Công bố thông tin của doanh nghiệp: Đi chung để đi đường dài

Khẳng định việc công bố thông tin (CBTT) của các doanh nghiệp (DN) niêm yết đã có nhiều chuyển biến song theo các chuyên gia, chất lượng công bố thông tin mới là vấn đề quan trọng. Để có được điều đó, cả cơ quan quản lý nhà nước, các thành viên thị trường và chính các DN phải 'đi cùng, đi chung'…

Các chuyên gia chia sẻ quan điểm tại buổi Tọa đàm “CBTT của DN trên thị trường chứng khoán” sáng 4/4

Các chuyên gia chia sẻ quan điểm tại buổi Tọa đàm “CBTT của DN trên thị trường chứng khoán” sáng 4/4

Quy định có đủ, thực thi có vấn đề

Theo Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) ông Trần Văn Dũng, các quy định của pháp luật liên quan đến CBTT tại Việt Nam đã theo chuẩn mực quốc tế, thậm chí có quy định còn hơn cả chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên thực thi lại đang có vấn đề…

“Ở hướng tích cực, 5 năm qua số DN vi phạm CBTT giảm nhiều. Theo đánh giá độc lập bên ngoài (như Vietstock), số DN đáp ứng theo tiêu chuẩn năm 2018 tăng gấp đôi so với 2017, nhưng số DN vi phạm CBTT vẫn còn nhiều. Năm 2018, UBCKNN ban hành gần 400 quyết định xử phạt thì hơn 50% là vi phạm CBTT. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty cũng có vấn đề. So sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị công ty của chúng ta ở mức thấp nhất…” - Chủ tịch UBCKNN thông tin.

Đồng tình với nhận định của Chủ tịch UBCKNN, bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC) cho rằng Việt Nam đã có những bước tiến khá tốt. trong việc CBTT, kể cả về chất lượng. “Sau 10 năm, chất lượng báo cáo tài chính đã có thay đổi, thẻ điểm quản trị ASEAN dù thấp nhưng có thay đổi” - đại diện IFC khẳng định.

Bà Nguyệt Anh dẫn chứng: Cách đây 5 năm, Việt Nam chỉ có 30 công ty có báo cáo bằng tiếng Anh, được chọn tham gia đánh giá. Đến 2018 đã có 70 công ty, điểm số cũng tăng lên. Hệ thống luật pháp Việt Nam đã có thông tư, nghị định, Luật DN đưa các chuẩn mực quốc tế vào định hướng cho DN Việt Nam…

“Bản thân chúng ta có thay đổi nhưng trong khu vực vẫn xếp thấp nhất. Thẻ điểm quản trị trung bình ASEAN của Việt Nam năm 2018 với 70 công ty niêm yết lớn nhất là 41,3/130 điểm. Điểm số của Thái Lan và Indonesia lần lượt là 87,5 và 62,3…” - Bà Nguyệt Anh cung cấp thông tin và cho rằng chúng ta có thay đổi nhưng quy mô thị trường tăng lên, các nước khác cũng đã có hành động cụ thể để theo đuổi các chuẩn mực cao hơn…

“Các cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực nhưng nhiều công ty trên thị trường vẫn chưa nhận ra họ cần vượt qua yêu cầu tuân thủ pháp lý để huy động vốn, duy trì niềm tin cổ đông. Bản thân tôi thấy các công ty cần chú trọng hơn nữa...” - đại diện IFC đưa ra lời khuyên…

Giải pháp đi chung

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán SSI kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN Group đưa ra tình huống: DN thực hiện CBTT theo quy định có khi không có lợi gì, nhưng chỉ cần giấu thông tin không tốt hoặc nói thêm thông tin có lợi mặc dù chưa có, nhất là vào thời điểm phát hành thì có khi lại huy động vốn, nếu có bị phạt đến 7- 8 tỷ đồng thì cũng huy động được cả trăm tỷ đồng.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Australia cho rằng DN có thể chỉ huy động vốn kiểu đó 1 lần chứ không thể có các lần sau. Ông cũng cho rằng cần thiết phải có sự giám sát của bên thứ ba độc lập, đặc biệt là giám sát của thị trường. “Sự giám sát từ thị trường là quan trong nhất, đặc biệt là nhà đầu tư, Khi bị thị trường giám sát, tức là DN bị đánh vào lợi ích, DN khi đó mới có ý thức làm đúng luật…” - ông Long khẳng định.

Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam, ông Trần Đình Cường cũng nhấn mạnh vai trò giám sát của UBCKNN, “UBCKNN cần có thêm những vai trò lớn hơn đối với thị trường và có những phản ứng nhanh, kịp thời hơn. Ủy ban càng tăng cường kiểm tra, giám sát thì phần nào sẽ giảm được nỗ lực không tốt của các chủ thể tham gia….”.

Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để cải thiện chất lượng CBTT hay có thể nói là sự minh bạch của thị trường, theo Chủ tịch UBCKNN “có lẽ sẽ là một giải pháp hình quả mít, trong đó nói UBCKNN, làm gì, các thành viên thị trường làm gì, DN làm gì. “Theo tôi giải pháp ở đây là chúng ta phải đi cùng nhau để đi xa hơn. Hiện tại cơ quan quản lý đang xây dựng luật, nhưng bị DN kêu nhiều, bên thì bảo là quy định chặt như thế này thì sao chúng tôi theo được, nhưng lại có người kêu là làm thế này thì làm sao minh bạch được….” - ông Dũng nói.

Liên quan đến trường hợp DN giấu nhiều thông tin quan trọng cho một đợt phát hành, ông Dũng cũng cho rằng DN có thể sẽ đạt được mục đích trong lần đầu nhưng các lần sau sẽ không thể qua mặt được nhà đầu tư. “Một DN che giấu thông tin nhưng bị báo chí dồn dập tấn công cũng sẽ bị mất uy tín. Họ sẽ phải rút kinh nghiệm và đó cũng là tấm gương cho các DN khác...” - Chủ tịch Trần Văn Dũng phân tích.

Trong các giải pháp “đi chung” đó, Chủ tịch UBCKNN cho rằng cơ quan quản lý có trách nhiệm lớn là phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và tổng thể hơn, tăng cường vai trò kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm. “Tới đây các hình thức xử phạt sẽ tăng lên nhiều không chỉ tập thể mà cả cá nhân. Việc xử lý hình sự cũng sẽ mạnh hơn…” - ông Dũng khẳng định.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chung-khoan/cong-bo-thong-tin-cua-doanh-nghiep-di-chung-de-di-duong-dai-446523.html