Công chức Cần Thơ 'du học': Nỗi lo 'cưỡi ngựa xem hoa'

Làm thế nào để việc công chức Cần Thơ du học Mỹ không thành câu chuyện 'mợ nó đi Tây' phiên bản hiện đại?

Quyết tâm không vay để chi thường xuyên một lần nữa được nhấn mạnh trong những ngày đầu tháng 7/2018 chưa bị coi là quá muộn. Những nhà hoạch định chính sách đã nhận thức rõ, không thể chấp nhận tình trạng ‘vay để ăn tiêu’ tiếp tục tồn tại. Nhiều năm qua, trong kế hoạch vay của Việt Nam, khoản vay cả trăm ngàn tỷ để cân đối luôn tồn tại như một sự ‘tất dĩ ngẫu’, đơn giản bởi khi việc tinh giản biên chế không những không đạt kết quả như mong đợi, mà nó còn phình to hơn như thách thức. Đó là chưa kể những khoản chi không chỉ là lương và phụ cấp cho nhóm đối tượng này như hòn đá tảng đặt thêm vào gánh nợ công đang đè nặng lên vai từng người dân Việt.

Trong bối cảnh này, dự định bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP Cần Thơ tại Trường ĐH California, Riverside (Mỹ), giai đoạn 2018 - 2020 với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng được dư luận hết sức quan tâm. Không tránh khỏi tư duy phiến diện, thậm chí quy chụp khi phủ nhận dự định trên, viện cớ rằng, doanh nghiệp và người dân đều đang vật lộn với nền kinh tế, tiêu một đồng một cắc đều phải cân lên đặt xuống kỹ càng. 10,3 tỷ đồng không phải là một con số lớn, dù chỉ với một thành phố. Thế nhưng, có những câu hỏi Cần Thơ hay bất cứ một tỉnh thành nào cũng khó trả lời thỏa đáng.

Đề xuất cho công chức Cần Thơ du học Mỹ

Thứ nhất là về hiệu quả. Theo tờ trình số 79 ngày 6/7/2018 của UBND TP Cần Thơ về việc thông qua Nghị quyết thực hiện Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Cần Thơ, tại Trường Đại học California, Riverside, Hoa Kỳ giai đoạn 2018 - 2020”, đến năm 2020 dự kiến sẽ có 80 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ tại trường đại học nói trên. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức TP Cần Thơ tham gia đề án này sẽ được học khoảng 14 ngày ở Mỹ, chi phí trung bình gần 129 triệu đồng/người.

Sẽ không hoàn toàn vô lý khi cố tình đặt câu hỏi, với thời gian 2 tuần, các cán bộ công tác trong các lĩnh vực nhân sự; giao thông; quy hoạch đô thị (quản lý đô thị); biến đổi khí hậu; môi trường; tài chính, ngân sách; quản lý dịch vụ công sẽ học được những gì? Phải khẳng định, đó đều là những lĩnh vực nóng, cần chuyên môn sâu, đi để học cách vận dụng kinh nghiệm quốc tế cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, nếu coi khóa học này có mục đích nâng cao kiến thức, bản thân học viên phải chứng tỏ được rằng, họ nắm vững các phương thức quản lý trên thế giới, sự khác biệt giữa chúng và nguyên nhân, trong đó có vấn đề về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Khóa học phải được thiết kế như lần tập dượt cuối cùng, để khẳng định quan điểm sẵn có và giải đáp những thắc mắc về độ vênh giữa lý thuyết và thực tế. Bằng không, sẽ chỉ là ‘cưỡi ngựa xem hoa’.

Nếu tiếp cận theo cách này, một trăn trở khác cần phải lý giải. Tại sao đề nghị mời giảng viên nước ngoài về thỉnh giảng đã bị bỏ quên khi xây dựng đề án? Bằng logic thông thường đã thấy, lợi ích kép của việc làm không lấy gì làm phức tạp nói trên, một là tiết kiệm kinh phí, hai là giảng viên bám sát được điều kiện thực tế của địa phương, có thể đưa ra những gợi ý giải quyết các khúc mắc đang tồn tại.

Thứ hai, Cần Thơ cũng chưa khiến người người tâm phục khẩu phục về lý do ĐH California, Riverside được chọn để đào tạo cán bộ công chức, viên chức của thành phố này. Đương nhiên, đó là một trong 10 cơ sở của hệ thống Đại học California, liên tục được xếp hạng là một trong những trường đa dạng nhất về dân tộc và phương diện kinh tế tại Mỹ. Và Cần Thơ đã ký biên bản hợp tác đào tạo cán bộ công chức của TP Cần Thơ. Thế nhưng, cũng là đương nhiên không kém khi người dân đặt câu hỏi, trường ĐH này có phù hợp hay không, khi phương thức quản lý của hầu hết các địa phương Việt Nam hiện nay đang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mô hình các nước có cơ chế vận hành nền kinh tế - xã hội rất khác với Mỹ.

Ngay cả khi Cần Thơ quan tâm tới mô hình quản lý thành phố theo kiểu Mỹ, cũng có rất nhiều trường phái để lựa chọn, từ đó xuất hiện mối băn khoăn, các học viên tham gia đề án sẽ được học trường phái nào, nó có phù hợp với Cần Thơ hay không, hay cần phải điều chỉnh những gì… Hàng loạt câu hỏi không thể có câu trả lời khiến nghi vấn sử dụng ngân sách tham gia một dịch vụ giáo dục đóng mác Mỹ vẫn có cơ sở để nghi hoặc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/cong-chuc-can-tho-du-hoc-noi-lo-cuoi-ngua-xem-hoa-3361811/