Công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu 'Cam Phù Yên'

Ngày 16/12, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La tổ chức công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu 'Cam Phù Yên'.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu cam cho huyện Phù Yên

Từ những người con của quê hương Hưng Yên lên vùng đất Phù Yên xây dựng kinh tế mới, đến năm 2000 trên địa bàn huyện Phù Yên bắt đầu trồng cây cam trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, những câu chuyện được mùa, mất giá thì đến nay cây cam đã đứng vững trên những đồi đất Phù Yên mang lại hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Tận dụng những lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua việc phát triển diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Phù Yên đã được xác định là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế. Toàn huyện hiện có trên 420 ha cây ăn quả có múi gồm bưởi diễn, bưởi da xanh, cam vinh, cam đường canh, quýt ngọt… Trong đó có 197 ha trồng cam, tập trung nhiều ở các xã: Mường Thải, Mường Cơi và Tân Lang; diện tích cam trồng mới năm 2017 là 56 ha; năng suất trung bình đối với giống cam Vinh đạt 21 tấn/ha, cam đường canh 20 tấn/ha. Cây cam đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với nhiều hộ trồng cam có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng cam. Giá bán trung bình với cam vinh tại địa phương từ 20.000-25.000 đồng/kg; cam đường canh có giá từ 30.000-40.000 đồng/kg.

Lãnh đạo tỉnh và huyện gắn nhãn hiệu cho sản phẩm Cam Phù Yên

Cây cam Phù Yên không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn giúp bà con trên toàn huyện làm giàu. Tuy nhiên, việc phát triển cây cam trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn như: Sức ép cạnh tranh với hơn 20 vùng cam khác nhau trên toàn quốc đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ; chất lượng cam không đồng đều giữa các khu vực trồng; chưa có các liên kết ngang và dọc theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí sản xuất, quản lý môi trường và phát triển thị trường tiêu thụ; chưa có dấu hiệu nhận biết trên thị trường nên khả năng cạnh tranh chưa cao.

Để đảm bảo tính chủ động trong việc quản lý và tiêu thụ sản phẩm ổn định tránh tình trạng ép cấp, ép giá. Huyện Phù Yên cũng khuyến khích thành lập một số mô hình Hợp tác xã thu hút các hộ trồng cam tham gia sản xuất theo mô hình VietGap. Đây cũng được coi là giải pháp quan trọng trong việc giữ vững thương hiệu và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm cam Phù Yên.

Lãnh đạo huyện Phù Yên trao quyền sử dụng nhãn hiệu Cam Phù Yên cho các tập thể và cá nhân ở xã Mường Thải và xã Mường Cơi

Đồng thời, để chủ động quản lý, xây dựng thương hiệu và giúp các hộ trồng cam tiêu thụ sản phẩm ổn định, UBND huyện Phù Yên đã phối hợp với Sở NN&PTNT lập hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định và Quyết định cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên”. Đây là cơ sở quan trọng để huyện Phù Yên tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm Cam Phù Yên, có kế hoạch mở rộng diện tích, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định nhãn hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ, nhằm phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng cam trên địa bàn huyện đạt trên 500 ha và tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cam Phù Yên.

Bà Nguyễn Thị Ngân, bản Phúc Yên, xã Mường Thải, huyện Phù Yên phấn khởi: Sản phẩm cam được công nhận nhãn hiệu, người trồng cam chúng tôi rất vui, vì từ đây hàng hóa của chúng tôi sẽ không bị trôi nổi, người trồng cũng yên tâm hơn.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày cam của huyện Phù Yên

Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Hợp tác xã trồng Cam Văn Yên, xã Mường Thải, Huyện Phù Yên chia sẻ: Trước đây sản phẩm cam của Phù Yên gặp khá nhiều khó khăn, phải phụ thuộc nhiều vào thương lái. Giờ đây, sản phẩm được công nhận nhãn hiệu thì đầu ra sẽ ổn định, hướng tới thị trường trong và ngoài tỉnh.

Việc sản phẩm “Cam Phù Yên” được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cũng là tiền đề quan trọng trong việc gìn giữ thương hiệu nông sản, duy trì niềm tin của người tiêu dùng, qua đó để chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, quảng bá nhãn hiệu sản phẩm ra thị trường, đồng thời có những phương án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho từng vùng trồng.

Tham quan vườn cam tại xã Mường Thải

Thông qua sự kiện công bố nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Cam Phù Yên, còn tạo cơ hội liên kết hợp tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên danh, nâng cao thương hiệu Cam Phù Yên, hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhân dịp này, UBND huyện Phù Yên đã tổ chức Hội thảo đánh giá tiềm năng phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Phù Yên với các tham luận của Viện nghiên cứu rau, quả; Trung tâm Quy hoạch và phát triển nông thôn 2 – Viện Quy hoạch hoạch và Thiết kế nông nghiệp; Hợp tác xã Văn Phúc Yên về các nội dung: Đánh giá hiện trạng và định hướng về phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Sơn La; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và đề xuất giải pháp phát triển bền vững, hiệu quả cây có múi trên địa bàn tỉnh; công tác quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và phát triển sản xuất của các hợp tác xã…

Cũng tại buổi lễ, các đại biểu đã tổ chức gắn nhãn hiệu cho sản phẩm Cam Phù Yên; trao quyền sử dụng nhãn hiệu Cam Phù Yên cho các tập thể và cá nhân ở xã Mường Thải và xã Mường Cơi; tổ chức 11 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cam của các nhà vườn và các hợp tác xã trồng cam trên địa bàn.

Nguyễn Nga

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/201712/cong-bo-quyet-dinh-cap-giay-chung-nhan-nhan-hieu-cam-phu-yen-2871797/