Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật

Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Theo đó, căn cứ Điều 88 và Điều 91 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước công bố 10 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021; riêng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.

Những cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp

Tại Họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã giới thiệu những cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, cải cách đầu tiên là cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Trong đó, Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống".

Luật cũng đã thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Cải cách tiếp theo là nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.

Cải cách của luật còn hướng đến nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Cụ thể, khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi để xác định rõ loại doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp.

Luật cũng bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và đảm bảo tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, cải cách tiếp theo là thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh. Luật đã bổ sung quy định đa dạng hóa thêm sản phẩm giao dịch cho thị trường chứng khoán; đồng thời, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội lớn trong thu hút vốn từ nhà đầu tư, báo gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp còn tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ trưởng cho biết, luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo hướng: quy định đối tượng phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng phù hợp với pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư; phân tách trách nhiệm, nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng…

Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng quy định các hình thức quản lý dự án do người quyết định đầu tư xem xét quyết định theo quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Đồng thời, quy định rõ hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công khi người quyết định đầu tư được giao quản lý nhiều dự án đồng thời hoặc nối tiếp, liên tục nhằm khắc phục tình trạng các Bộ, ngành có ít dự án đầu tư xây dựng được triển khai vẫn thành lập Ban Quản lý dự án chuyên ngành, khu vực sẽ không hiệu và tăng biên chế.

Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về: thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; về cấp giấy phép xây dựng; về chứng chỉ hành nghề…

“Bộ Xây dựng đang triển khai xây dựng 04 Nghị định, 02 Thông tư để hướng dẫn thi hành Luật đảm bảo đến ngày 1/1/2021 khi Luật có hiệu lực có thể triển khai thi hành được ngay” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Bổ sung “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã mở rộng phạm vi của giám định tư pháp theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành.

Để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã bổ sung quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Theo Thứ trưởng, đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.

Bên cạnh đó, Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận, đăng tải, rà soát, cập nhật danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp.

Đặc biệt, Luật cũng đã bổ sung quy định, trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố.

“Đây là quy định mới nhằm huy động các chuyên gia có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cao tham gia hoạt động giám định tư pháp để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng, kinh tế nói riêng…” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, Luật đã bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định. Luật cũng bổ sung quy định về thời hạn giám định; sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn…/.

Kim Thanh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-bo-lenh-cua-chu-tich-nuoc-ve-10-luat-558982.html