Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở

Kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra dân số và nhà ở được thu thập nhằm phục vụ công tác hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Thông tin trên được nhấn mạnh tại Hội nghị Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 diễn ra ngày 18/12, tại Hà Nội, do Tổng cục Thống kê tổ chức.

 Hội nghị được livestream Tiếng Anh trên trang của UNFPA và Tiếng Việt trên Báo VnExpresss (Ảnh: HNV)

Hội nghị được livestream Tiếng Anh trên trang của UNFPA và Tiếng Việt trên Báo VnExpresss (Ảnh: HNV)

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm của Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975.

Thông qua Tổng điều tra, các thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học của hơn 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã được thu thập nhằm phục vụ công tác hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được công bố vào ngày 19/12/2019.

Tiếp theo các kết quả này, Tổng cục Thống kê thực hiện nghiên cứu phân tích chuyên sâu một số chủ đề dân số, gồm: mức sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, di cư và đô thị hóa, già hóa dân số, đồng thời dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2019-2069.

Những phát hiện chính từ nghiên cứu này nhằm tiếp tục cung cấp bằng chứng về thực trạng, xu hướng, các nhân tố ảnh hưởng tới dân số và đề xuất những khuyến nghị nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Hình ảnh thông tin số liệu từ kết quả nghiên cứu chuyên sâu (Ảnh: HNV)

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, với quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp từ Trung ương đến địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã được thực hiện rất thành công với nhiều điểm mới, mang tính đột phá; đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian điều tra, sớm công bố kết quả và tiết kiệm kinh phí.

Đồng quan điểm trên, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, Hội nghị lần này là một sự kiện quan trọng bởi các giá trị to lớn của các số liệu từ Tổng điều tra đối với Việt Nam trong việc xây dựng và giám sát thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình và ngân sách cả ở cấp Trung ương và địa phương. Những số liệu này cũng giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về những tiến bộ mà Việt Nam cần hỗ trợ quốc tế, bao gồm việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Nhân dịp này, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này với chương trình quốc gia hiện tại.

Báo cáo kết quả khái quát tại Hội nghị, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.

Mặc dù vậy, mức sinh giữa các vùng, miền và các nhóm dân số có sự khác biệt đáng kể, trong đó mức sinh của một số dân tộc thiểu số còn rất cao. Chẳng hạn, dân tộc H' Mông là một trong 6 dân tộc ít người có quy mô dân số trên 1 triệu người có mức sinh cao nhất là 3,59 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất; Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước.

Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như tỷ số giới tính khi sinh cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng già hóa và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Dự báo cho thấy, nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn giữ nguyên như: hiện nay, nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa so với nữ giới cùng nhóm tuổi vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người.

Ngoài ra, dự báo dân số cũng đã được thực hiện theo 3 phương án (trung bình, thấp, cao) dựa trên 3 kịch bản về thay đổi mức sinh gắn với kịch bản về tử vong và kịch bản về di cư. Dự báo theo phương án trung bình, đến năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069).

Có thể thấy với những diễn biến mới trên, nguồn lực lao động cùng một số vấn đề mới của xã hội sẽ phát sinh mới. Và tất nhiên, những thông tin có được từ kết quả nghiên cứu chuyên sâu trên sẽ cung cấp các bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới./.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/cong-bo-ket-qua-nghien-cuu-chuyen-sau-tong-dieu-tra-dan-so-va-nha-o-570270.html