Công bố nghị định, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng về phát triển TP Đà Nẵng

Sáng ngày 29/3, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ Công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng của thành phố nhân kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2021).

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: "Để thực hiện những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và và bền vững, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP Đà Nẵng cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời gắn với đảm bảo ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Trên cơ sở tái cấu trúc, phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực (đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng, và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác).

Đồng thời, đẩy nhanh việc lập Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó lấy Quy hoạch Đà Nẵng có vai trò trung tâm trong Đồ án Quy hoạch thành phố Đà Nẵng.

Thành phố cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đồ án Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hàng năm. Trong đó, xác định rõ cơ cấu nguồn lực, các công trình, dự án ưu tiên để huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, tránh phát triển theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội.

Đà Nẵng tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xác định đây là khâu đột phá trong phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới; đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, và có kế hoạch.

Cần tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn.

Cùng với phát triển kinh tế, cần hết sức chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy các gia trị văn hóa truyền thống; chăm lo đảm bảo an sinh xã hội; chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội".

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố từ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2, từ phải qua trái). (Ảnh: L.L).

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố từ Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2, từ phải qua trái). (Ảnh: L.L).

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói: "Hôm nay, tất cả chúng ta ở đây để cùng đón thêm những tin vui mới đối với thành phố Đà Nẵng, đó là việc công bố các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về những định hướng lớn phát triển thành phố Đà Nẵng".

Với Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng vừa được phê duyệt, Đà Nẵng sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị cũng như đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng biến đổi khí hậu…

Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thống nhất về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung; chủ trương cho phép Đà Nẵng nghiên cứu, lập Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực.

"Với những cơ chế, chính sách có tính chất nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ cho thành phố nêu trên, chúng tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn đối với sự quan tâm, hỗ trợ và tin tưởng của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đối với thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ quyết tâm đoàn kết, nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung quan trọng này, đồng thời tận dụng tốt cơ hội, cơ chế, chính sách, động lực tăng trưởng mới, vững vàng đưa thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn", ông Chinh nói.

Về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045: Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021.

Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi Điều chỉnh quy hoạch chung 2020 được phê duyệt, UBND thành phố sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe và bổ sung kịp thời vào các quy hoạch, chương trình, kế hoạch ở bước tiếp theo nhằm đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quy hoạch được duyệt. Cụ thể:

- Công bố công khai quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị;

- Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với các nội dung trọng tâm:

+ Chương trình phát triển đô thị, Khu vực và Kế hoạch phát triển đô thị quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP;

+ Điều chỉnh quy hoạch phân khu theo Luật Quy hoạch đô thị;

+ Điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị;

+ Lập Quy chế quản lý kiến trúc theo Luật Kiến trúc;

Trong quá trình cụ thể hóa Điều chỉnh Quy hoạch chung 2020 ở các bước tiếp theo, UBND thành phố rất mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết, có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để đô thị Đà Nẵng sớm phát triển trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc và bền vững.

Về dự án đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu có vị trí xây dựng Cảng Liên Chiểu thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu; phía Bắc giáp khu biệt thự Nam Hải Vân; phía Nam khu Xuân Thiều; phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng; phía Đông là Biển.

- Tổng diện tích quy hoạch: 450ha (bao gồm cả phần mặt nước).

- Theo Quyết định số 2369/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Trung Trung bộ (Nhóm 3) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó: “Phát triển khu bến Liên Chiểu để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Miền Trung, tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu công ten nơ có sức chở từ 6.000 TEU đến 8.000 TEU”.

- Hiện nay Bộ GTVT đang chủ trì lập Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã thống nhất với đề nghị của thành phố, quy hoạch phát triển Cảng Đà Nẵng đảm nhận cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực Miền Trung (loại đặc biệt); trong đó Khu bến cảng Liên Chiểu có thể tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn, tàu công ten nơ có sức chở đến 18.000 TEU...

Mục tiêu đầu tư: Xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung Bến cảng Liên Chiểu tạo cơ sở phát triển cảng biển tại khu vực Liên Chiểu - thành phố Đà Nẵng. Giai đoạn đầu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch nhằm giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và trong khu vực.

Kỳ vọng bước đột phá mới cho TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Quy mô dự án: Gồm các hạng mục chính như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu công-ten-nơ có sức chở từ 6.000 đến 8.000 Teus; cụ thể:

- Kè chắn sóng và đê chắn sóng: tuyến kè chắn sóng (dài khoảng 820 m) và đê chắn sóng (dài khoảng 350 m);

- Luồng tàu và khu nước: luồng tàu dài khoảng 7.250 m, rộng 160 m; cao độ đáy nạo vét -14,0 m (hệ Hải đồ); khu quay trở, hệ thống báo hiệu hàng hải;

- Giao thông kết nối với cảng: đường bộ kết nối từ đường nội bộ của cảng đi Quốc lộ 1A mới (đường Nam hầm Hải Vân);

- Hạ tầng kỹ thuật khác: gia cố, san nền tôn tạo mặt bằng; hạ tầng cấp điện, cấp nước và công trình phụ trợ đồng bộ.

- Tổng mức đầu tư dự án: dự kiến 3.426,3 tỷ đồng.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2021 - 2025...

Nguyễn Tuấn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/cong-bo-nghi-dinh-quyet-dinh-cua-chinh-phu-va-thu-tuong-ve-phat-trien-tp-da-nang-d152008.html