Công bố môn thi vào lớp 10 kiểu 'ú tim': Người lớn không giỏi được toàn diện, sao bắt con trẻ?

'Học để thi', 'thi nhiều môn để học sinh phải học toàn diện'… là những quan niệm phụ huynh cho là đã lỗi thời. Nhiều ý kiến cho rằng mục đích của giáo dục phải là tôn trọng sự khác biệt, giúp học sinh phát huy được sở trường chứ không phải là 'giáo dục đồng phục'.

Áp lực học tập, thi cử, điểm số khiến học sinh bị thiếu ngủ, cảm thấy mệt mỏi (ảnh minh họa) Ảnh: Hải Nguyễn

Lo học sinh mệt lả vì học thêm

Hà Nội đã chính thức chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 với việc thi 4 môn: Văn, Toán, Ngoại Ngữ và một môn sẽ được Sở GDĐT Hà Nội thông báo vào tháng 3.2019.

Việc đến tận tháng 3 năm sau mới công bố môn thi thứ tư khiến phụ huynh lo lắng. Ngay thời điểm hiện tại, nhiều bậc cha mẹ có con đang học lớp 9 ở Hà Nội đã phải sốt sắng đi tìm lớp học thêm cho con.

“Năm nay ngoài 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh không thể lơ là được các môn khác, vì tâm lý lo lắng môn nào cũng có thể thi.

Những ngày qua gia đình tôi và rất nhiều gia đình khác trong lớp của con đã phải chạy đôn chạy đáo đi tìm lớp học thêm, không phải 3 môn bắt buộc mà cả các môn khác nữa. Các con học thêm suốt ngày, con mệt lả người, bố mẹ cũng thực sự rất mệt mỏi.

Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến nên để học sinh được lựa chọn môn thi thứ tư theo năng lực, sở trường thay vì Sở GDĐT chọn và đến tận tháng 3 năm sau mới công bố. Công bố môn thi càng muộn sẽ càng khiến học sinh áp lực” – chị Đỗ Thị Thúy (phụ huynh tại quận Hà Đông, Hà Nội), chia sẻ.

Thầy Nguyễn Phi Hùng (giáo viên Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội) cho rằng lo lắng về chuyện học sinh phải mệt mỏi vì học thêm do áp lực thi cử là có thật. Việc trao quyền cho học sinh được lựa chọn môn thi thứ tư trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ giúp học sinh giảm áp lực học tập, ôn luyện.

Tuy nhiên, thầy Hùng cho rằng, vì kiến nghị này đi ngược với mục tiêu khuyến khích học sinh học toàn diện các môn trong phương án tuyển sinh vừa công bố của Hà Nội. Do vậy, sẽ rất khó được chấp nhận.

Mỗi mùa tuyển sinh, học sinh mệt, phụ huynh cũng lo. Ảnh: Văn Thắng

Quan niệm bắt trẻ phải học toàn diện còn phù hợp?

Việc Sở GDĐT Hà Nội đưa ra phương án tăng thêm môn thi vào lớp 10 và giữ bí mật môn thi thứ tư được xem là cách để hướng học sinh phải học toàn diện các môn. Tuy nhiên, phụ huynh cho rằng cách làm này là không cần thiết. Không nên lấy việc thi cử để gây sức ép, yêu cầu trẻ phải học toàn diện.

“Cũng từng đi học, cũng từng quay cuồng trong việc học và thi, sau này tôi nghiệm ra rằng, học xong, thi xong là quên hết. Vì kiến thức phổ thông quá hàn lâm, sách vở.

Trong khi giáo dục ở nhiều nước trên thế giới đặt mục tiêu hướng đến phát triển năng lực học sinh, phát huy sở trường của học sinh thì chúng ta vẫn cứ yêu cầu trẻ phải học toàn diện.

Học sinh không phải em nào cũng đủ năng lực để giỏi đều các môn, người lớn cũng không thể giỏi toàn diện, cái gì cũng biết. Vậy mà lại mong trẻ phải giỏi toàn diện. Điều này là phi thực tế”- anh Đỗ Đình Tuấn (phụ huynh tại quận Đống Đa, Hà Nội) thẳng thắn.

Còn theo thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), nếu chỉ thi hai môn Văn và Toán trong kỳ thi vào lớp 10 như mọi năm thì học sinh chỉ tập trung vào 2 môn này mà bỏ bê các môn khác. Khi lên THPT các thầy cô phải rất vất vả, vì học sinh bị hổng những kiến thức căn bản.

“Cuộc thi nào cũng có cạnh tranh, không có cuộc thi nào mà không có áp lực cả, chỉ có ít hay nhiều mà thôi.

Quan trọng là học sinh và cha mẹ phải biết được khả năng, năng lực con em mình để lựa chọn những trường phù hợp. Nếu năng lực vừa phải nhưng lại muốn vào những trường top trên thì đương nhiên các em sẽ phải cố gắng, phải vất vả và sinh ra áp lực” - thầy Bình đưa ra lời khuyên với phụ huynh.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/cong-bo-mon-thi-vao-lop-10-kieu-u-tim-nguoi-lon-khong-gioi-duoc-toan-dien-sao-bat-con-tre-635493.ldo