Cổng chào trăm tỷ ở Quảng Ninh: Tiền xã hội hóa đâu phải cho không?

'Xã hội hóa chẳng phải là ai bỏ tiền không cho cả. Xã hội hóa là phải đổi đất, phải ưu đãi cho doanh nghiệp…', TS. Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Dự án, công trình cổng tỉnh và điểm dừng chân tỉnh Quảng Ninh có diện tích trên 139.000m2, với tổng mức đầu tư 368 tỷ đồng. Hạng mục cổng tỉnh Quảng Ninh có diện tích hơn 75.000m2, được thiết kế bằng khung thép với 8 cột chính có độ cao từ 38 - 43m, vốn đầu tư cho công trình này là 198 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với báo giới, dự án này triển khai theo hình thức hợp tác công tư. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh chỉ phải chi cho giải phóng mặt bằng khoảng 10 tỷ đồng, toàn bộ số vốn còn lại sử dụng từ nguồn xã hội hóa và vốn tự có của Tập đoàn Hoàng Hà.

 TS. Phạm Sỹ Liêm: "Làm to, hoành tráng chưa chắc đã mang lợi ích lợi nhất". Ảnh: Internet.

TS. Phạm Sỹ Liêm: "Làm to, hoành tráng chưa chắc đã mang lợi ích lợi nhất". Ảnh: Internet.

Xung quanh công trình cổng tỉnh được xem là lớn nhất Việt Nam, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng để rõ hơn về công trình khủng này với mức chi phí cũng được xem là khủng liệu có thật sự hợp lý.

TS. Phạm Sỹ Liêm cho rằng: “Một cái cổng chào để tỏ rõ lòng hiếu khách đến với địa phương mình cũng là điều có thể làm. Và để thu hút, công trình đó phải có bản sắc, hơi khác thường một chút.

Theo tôi được biết, Quảng Ninh làm cái cổng chào đó tương đối, gần như một cái đường hầm lộ thiên. Tôi đọc thông tin thấy nói tỉnh chỉ bỏ khoảng chục tỷ đồng. Số tiền còn lại là xã hội hóa.

Xã hội hóa chẳng phải là ai bỏ tiền không cho cả. Xã hội hóa là phải đổi đất, phải ưu đãi cho doanh nghiệp những thứ khác. Mục đích của doanh nghiệp là lợi nhuận. Đằng nào cũng bán, sao không bán đất đi đưa tiền về bằng hình thức đấu giá công khai, minh bạch, rõ ràng. Doanh nghiệp nào trả tiền cao nhất thì nhận.

Dù tỉnh nói xã hội hóa nhưng tôi lại thấy chỉ có một doanh nghiệp thì đó là chỉ định âm thầm ở đâu chứ đâu có công khai minh bạch.

Trong nền kinh tế thị trường, công khai, minh bạch phải bằng việc đấu thầu, đấu giá thì mới biết giá của thị trường, không thì làm sao mà biết được”.

Phối cảnh cổng tỉnh Quảng Ninh

TS. Liêm chia sẻ thêm: “Công trình cổng chào kết hợp với nơi nghỉ cho khách, các nước cũng có bởi vì đi đường dài cũng cần. Ý tưởng đều đúng cả, vấn đề ở đây là thực hiện thế nào cho hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, tiền ít nhất, lợi ích nhiều nhất.

Ở công trình cổng chào của Quảng Ninh chưa đạt nên người dân, xã hội đang tỏ ra băn khoăn, nhiều thắc mắc, có ý kiến”.

Ông Liêm đưa ra một ví dụ về cách tạo dấu ấn, bản sắc rất thông minh, thu hút du khách của TP. Đà Nẵng là cầu Rồng.

“Chiếc cầu này là công trình cần thiết của địa phương, tạo thuận tiện cho giao thương, họ chỉ tạo thêm đầu, đuôi của chiếc cầu với hình con rồng trên cầu này tạo sư nổi bật, tự nhiên có bản sắc. Ai đến Đà Nẵng cũng phải biết và chụp chiếc cầu này như là một dấu ấn để nói đó là Đà Nẵng.

Tôi cho rằng không thiếu cách để thu hút, tạo điểm nhấn cho du khách mà nó hữu dụng không chỉ đơn thuần là làm to, hoành tráng.

Ở công trình này, có lẽ chỉ cần một cái cột, một cái khung là được rồi đâu cần nhiều như vậy. Tuy theo phối cảnh công trình này cũng lạ lùng, cũng thu hút, tôi không bình luận gì xấu đẹp ở đây, nhưng chi phí ra sao cho sự lạ đó lại là chuyện khác.

Cổng chào, trạm dừng chân cũng là nên nhưng làm thế nào đơn giản, công khai minh bạch nhất và ít tốn kém là điều cần xem xét”.

Chia sẻ thêm về công trình này, một vị lãnh đạo Hội Kiến trúc sư VN cho rằng: “Chỉ người giàu có mới làm thế được”.

Đỗ Thơm (thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/cong-tinh-lon-nhat-vn-tien-xa-hoi-hoa-dau-phai-cho-khong-a302387.html