Công chức máy móc, luật bao nhiêu trang cho đủ?

Dư luận vẫn tiếp tục ồn ào, tranh cãi về 'đúng - sai' xung quanh vụ xe cứu hỏa bị xe khách tông trúng trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội). Có ý kiến đề nghị sửa luật để tránh những trường hợp tương tự.

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Mặc dù chưa ngã ngũ, nhưng đa số ý kiến của giới luật sư và dư luận đều nghiêng về phía tài xế xe cứu hỏa có lỗi. Xe cứu hỏa có quyền ưu tiên, được đi vào đường ngược chiều nhưng phải bảo đảm an toàn cho chính họ và những người khác. Mục đích của quyền ưu tiên này là để nhằm cứu người, tài sản. Đương nhiên, “điều kiện cần” là chính lực lượng cứu hỏa phải được bảo đảm an toàn.

Trong tình huống xe khách tông xe cứu hỏa trên cao tốc; một số luật sư cho rằng xe khách đã không giảm tốc độ đến mức an toàn, thiếu quan sát dẫn đến không nhường đường cho xe ưu tiên… Đây là quan niệm sai lầm, bởi họ đã quên mất một điều, đường cao tốc là một loại hình tổ chức giao thông đặc biệt, hạn chế tối đa giao cắt và chướng ngại vật, “ưu tiên” về tốc độ, để đảm bảo phương tiện không được vận hành dưới mức độ tối thiểu.

Do đó, buộc tài xế trên đường cao tốc phải “giảm tốc độ” là yêu cầu vô lý, trái luật, có thể gây nguy hiểm. Cũng tương tự, không thể buộc các phương tiện khác phải nhường đường cho xe ưu tiên, khi họ không còn khoảng trống.

Những người bảo vệ quan điểm “tài xế xe khách có lỗi” đã trích dẫn, cũng như hiểu luật một cách máy móc. Không có quy định nào buộc tài xế trên đường cao tốc phải đề phòng, đối phó với trường hợp phương tiện bất chợt lao qua đường.

Vụ việc vữa trần phòng học đổ sập, rơi trúng đầu nhiều học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) cũng là hậu quả của lối làm việc, tư duy máy móc. Nhận rõ nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng đối với thầy và trò, nhưng lãnh đạo nhà trường và giáo viên cũng chỉ biết “kêu cứu”. Vì họ cho rằng không có quyền, không được phép quyết định những vấn đề không thuộc thẩm quyền (?).

Tuy nhiên, họ đã quên mất một “quyền” cao nhất, đó là quyền an toàn, quyền được bảo vệ về sức khỏe, tính mạng. “Giá như” nhà trường hiểu rõ điều này, họ hoàn toàn có quyền cho học sinh nghỉ, từ chối giảng dạy trong môi trường thiếu an toàn, thì hậu quả nghiêm trọng đã không xảy ra.

Luật pháp, bản chất là khế ước xã hội, nhằm bảo đảm xã hội vận hành quy củ, an toàn, phù hợp với các giá trị nhân văn. Hệ thống pháp luật không bao giờ hoàn thiện, bất biến mà luôn thay đổi. Bên cạnh chất lượng lập pháp, đội ngũ công chức hành pháp cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong nhiều trường hợp, nếu hiểu và vận dụng luật một cách máy móc thì sẽ gây ra nhiều lệ lụy tai hại. Và cho dù có biên soạn bộ luật hàng nghìn, hàng vạn trang, cũng không đủ.

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/cong-chuc-may-moc-luat-bao-nhieu-trang-cho-du-597205.ldo