng Doanh, cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân cho biết: “Để chuẩn bị cho việc sẽ trực tiếp ký chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký từ ngày 1-7-2021, tôi đã được quận và thành phố tổ chức tập huấn. Về chuyên môn, nghiệp vụ thì giải quyết yêu cầu chứng thực là công việc đã làm nhiều năm nay, nên chúng tôi cũng không có gì bỡ ngỡ.

Hiện, tại phường Thanh Xuân Nam, yêu cầu chứng thực phải chiếm đến 3/4 thủ tục được giải quyết. Từ thực tiễn giải quyết thủ tục hành chính tại phường, tôi cho rằng việc cải cách này sẽ tạo thuận lợi cho công dân nhiều hơn. Ví dụ, nếu số lượng yêu cầu chứng thực ít, chỉ 5-10 bản sao thì chúng tôi có thể tiếp nhận, ký và trả ngay, người dân đỡ thời gian chờ trình lãnh đạo phường ký trong khi lãnh đạo vốn rất nhiều việc”, ông Doanh cho biết.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cong-chu-c-tu-pha-p-ky-chu-ng-thu-c-tu-1-7-ru-t-nga-n-thoi-gian-thua-n-lo-i-hon-cho-nguo-i-dan-244332.html