Công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc

Với việc đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu người dân ở đâu thì ở yên đó trong vòng 15 ngày để phòng tránh dịch bệnh

Chiều 30-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

Thần tốc, cương quyết

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bệnh viện (BV) Bạch Mai hiện có khoảng 100 bệnh nhân nặng có nhu cầu phải chuyển từ tuyến dưới lên BV mà không thể chuyển sang các BV khác, trong đó có khoảng 30% rất nặng, nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao (trên 80%). Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ cho phép BV Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng để cứu chữa kịp thời, dù trong điều kiện dịch bệnh xảy ra tại BV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương cán bộ, nhân viên ngành y tế, cảm ơn BV Bạch Mai đã có nhiều bác sĩ tình nguyện ở lại, cùng nhiều bác sĩ tình nguyện khác để chăm sóc người bệnh nặng. Đồng thời, nhất trí cho phép BV này tiếp tục nhận điều trị bệnh nhân nặng cấp cứu, không để bệnh nhân tử vong vì không được cấp cứu.

Theo Thủ tướng, đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện cuộc chiến chống Covid-19. Do đó cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ, trên dưới một lòng quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả. Trước hết, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội và ngành công an, các cơ quan khác, chớp thời gian, tranh thủ từng phút, từng giờ, rà soát khoanh vùng những đối tượng nguy cơ lây nhiễm ở ổ dịch Công ty Trường Sinh, BV Bạch Mai. "Tinh thần là thần tốc và cương quyết, dồn mọi nguồn lực dập bằng được ổ dịch này" - Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19; yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng; đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Với việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, Thủ tướng yêu cầu: "Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó, ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2".

Các y - bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thể hiện tinh thần quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19.Ảnh: Thế Anh

Các y - bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thể hiện tinh thần quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19.Ảnh: Thế Anh

TP HCM: Kiểm soát được dịch trong 10 ngày tới

Cũng trong ngày 30-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với báo chí về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, TP đã chuẩn bị phương án cho người cách ly, ban đầu dự kiến là 1.000 chỗ, sau đó là 5.000 chỗ và hiện nay là trên 20.000 chỗ. Dự kiến trong 5 ngày nữa có 7.000 người cách ly hết thời hạn cách ly 14 ngày và số chỗ trống này sẵn sàng tiếp nhận người cách ly mới. Trong thời gian qua, TP chuẩn bị dự trữ thực phẩm ít nhất là 6 tháng đến 1 năm.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định với những giải pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ thời gian qua như tích cực cách ly, vận động tuyên truyền người dân rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế đi ra ngoài… thì trong 10 ngày tới sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Dù vậy, với những ổ dịch mới không được chủ quan mà phải quyết liệt khoanh vùng, ngăn chặn.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, để cơ hội vàng chống dịch trong 10 ngày tới không bị vuột, TP đã phát các tờ rơi đến người dân về việc bắt buộc đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người, cách ly bắt buộc; nếu vi phạm là bị xử lý. "TP mong muốn người dân chia sẻ, chung tay để TP và đất nước bình yên" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng dịch vụ trực tuyến công mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu điện; không tiếp nhận nộp hồ sơ trực tiếp đối với những thủ tục hồ sơ đã bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người. Các quận, huyện chưa có ca nhiễm không được chủ quan lơ là mà luôn luôn nâng cao cảnh giác trong công tác phòng chống dịch. Tăng cường xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, nhất là tiểu thương ở các chợ truyền thống…

Hà Nội: Quyết khoanh vùng ổ dịch

Tại Hà Nội, chiều 30-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Thường trực Thành ủy nhằm kiểm điểm các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ số một là phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ chia sẻ với những khó khăn của BV Bạch Mai, cam kết sẵn sàng hỗ trợ mọi đề nghị của BV để quyết tâm dập dịch tại BV. Trong đó có việc hỗ trợ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân của BV, bao gồm phương tiện, thiết bị và chi phí xét nghiệm.

Tại cuộc họp cùng ngày với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - đơn vị đã tiếp nhận 5.000 test nhanh từ Bộ Y tế trong tối 29-3, triển khai ngay việc xét nghiệm nhanh. Test này do Hàn Quốc sản xuất cho kết quả chính xác trong 10 phút. Ông Chung yêu cầu Sở Y tế Hà Nội lập ngay 10 tổ công tác, các tổ công tác này có lực lượng Bộ Tư lệnh thủ đô, Công an TP và cán bộ y tế để tổ chức test nhanh ở một số khu vực trên địa bàn TP, một số khu tập trung đông người. Trước mắt, trong chiều 30-3, CDC Hà Nội lập 3 tổ công tác, test nhanh ở các phường xung quanh BV Bạch Mai.

Đưa ra đánh giá "TP đang bước vào giai đoạn vô cùng nguy hiểm", ông Nguyễn Đức Chung cho rằng nếu tình trạng diễn ra như tại Vũ Hán (Trung Quốc) thì dịch bệnh đang bắt đầu âm ỉ, lan truyền trên diện rộng trên địa bàn TP và các tỉnh, thành. Hiện tại, dịch bệnh cũng đã lan ra 20 quận, huyện của TP Hà Nội và trong thời gian tới khả năng lan ra hết 30 quận, huyện bởi những người liên quan đến BV Bạch Mai trên địa bàn TP rất lớn. "Vấn đề hiện nay chúng ta khoanh vùng dịch bệnh thế nào thôi. Tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể khoanh được, nếu như tất cả mỗi cá nhân, cộng đồng có ý thức phòng chống dịch bệnh" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh quyết tâm.

203 bệnh nhân mắc Covid-19

Tính đến 18 giờ ngày 30-3, Bộ Y tế công bố thêm 9 ca bệnh mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam đến thời điểm này là 203 trường hợp. Trong số 9 ca mắc mới có 7 người là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh, 1 bệnh nhân tới khám tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới BV Bạch Mai và 1 bệnh nhân từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Hiện "ổ dịch" BV Bạch Mai đã ghi nhận 33 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 22 trường hợp là nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, thành của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào sáng 30-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó Ban Chỉ đạo, cho biết tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang sang cấp độ 3, tức cấp độ dịch bệnh Covid-19 lây lan trên 20 người đến 1.000 người mắc. "Hiện nay, dịch đã chính thức chuyển sang cấp độ 3. Vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng trong ngăn chặn dịch, trong đó có vấn đề phát hiện ca nhiễm ở cộng đồng" - ông Tuyên nhấn mạnh

Xây dựng bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Bạch Mai

Trước thông tin hơn 5.000 bệnh nhân của BV Bạch Mai đã được chuyển viện về địa phương, có nguy cơ lây lan các tỉnh thành, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ rà lại toàn bộ. Để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, thông tin ngay trong đêm 28-3, quân đội đã hỗ trợ BV xây dựng một BV dã chiến trong khuôn viên BV. BV dã chiến có 2 khu đầy đủ trang thiết bị máy móc để điều trị những bệnh nhân mắc Covid-19 khi số mắc tăng cao.

Ông Tuấn cho biết số lượng người có mặt tại BV hiện khoảng gần 3.500 người. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Tình trạng bên trong BV vẫn đang được kiểm soát tốt.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/cong-bo-dich-covid-19-tren-toan-quoc-20200330231207781.htm