Công chức không nịnh bợ cấp trên: Khen với nịnh cách nhau một bước rất mong manh

Nịnh được nằm trong nhóm hành động khen ngợi. Và lằn ranh giữa khen với nịnh rất mong manh, nhiều khi không phân biệt được. Hoặc các sếp lúc nào cũng được 'ở trên mây' nên không nhận diện được hành vi 'nịnh' đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Đề án, đối với lãnh đạo cấp trên thì cán bộ công chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng...

Trao đổi với phóng viên về nội dung này, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, sếp và nhân viên có mối quan hệ đặc biệt, mối quan hệ quyền uy – giữa một bên có quyền (sếp) và một bên thừa hành (nhân viên).

PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam

Không nói đến chuyện tuổi tác nhưng ít nhất sếp là người có vai trò lớn hơn trong công việc, sếp thường có thế mạnh nhất định và người bị lệ thuộc vào thế mạnh đó phải có cách ứng xử sao cho phù hợp. Ứng xử thông thường nhất là người ta tôn trọng, nói năng khéo léo, lịch sự không có những lời nói bất nhã.

Nhưng mặt khác, người giữ quyền sẽ bị chi phối bởi những lợi ích. Sếp thường là người “ban phát” nên nhân viên sẽ phải có cách ứng xử để được hưởng đặc ân… Mà đặc ân này thì người có người không.

Thế nên để đạt được điều này phải hoặc chiều lòng sếp “nói năng cho khéo, sẵn sàng nghe theo mọi chỉ thị hoặc là nịnh”.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, nịnh là một biểu hiện bằng lời nói để tạo ra một thiện cảm, chú ý của một ai đó. Nịnh – trong “chiến lược giao tiếp” nhằm đem lại lợi ích của mình qua cách ứng xử để người được nịnh cảm thấy thoải mái, và người ấy càng thích nghe lời khen nhiều thì cơ hội nịnh càng dễ xảy ra.

“Nịnh được nằm trong nhóm hành động khen ngợi. Và giữa khen với nịnh chỉ cách nhau một bước thôi, rất mong manh, nhiều khi không phân biệt được. Hoặc nhiều khi cái "Tôi chủ quan" quá cao- các sếp lúc nào cũng nghĩ mình tài giỏi, trên mây nên không nhận diện ra được hành vi “nịnh” đó.

Sếp càng thích lời “bốc thơm” thì những kẻ cơ hội thường tận dụng điều đó để nói những lời hay ý đẹp miễn vừa lòng sếp nhằm đạt được mục đích. Lúc này cả hai bên cùng có lợi, một bên nghe sướng lỗ tai một bên đem lại lợi lộc cho mình, nhiều khi cái lợi ấy vô cùng lớn mà chúng ta không nói được”, PGS.TS Phạm Văn Tình chia sẻ.

Trả lời câu hỏi "có cần lượng hóa hành vi này không và nịnh như thế nào để “đạt chuẩn”?", PGS. TS Phạm Văn Tình cho rằng để định lượng hành vi nịnh thì thực sự khó. Chỉ người trong cuộc tỉnh táo mới nhận ra giá trị của những câu nói.

Ví dụ, nhân viên khen sếp (to bụng, da đen, răng hô) đẹp trai, hay sếp 50 mà khen sếp trẻ như ngoài 30…. Nếu là người tỉnh táo, ông ấy biết mình ở thang giá trị nào và hiểu ngay “anh ta đang bốc thơm”.

“Chỉ người trong cuộc mới nhận diện được hành vi “nịnh” ấy. Điều đáng tiếc đa số mọi người đều bị huyễn hoặc về chuyện này. Và việc đưa ra quy định để cấm thì rất khó”, PGS. TS Phạm Văn Tình nhận định.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Tình cho rằng cái gì mơ hồ mấy cũng có chuẩn giá trị. Chỉ có điều chuẩn ấy nó dao động, mong manh mà chỉ người tỉnh táo mới nhận ra đâu là những lời khen đích đáng và đâu là những lời “nịnh thối”.

“Tôi không phải là không thích những lời khen, nhưng tôi không bị chi phối bởi những lời khen, bốc thơm kiểu thế. Ví dụ tôi từng gặp không ít những lời khen, nịnh mình nhưng để không mất lòng thì… mình cũng chỉ cười nói cho phải phép rồi bỏ qua.

Có người khen thơ văn tôi hay. Nhưng tôi biết thơ văn mình như thế nào, biết chắc chắn bài này có thể đăng được và bài khác khó đăng bởi viết xong thấy non thật”, PGS.TS Phạm Văn Tình chia sẻ.

Ông lý giải: "Quan điểm của mình nói như nhà văn Nguyễn Tuân là “một nhà văn giỏi là người biết đọc, biết viết”. Anh phải biết đọc được lời của mình và của người một cách chính xác, biết viết cho phù hợp.

Có một thực tế những anh sếp viết lách bị nịnh nhiều thường viết kém, không vượt lên được. Cho nên nếu sếp không biết điều chỉnh hành vi, không nhận diện được hành vi nịnh đó đúng nghĩa thì rất khó để có những ứng xử phù hợp”.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cong-chuc-khong-ninh-bo-cap-tren-khen-voi-ninh-cach-nhau-mot-buoc-rat-mong-manh-post287446.info