Công bố xã và vùng An toàn khu tại Bắc Kạn

Tối 15-10, UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) trang trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu (ATK) trên địa bàn tỉnh.

Tối 15-10, UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) trang trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu (ATK) trên địa bàn tỉnh.

Theo quyết định số 1803/QĐ-TTg ngày 13-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Kạn được công nhận bảy xã, gồm: Bản Thi, Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng, Yên Thượng, Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn là các xã ATK của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước; công nhận huyện Chợ Đồn là vùng ATK của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với Thái Nguyên và Tuyên Quang, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) được T.Ư Đảng, Bác Hồ chọn là ATK. Từ năm 1947 đến 1951, Bác Hồ đã ở và làm việc tại Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung), Nà Pậu (xã Lương Bằng). Huyện Chợ Đồn còn chứng kiến sự có mặt của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng ở Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá); Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng); xóm Nà Quân (xã Bình Trung) được chọn làm điểm đặt hội trường T.Ư Đảng (Hội trường tám mái) trong các năm từ 1947 đến 1952, là nơi diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch biên giới.

Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các cơ quan T.Ư đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Báo Sự Thật, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y; Nhà máy in tiền thuộc Bộ Tài chính…

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyện Chợ Đồn tiếp tục vinh dự được T.Ư Đảng, Bộ Quốc phòng chọn khu A xã Lương Bằng, Khu B, xã Yên Thượng và Khu C, xã Bằng Lãng xây dựng khu căn cứ địa cách mạng. Đến nay, ATK Chợ Đồn có sáu di tích, gồm: Bản Ca, Nà Quân, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Pậu, đồi Khau Mạ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Toàn huyện có 12 đơn vị hành chính được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chợ Đồn đã đoàn kết, thống nhất vượt qua mọi khó khăn, thử thách tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Mạng lưới thương mại, dịch vụ phát triển khá với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, hệ thống trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đang từng bước được hoàn thiện, số hộ được dùng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt hơn 95%, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt hơn 96,47%. Tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo ngày càng giảm.

Với việc được công nhận, huyện Chợ Đồn sẽ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng; được thực hiện chính sách ưu đãi đối với xã và vùng ATK theo các quy định hiện hành, từng bước cải thiện bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhân dịp này, huyện Chợ Đồn đã khai mạc chợ đêm gồm các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tới nhân dân và du khách tham quan.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/cong-bo-xa-va-vung-an-toan-khu-tai-bac-kan-620614/