Công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm cả số môn học và tiết học

Chiều 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới và làm rõ những điểm mới đáng chú ý của Chương trình này, trong đó đáng chú ý là việc giảm cả số môn học và số tiết học...

Số tiết học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Số tiết học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cụ thể, về hệ thống các cấp học và các giai đoạn giáo dục, điểm khác biệt đáng kể so với chương trình hiện hành là trong Chương trình GDPT mới, quá trình 12 năm học được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm cấp tiểu học (5 năm), cấp THCS (4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, tương ứng với cấp THPT (3 năm).

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều học những nội dung giáo dục về cơ bản giống nhau. Ở giai đoạn giáo dục sau THCS, học sinh được phân luồng và được lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Về kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục, ngoài việc kế thừa nhiều điểm còn phù hợp trong kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục của chương trình hiện hành, Chương trình GDPT mới đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là thông qua các tài liệu về giáo dục của OECD, EU, WEF và chương trình GDPT của nhiều nước như Anh, Australia, Hàn Quốc, Mỹ, Phần Lan,… để xây dựng kế hoạch giáo dục và nội dung giáo dục.

Việc thiết kế một số môn tích hợp mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS; phân hóa bằng lựa chọn các môn học thuộc ba nhóm môn bên cạnh một số môn học bắt buộc, có tính chất công cụ như Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ ở cấp THPT.

Đồng thời bổ sung một số môn học mới vào chương trình như Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật ở cấp THPT và phát triển Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong chương trình hiện hành thành Hoạt động trải nghiệm (hoặc Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) đều có dấu ấn của xu thế quốc tế.

Về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, theo Bộ Giáo dục, các lí thuyết tâm lí học và giáo dục học có ảnh hưởng sâu rộng đến việc xây dựng chương trình và tổ chức hoạt động giáo dục ở nhiều nước tiên tiến như Lí thuyết kiến tạo của Jean Piaget, Lev Vygosky, John Dewey,…; Lí thuyết về “vùng phát triển gần nhất” của Lev Vygotsky; Lí thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner cũng như bài học kinh nghiệm từ chương trình GDPT và SGK của các nước và từ chia sẻ của các chuyên gia quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục nói chung trong Chương trình GDPT mới.

Cùng với những bài học rút ra từ những kì khảo sát quốc tế nhằm đánh giá năng lực học sinh như PISA, TIMSS và từ thực tế thử nghiệm đổi mới đánh giá tại các nhà trường phổ thông của nước ta trong những năm qua, các lí thuyết và kinh nghiệm quốc tế này cũng là cơ sở tham khảo quan trọng để đổi mới mục tiêu và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục học sinh.

Bên cạnh đó, cấu trúc văn bản Chương trình GDPT mới, quy trình và cách thức tổ chức xây dựng và thử nghiệm chương trình, chủ trương “một chương trình nhiều SGK” và đa dạng hóa tài liệu giáo dục,… cũng là kết quả học tập kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình GDPT của các nước có nền giáo dục phát triển.

Giảm tải so với chương trình hiện hành

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chương trình GDPT mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải” như sau:

Giảm số môn học và hoạt động giáo dục

Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.

Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.

Giảm số tiết học

Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.

Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 giờ.

Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ.

Giảm kiến thức kinh viện

Chương trình GDPT hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho học sinh, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh. Chương trình GDPT mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.

Tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn

Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.

Thực hiện phương pháp dạy học mới

Chương trình GDPT mới triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực; theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.

Đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục

Chương trình GDPT mới xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định, từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201812/cong-bo-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-giam-ca-so-mon-hoc-va-tiet-hoc-623333/