Công chức '4 xin, 4 luôn'

Trong giao tiếp với người dân, CB-CCVC TP HCM phải luôn thực hiện phương châm 4 xin, 4 luôn, gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND quận - huyện của TP tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 1847/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Văn hóa công vụ.

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Theo đó, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức (CB-CCVC) trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Đối với CB-CCVC, Chủ tịch UBND TP yêu cầu nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị trong thực hiện văn hóa công vụ. Đặc biệt, trong giao tiếp với dân, CB-CCVC phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình giải thích và hướng dẫn cặn kẽ quy trình xử lý công việc. Luôn thực hiện phương châm "4 xin, 4 luôn", gồm: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Khi giao tiếp qua điện thoại, CB-CCVC phải xưng tên, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; âm lượng vừa đủ nghe; giữ thái độ lịch sự, không gắt gỏng hay nói trống không; không ngắt điện thoại đột ngột.

Công chức quận 1, TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Công chức quận 1, TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Đối với CB-CCVC đang tham dự họp, yêu cầu luôn đặt điện thoại ở chế độ im lặng/rung. Trường hợp cấp bách, cần trao đổi công việc thì nhận cuộc gọi bên ngoài phòng họp hoặc trao đổi qua tin nhắn để không làm ảnh hưởng đến các thành viên dự họp.

Không phải đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Văn hóa công vụ thì TP mới có những động thái chuẩn hóa ứng xử của CB-CCVC. TP đã nhiều lần ban hành quy chế văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của CB-CCVC trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Gần đây nhất, cuối năm 2017, UBND TP đã ban hành Quyết định 67 quy định về quy tắc ứng xử của CB-CCVC và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. Trong 5 tháng đầu năm nay, TP cũng đã xử lý 19 trường hợp CB-CCVC bị phản ánh về hành vi chậm trễ, gây phiền hà, không thực hiện đúng quy định của cơ quan hành chính nhà nước...

Đẩy mạnh kiểm tra đột xuất

Để tăng cường giám sát hoạt động công vụ của CB-CCVC, TP thành lập đoàn kiểm tra đột xuất hoạt động công vụ của các sở, ban, ngành; UBND quận - huyện, phường - xã, thị trấn trên địa bàn. Qua đó, đoàn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CB-CCVC; việc chấp hành thời gian làm việc; việc tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; việc thực hiện các quy định về tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân và tổ chức... Chủ tịch UBND TP cũng vừa yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND quận - huyện phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tổ kiểm tra liên ngành của Chủ tịch UBND TP để kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất việc thực hiện quy tắc ứng xử và các hoạt động công vụ khác của CB-CCVC.

TP HCM sẽ biểu dương, khen thưởng kịp thời những CB-CCVC có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ. Văn hóa công vụ được xem là tiêu chí để bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hằng năm. Các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Bên cạnh thanh, kiểm tra, giám sát của chính quyền, ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, cho rằng người dân hoàn toàn có quyền giám sát CB-CCVC bằng cách ghi âm, chụp hình. Từ đó, phản ánh trực tiếp cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị của CB-CCVC đó để xử lý. Ngoài ra, vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể, báo chí cũng cần phát huy làm cơ sở chấn chỉnh, xử lý CB-CCVC vi phạm.

Cần luật hóa

Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam Bộ Nội vụ, nhìn nhận CB-CCVC thi hành công vụ dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực thi công vụ trong mối quan hệ với công dân phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức công vụ. Luật Cán bộ, Công chức rất ít đề cập nội dung hoạt động công vụ. Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân.

Chính vì thiếu những quy định có tính pháp lý cao về hoạt động công vụ mà dẫn đến nhiều bất cập, tạo điều kiện cho một số CB-CCVC nhũng nhiễu, tiêu cực. Do đó, những nguyên tắc đạo đức trong nền công vụ cần được luật hóa.

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cong-chuc-4-xin-4-luon-20190809210056542.htm