Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh: Những ''ngôi sao' cải cách đã đến ngưỡng?

Quảng Ninh tiếp tục giành 'quán quân', trong khi Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 10; các khoản chi phí bôi trơn, tham nhũng vặt còn cao, doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt còn đuối sức trong quá trình hội nhập... đây là những điểm nhấn trong nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018, công bố ngày 28/3.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Cao Xanh, thành phố Quảng Ninh Ảnh: PV

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Cao Xanh, thành phố Quảng Ninh Ảnh: PV

Hà Nội đã vượt khỏi nỗi ám ảnh “không vội được đâu”?

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp công bố (năm thứ 14 liên tiếp) được đo cảm nhận từ hơn 12.000 doanh nghiệp (DN), trong đó gần 11.000 DN tư nhân trên cả nước và trên 1.500 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 20 địa phương tại Việt Nam. Không nhiều bất ngờ khi Quảng Ninh có năm thứ hai liên tiếp giành “quán quân” trong bản xếp hạng PCI 2018, tiếp đó là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Đà Nẵng. Các địa phương trong top 10 còn có Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TPHCM. Trong khi đó, các địa phương “đội sổ” từ dưới lên của PCI 2018 có thể kể tên là Đắk Nông, Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn, Kon Tum, Hưng Yên, Cao Bằng…

“Chi phí không chính thức làm tăng chi phí cho DN, làm cho môi trường kinh doanh rủi ro. Hành vi của công chức khi làm các thủ tục hành chính lại hạch sách, vòi vĩnh phải “bôi trơn” sẽ làm DN rơi vào tình trạng rủi ro, có thể làm mất cơ hội kinh doanh trong quan hệ với đối tác”.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, điều đặc biệt trong PCI 2018 là lần đầu tiên Hà Nội lọt vào nhóm 10 địa phương được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. “Đây là thứ hạng cao nhất Hà Nội có được từ trước đến nay, đưa Hà Nội vượt khỏi nỗi ám ảnh “Hà Nội không vội được đâu” để tiến lên phía trước”- ông Lộc nói.

PCI 2018 cũng ghi nhận chi phí không chính thức (tham nhũng vặt đã giảm rõ so với thời kỳ trước. Việc ưu ái DN Nhà nước và DN FDI so với DN tư nhân trong nước, vấn đề thanh tra, kiểm tra trùng lặp…đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng DN vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. Gần 50% DN tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh, 42,4% DN sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng lo ngại, chỉ số PCI mấy năm qua cho thấy sự chững lại của các “ngôi sao” cải cách (như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp…) và sự gian nan nỗ lực bứt phá, đột phá của nhóm dẫn đầu. Theo ông, điểm số PCI của các “nhà vô địch” chỉ mới qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng, cho thấy dư địa cải cách vẫn còn nhiều.

“Những “việc dễ” đã được các địa phương triển khai và bây giờ là những khâu, việc “khó”, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp Trung ương, từ các bộ ngành. “Chẳng hạn, sự chồng chéo Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường; vấn đề tích tụ đất đai khó khăn… cũng khó tạo cho các địa phương bứt phá”, ông Lộc nói.

Gần 55% DN phải trả phí "bôi trơn"

Tuy có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo nhóm nghiên cứu, từ PCI 2018 cho thấy bức tranh môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Gần 55% DN khảo sát cho biết phải trả “phí bôi trơn” dù thấp nhất trong 5 năm gần đây. Có tới 58% DN trong nước vẫn bị cán bộ cơ quan nhà nước nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Điều tra PCI 2018 cũng ghi nhận “tham nhũng lớn” có dấu hiệu giảm bớt, nhưng vẫn có tới hơn 30% DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai (giảm so với 32% của năm 2017). Gần 40% DN cho biết phải “lót tay” cho cán bộ thanh, kiểm tra. Năm 2018 gần 50% DN đồng ý với nhận định chi trả “hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu. Cùng đó, tỷ lệ DN lo ngại “tình trạng chạy án” là phổ biến trong hoạt động tố tụng qua tòa án cũng tới 28,8%.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, kết quả PCI 2018 cho thấy gánh nặng “hậu đăng ký DN” đang là vấn đề lớn. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… Điển hình là việc trong năm 2018, gần 16% DN cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết khác (ngoài giấy chứng nhận đăng ký DN) để có thể chính thức đi vào hoạt động. Tỷ lệ DN cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động.

Đáng lo ngại, có trên dưới 30% DN cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, chờ đợi để được nhận giấy chứng nhận phòng cháy, chữa cháy…

Theo ông Tuấn, tính minh bạch ở các địa phương cũng chưa được cải thiện nhiều. Vẫn gần 70% DN cho biết “cần có mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh. Qua con số PCI 2018, ông Tuấn cũng lưu ý rằng, dù nhìn chung niềm tin của DN về môi trường kinh doanh ở mức cao, tuy nhiên, cũng có tới 8,3% DN dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa. Các DN nhỏ chủ yếu khó khăn về vốn, khách hàng, tìm kiếm mặt bằng hơn DN lớn. Đáng lo ngại hơn, nhóm DN có quy mô vốn lớn, họ muốn rời khỏi thị trường càng tăng, khiến các DN nhỏ và siêu nhỏ ngày càng bi quan. “Điều này cũng cho thấy DN Việt Nam vất vả, không muốn lớn, là điều phản thị trường”, ông Tuấn nói.

DN tư nhân ở đâu khi hội nhập?

Cũng theo nhóm nghiên cứu PCI 2018, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đa phần đến từ châu Á, trong đó đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhìn chung tỷ lệ DN FDI quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam ngày càng giảm, trong khi tỷ trọng đầu tư quy mô nhỏ tăng lên. Một số chuyên gia còn cảnh báo, nhiều DN FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh - nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn.

“Những DN FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu”- ông Tuấn phân tích. Chưa kể, có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN Nhà nước và FDI hơn các DN tư nhân.

Theo GS.TS Edmund Malesky, Đại học Duke (Mỹ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, PCI năm 2018 cũng chỉ ra, khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN tư nhân Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chỉ 15% DN tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho DN FDI tại Việt Nam, bên cạnh đó là 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và vỏn vẹn 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua việc bán hàng cho các DN mua hàng bên thứ ba. Trong khi đó, các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam chưa hài lòng về chất lượng và năng lực của các nhà cung cấp nội địa. Một trong những mối lo ngại của các DN đầu tư là tranh chấp hợp đồng khi gặp rủi ro. Trong khi, việc đảm bảo thực thi hợp đồng là tốn kém và thiếu chắc chắn tại Việt Nam.

Tuy có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng theo nhóm nghiên cứu, từ PCI 2018 cho thấy bức tranh môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Gần 55% DN khảo sát cho biết phải trả “phí bôi trơn” dù thấp nhất trong 5 năm gần đây. Có tới 58% DN trong nước vẫn bị cán bộ cơ quan nhà nước nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Phạm Anh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cong-bo-chi-so-nang-luc-canh-tranh-nhung-ngoi-sao-cai-cach-da-den-nguong-1394951.tpo