Công chức phải kê khai tài sản của người thân như thế nào?

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.

Công chức phải kê khai tài sản của người thân như thế nào?. (Ảnh minh họa)

Công chức phải kê khai tài sản của người thân như thế nào?. (Ảnh minh họa)

Phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có nhiều quy định mới liên quan đến việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, đáng chú ý, Luật này vẫn giữ nguyên yêu cầu “Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên” như Luật Phòng, chống tham nhũng 2005.

Không chỉ phải kê khai tài sản lần đầu hay hằng năm, cán bộ, công chức còn phải có nghĩa vụ kê khai tài sản mọi biến động về tài sản, thu nhập của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Theo Điều 35 của Luật, cán bộ, công chức phải kê khai những loại tài sản, thu nhập sau của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên:

- Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng

- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài

- Tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Kê khai tài sản không trung thực, công chức sẽ bị xử lý thế nào?

Mặc dù việc kê khai tài sản là nghĩa vụ bắt buộc đối với mỗi cán bộ, công chức nhưng thực tế không thiếu các trường hợp cố tình kê khai không trung thực.

Điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 còn nêu rõ, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà công chức sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức:

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân: Xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

- Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ: Không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

- Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản mà không thuộc 2 trường hợp nêu trên: Có thể bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm…

Lưu ý, trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Như vậy, nếu công chức không kê khai tài sản một cách trung thực thì hình thức xử phạt cao nhất bị áp dụng là buộc thôi việc hoặc bãi nhiễm. Do đó, công chức nói riêng và các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản nói chung cần nâng cao ý thức, tự giác và trung thực trong việc này.

Hoàng Mai

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cong-chuc-phai-ke-khai-tai-san-cua-nguoi-than-nhu-the-nao-a467238.html