Công chức sẽ được xét nâng ngạch nếu đáp ứng hầu hết các điều kiện, tiêu chuẩn dự thi

Kết thúc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức, với nhiều điểm mới, thay đổi quan trọng, đang tạo hành lang pháp lý mới cho công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, xử lý kỷ luật đối với đội ngũ này.

Nâng ngạch: Có thể thi hoặc xét

Khi thảo luận tại nghị trường, nhiều đại biểu đã chuyển tải kiến nghị của cử tri và của chính bản thân các đại biểu về những bất cập trong việc thi nâng ngạch và điều kiện để được thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức hiện nay.

Qua đó, Luật CBCC được thông qua đã tiếp thu ý kiến đại biểu, quy định việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch.

Về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức, xét nâng ngạch công chức, Luật đã quy định cụ thể. Theo đó, việc xét nâng ngạch chỉ đặt ra trong một số trường hợp đặc biệt đối với công chức đã đáp ứng hầu hết các điều kiện, tiêu chuẩn để được thi nâng ngạch (trừ yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch) và thực sự xuất sắc được cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định của Chính phủ hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. Đồng thời, giao Chính phủ quy định thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức.

Về các hình thức kỷ luật đối với CBCC, có ý kiến đề nghị thay cụm từ “thôi chức vụ” bằng từ “đương nhiên bị cách chức” hoặc “đương nhiên bị miễn chức vụ”, vì nếu coi “thôi chức vụ” là một hình thức kỷ luật thì hình thức này chưa được quy định. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trường hợp “giáng chức” khi cơ quan đã đủ chỉ tiêu, biên chế.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thôi giữ chức vụ không phải là hình thức kỷ luật mà là hệ quả pháp lý kèm theo khi công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý vì lý do khách quan không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, khi bị giáng chức thì tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào cơ cấu, tổ chức bộ máy của cơ quan sẽ được bố trí vào vị trí thấp hơn.

Cán bộ, công chức có thể được xét hoặc thi để nâng ngạch. Ảnh minh họa

Cán bộ, công chức có thể được xét hoặc thi để nâng ngạch. Ảnh minh họa

CBCC bị án treo không đương nhiên bị thôi việc

Về đề nghị CBCC phạm tội hình sự thì đương nhiên bị thôi việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định CBCC phạm tội được hưởng án treo không thuộc trường hợp đương nhiên bị thôi việc là kế thừa quy định của Luật CBCC hiện hành thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Hơn nữa, pháp luật hiện hành đã quy định rõ điều kiện để một người được tòa án áp dụng hình thức án treo là người có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Do đó, nội dung này được giữ như qui định hiện hành.

Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật CBCC, Luật được thông qua đã sửa đổi, bổ sung theo hướng kéo dài hơn thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm của CBCC và chia thành các loại thời hiệu xử lý kỷ luật khác nhau căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Cách quy định các loại thời hiệu theo hành vi vi phạm như vậy cũng là phù hợp với quy định về xử lý kỷ luật của Đảng. Đối với các hành vi vi phạm nếu thuộc trường hợp xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính thì thời hiệu áp dụng theo quy định của pháp luật tương ứng.

Về hệ quả đối với CBCC bị xử lý kỷ luật, có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức do hành vi tham nhũng thì không bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý để thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định số 126-QĐ/TW.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên cơ sở quy định của Luật CBCC hiện hành và quy định của Đảng về xử lý kỷ luật, dự thảo Luật đã quy định đối với trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức nói chung thì không thực hiện việc bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng; nếu bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc.

Do đó, Luật được thông qua quy định trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Hết thời hạn này, CBCC không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định.

Về xử lý kỷ luật đôí́ với CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn. Có ý kiến đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử lý kỷ luật đối với CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện. Do đó, Luật quy định nguyên tắc chung và quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Trả lời tại cuộc họp báo về kết quả kỳ họp thứ 8, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho hay, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, thì văn bản quy định chi tiết thi hành luật cũng phải được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm này, để đảm bảo luật được thi hành đúng qui định.

…“Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:
a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;
b) CBCC sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Việc xử lý kỷ luật đối với CBCC đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này”.
(Theo Điều 18, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức)

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-chuc-se-duoc-xet-nang-ngach-neu-dap-ung-hau-het-cac-dieu-kien-tieu-chuan-du-thi-171866.html