Công chúa Thái Lan bị bác ứng cử thủ tướng

'Giấc mơ' chính trị kéo dài chỉ 3 ngày của Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi đã tạo nên một cơn địa chấn trên chính trường Thái Lan. Mặc dù Công chúa đã bị bác tư cách ứng cử viên nhưng cuộc bầu cử tại Thái Lan vào tháng 3 tới hứa hẹn nhiều trắc trở cho cả hai phía cạnh tranh.

Sáng 11-2, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã công bố danh sách chính thức ứng cử viên thủ tướng của các đảng phái chính trị tham gia cuộc bầu cử toàn quốc vào ngày 24-3 tới. Đáng chú ý là trong danh sách này không có tên của Công chúa Ubolratana. Đây được xem là một quyết định “thuận theo ý” Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn, đồng thời nhằm ngăn chặn nguy cơ dẫn đến những biến động lớn, những bất ổn mới trên chính trường Thái Lan.

Trước đó, Công chúa Ubolratana đã khiến cả thần dân xứ Chùa vàng sửng sốt bằng việc tham gia ứng cử trong danh sách của đảng Thai Raksa Chart. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ ở Thái Lan, bởi xưa nay các thành viên Hoàng gia Thái đều tránh xa chính trị mặc dù họ có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chính trị.

Dư luận Thái Lan tranh luận ầm ĩ xung quanh tính hợp pháp, hợp hiến của quyết định tranh cử và khả năng giành chiến thắng của Công chúa Ubolratana. Nhiều dự đoán táo bạo cũng được tung ra để đánh giá cục diện cuộc bầu cử và cả tương lai Thái Lan khi có một thành viên Hoàng gia muốn tham gia vào công việc chính trị của đất nước.

Công chúa Ubolratana năm nay 67 tuổi, được dự đoán là có đủ mọi thứ để đánh bại đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha. Ubolratana có sức hút mãnh liệt đối với cử tri không chỉ bởi bà là một nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí, mà quan trọng hơn hết là bởi thân phận Hoàng gia. Người dân Thái Lan vốn rất tôn sùng hoàng tộc.

Cha bà, cố Quốc vương Bhumidol Adulyadej từng là biểu tượng của sự tôn kính quốc gia Thái Lan, được thần dân tôn xưng là Bhumibol Đại đế. Chỉ cần xuất hiện một cái tên hoàng tộc trong danh sách ứng cử viên thì họ chắc chắn sẽ là tâm điểm chú ý của cử tri.

Tuy nhiên, “giấc mơ chính trị” của Công chúa Ubolratana đã sớm chấm dứt ngay sau khi nó vừa được hình thành. Chiều 8-2, Quốc vương Vajiralongkorn đã lên tiếng phê phán quyết định tham gia ứng cử của chị gái, cho rằng động thái ứng cử của Công chúa Ubolratana là “không phù hợp”, “không hợp hiến”. Các thành viên khác trong Hoàng tộc cũng đồng thanh phản đối việc tham gia chính trị của Công chúa Ubolratana.

Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi.

Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi.

Phát biểu của Quốc vương Vajiralongkorn được xem là tuyên bố cuối cùng của Hoàng gia, là chỉ dụ để Ủy ban Bầu cử quốc gia làm căn cứ đưa ra quyết định loại Công chúa Ubolratana khỏi danh sách ứng cử. Theo pháp luật Thái Lan, Hoàng gia “đứng trên chính trị”. Các thành viên Hoàng gia phải tránh xa chính trị, không được trực tiếp tham gia vào hoạt động chính trị.

Công chúa Ubolratana từng tuyên bố từ bỏ thân phận Hoàng gia sau khi lấy chồng người nước ngoài vào năm 1972. Đến năm 2001, bà trở về Thái Lan sau khi ly dị và tiếp tục sinh hoạt bình thường trong Hoàng gia. Chính vì vậy, bà vẫn được xem là thành viên Hoàng gia, vẫn là Công chúa Thái Lan. Do đó, bà không thể ra ứng cử.

Giới chuyên môn cho rằng thách thức quyền lực của đương kim Thủ tướng Chan-o-cha là một việc đầy rủi ro. Ông là một nhân vật quyền lực hùng mạnh xuất thân là một tướng quân đội. Trong hơn 10 năm biến động của chính trị Thái Lan, quân đội đã thể hiện sức mạnh bằng 2 cuộc đảo chính (năm 2006 và 2014) lật đổ anh em nhà Shinawatra. Trong đó, Chan-o-cha chính là người đã lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ bà Yingluck Shinawatra.

Từ khi ông Chan-o-cha tiếp quản chức Thủ tướng, tình hình chính trị Thái Lan đã trở nên ổn định hơn. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ nhà Shinawatra vẫn không chấp nhận việc người của quân đội lãnh đạo chính trị đất nước. Ông hiện vẫn là Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia (NCPO), một tổ chức chính trị do quân đội lập nên sau cuộc đảo chính năm 2014 nhằm thay mặt quân đội lãnh đạo đất nước. Hiến pháp Thái Lan sửa đổi năm 2017 đã trao cho Chan-o-cha quyền hành gần như tuyệt đối, giúp ông kiểm soát một cách hiệu quả thành phần chính trị thân ông Thaksin.

Mặc dù Công chúa Ubolratana đã bị gạt khỏi danh sách ứng cử, tạm thời chấm dứt những ồn ào trong chính trường Thái Lan nhưng nhiều người vẫn lo ngại khả năng xảy ra những biến động mới. Trong những ngày cuối tuần, sau khi đảng Thai Raksa Chart công bố đề cử Công chúa ứng cử chức Thủ tướng, trên mạng xã hội Twitter rộ lên tin đồn sắp có “đảo chính” quân sự.

Chưa hết, cảnh sát quốc gia Thái Lan đã được điều động giữ an ninh nghiêm ngặt tại tỉnh Pichit nằm ở phía bắc Bangkok, nơi Công chúa Ubolratana dự định đến nói chuyện với cử tri vì có tin đồn rằng bà cũng sẽ là mục tiêu tấn công. Ngày 11-2, Thủ tướng Chan-o-cha đã chính thức lên tiếng bác bỏ tin đồn đảo chính.

Trước mắt, tuy chưa có động thái nào từ Ủy ban Bầu cử quốc gia nhưng mọi sự chú ý đang dồn về phía đảng Thai Raksa Chart. Đây vốn là một đảng nhỏ được thành lập bởi đảng Pheu Thai có quan hệ mật thiết với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhằm tránh nguy cơ bị giải tán không còn chân đứng trong nền chính trị Thái.

Khi đảng Thai Raksa Chart giới thiệu Công chúa Ubolratana ứng cử Thủ tướng, giới bình luận đánh giá rằng đó là nước cờ táo bạo của ông Thaksin trong cuộc đối đầu với quân đội Thái Lan. Bởi, nhiệm vụ tối cao của quân đội Thái Lan là bảo vệ Hoàng gia, bảo vệ Quốc vương; đồng thời, khi làm đảo chính và đưa người lên nắm quyền, quân đội tiếp tục cam kết “gìn giữ hòa bình và trật tự” đất nước. Nay, một khi người của quân đội trực tiếp đối đầu với người của Hoàng gia trong cuộc bầu cử, nguy cơ tan vỡ nền tảng ổn định bền vững nhất của chính trị đất nước là rất cao.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/cong-chua-thai-lan-bi-bac-ung-cu-thu-tuong-532866/