Công bố Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo

Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo giúp thiết lập sự hiểu biết chung về các chính sách, thực tiễn để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác hại của AI.

Ngày 9/9, Diễn đàn Toàn cầu Boston, Viện Michael Dukakis, và AIWS.net đã chính thức công bố Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (Social Contract for the AI Age).

Nhóm Chủ trì xây dựng Khế ước Xã hội 2020.

Nhóm Chủ trì xây dựng Khế ước Xã hội 2020.

Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo được công bố dưới sự bảo trợ của Bang Massachusetts, Đại học MIT, sự hợp tác của Liên minh Lãnh đạo thế giới.

Khế ước có các đồng tác giả: Thống đốc Michael Dukakis, Diễn đàn Toàn cầu Boston; Tổng thống Vaira Vike Freiberga, Latvia và Liên Minh Lãnh Đạo Thế Giới; Cha đẻ Internet Vint Cerf; Giáo sư Nazli Choucri (MIT); Thủ tướng Bosnia và Herzegovina Zlatko Lagumdzija; Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston; Giáo sư Thomas Patterson, Đại học Harvard; Giáo sư Alex Pentland, Đại học MIT; Marc Rotenberg, Viện Michael Dukakis; Giáo sư David Silbersweig, Đại học Harvard…

Từ 16 – 18/9, hội nghị của Liên minh Lãnh đạo thế giới sẽ được tổ chức nhằm thảo luận về Khế ước này, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, nhiều nhà sáng tạo, nhà tư tưởng hàng thế giới. Đặc biệt có nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov - một nhà hoạt động xã hội về trí tuệ nhân tạo.

Khế ước là bản chính thức, sau khi bản phác thảo version 1.0 đã được công bố ngày 5/5/2020 và được thảo luận tại Bàn tròn của Liên minh Lãnh đạo thế giới ngày 12/5/2020, và tại Bàn tròn ngày Hiến chương Liên Hợp Quốc 26/6/2020, nhóm đồng tác giả đã tiếp tục phát triển, bổ sung những ý tưởng mới, hoàn thiện để có bản chính thức này công bố ngày 9/9/2020.

Kế thừa từ nền tảng của Khế ước Xã hội thế kỷ 18, bản Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo đã nêu những nguyên lý tổ chức một xã hội trong kỷ nguyên ứng dụng sâu rộng trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, Internet nhằm đem đến những ưu việt nhiều nhất và hạn chế thấp nhất nguy hại do trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, Internet đem lại cho nhân loại.

Khế ước xác định những trung tâm quyền lực gồm: Nhà nước (bao gồm Chính phủ, Quốc hội, Tòa án), Xã hội công dân ( bao gồm các tổ chức xã hội, các nhân vật có ảnh hưởng), Doanh nghiệp, và trợ lý Trí tuệ nhân tạo (các công cụ, giải pháp công nghệ).

Trong Khế ước cũng nêu lên nguyên lý mới phát triển Xã hội công dân trở thành Xã Hội công dân trí thức (Intellectual Society-Thoughtful Civil Society) trên cơ sở ứng dụng công nghệ AI và Internet để phổ cập, nâng cao tri thức cho toàn xã hội, từ đây xây dựng nền dân chủ Thông Minh, bảo đảm quyền công dân, khắc phục những mặt hạn chế của dân chủ hiện tại, năng động hơn, tạo động lực nhiều hơn, tạo điều kiện để mỗi công dân có thể vươn lên tạo dựng cuộc sống của chính mình với nguyên lý Kinh tế trọng tâm vì con người và internet kèm trí tuệ nhân tạo.

Nếu mọi người dùng kết nối Internet qua chuẩn truyền tin TCP/IP thì các chuẩn mực của Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo là các chuẩn để kết nối, quan hệ, hợp tác giữa các chính phủ, các doanh nghiệp, và các tổ chức xã hội, nhằm xây dựng một thế giới dân chủ thông minh, văn minh, thịnh vượng, ở đó mỗi con người được tạo điều kiện để phất huy cao nhất năng lực của mình đóng góp cho xã hội và xây dựng cuộc sống cá nhân với nguyên lý: Mỗi người đều có thể tạo giá trị cho người khác và cho xã hội. Cùng với nguyên lý và chuẩn mực là các giải pháp triển khai để đưa vào thực tiễn, trong đó chú trọng xây dựng Thành phố xã hội Trí tuệ nhân tạo (AIWS City) để tạo hệ sinh thái kinh tế vì con người trên nền trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và Internet cho mỗi công dân.

Trong mười đồng tác giả Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo có người sáng lập và nguyên Tổng biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn.

Minh Huy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cong-bo-khe-uoc-xa-hoi-cho-ky-nguyen-tri-tue-nhan-tao-ar568505.html