Công chức trưng dụng!

Thực tế việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thời gian qua ở nhiều địa phương đang xuất hiện những bất cập. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức hành chính đạt rất thấp, do đã 'đóng cứng' biên chế ở khối này. Ðồng thời phát sinh một bộ phận viên chức thuộc đơn vị sự nghiệp công lập được trưng dụng làm nhiệm vụ của công chức.

Tiếng nói từ cơ sở

Phòng Giáo dục và Ðào tạo thuộc UBND huyện Ðông Sơn (Thanh Hóa) hiện có 13 người, nhưng chỉ có ba công chức làm lãnh đạo phòng theo chỉ tiêu biên chế, 10 người còn lại là viên chức sự nghiệp. Họ vốn đang là giáo viên hoặc cán bộ quản lý ở các trường, có chuyên môn và kinh nghiệm công tác tốt được trưng dụng, điều động lên huyện làm việc. Lên huyện, họ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp đứng lớp đối với nhà giáo cũng không được hưởng phụ cấp công vụ của công chức, dù đảm đương công việc của công chức. Vì sự thiệt thòi này, họ đều muốn xin quay về trường làm công tác giảng dạy.

Phòng Giáo dục và Ðào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tính sơ sơ, nhiệm vụ mà phòng phải thực hiện thường xuyên có đến 13 đầu việc. Về nguyên tắc, quy định hiện hành cho phép liên thông chuyển viên chức đủ điều kiện thành công chức khi có nhu cầu mà không cần qua thi tuyển. Ngặt nỗi, biên chế công chức hành chính đã “đóng cứng” vì trong quá trình sắp xếp, sàng lọc đội ngũ, tinh giản biên chế, khi có hai công chức nghỉ hưu thì mới được bổ sung thêm một. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn, trong một vài năm tới, cán bộ, chuyên viên có kinh nghiệm của các phòng xin về trường sẽ tạo nên sự hụt hẫng về công tác chỉ đạo, điều hành ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục các huyện. Ngược lại, đội ngũ giáo viên có phẩm chất và năng lực tốt không muốn về công tác tại phòng, do đó phải điều động cả những người có phẩm chất và năng lực trung bình... Hậu quả cuối cùng là phong trào và chất lượng giáo dục của địa phương sẽ giảm sút. UBND huyện vẫn đang loay hoay tìm cách cải thiện tình hình.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở huyện Ðông Sơn và tỉnh Thanh Hóa mà phổ biến ở nhiều địa phương. Nếu không có giải pháp căn cơ và quyết liệt trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thanh lọc cán bộ yếu kém, xây dựng vị trí việc làm chặt chẽ và phù hợp, có tầm nhìn để không “đóng cứng” biên chế một cách máy móc, thì tình trạng “công chức trưng dụng” kể trên vẫn sẽ tiếp diễn.

Quang Ðông

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34031702-cong-chuc-trung-dung.html