Công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã biên soạn và công bố bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017.

Được biết, Bộ chỉ tiêu này căn cứ vào Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp” và dựa vào kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2017 do Tổng cục Thống kê thực hiện và các nguồn thông tin cập nhật từ cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh, cơ sở dữ liệu thuế.

Theo đó, bao gồm:

Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giúp quản lý hiệu quả (Ảnh: vanbanluat.com)

Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giúp quản lý hiệu quả (Ảnh: vanbanluat.com)

Một số chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp

Về doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, tính đến thời điểm 01/7/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế, đây là những doanh nghiệp nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục Thuế có mã số thuế, không tính những doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh. Trong số đó, có 674.759 doanh nghiệp tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; 27.951 doanh nghiệp có trong danh sách quản lý của thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được. Trong tổng số 674.759 doanh nghiệp có 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có 80.948 doanh nghiệp đang tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh (doanh thu bằng không và không phát sinh chi phí sản xuất, chỉ có chi phí để duy trì doanh nghiệp, như: nộp thuế môn bài…); có 33.394 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể. Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động và các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016.

Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ hiện có số lượng doanh nghiệp đang hoạt động nhiều nhất, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động cao nhất trong các khu vực kinh tế. Tại thời điểm 31/12/2017, số doanh nghiệp đang hoạt động của khu vực dịch vụ là 390.765 doanh nghiệp, tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng là 164.189 doanh nghiệp, tăng 12,2%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp hoạt động rất ít với 5.463 doanh nghiệp, tăng 22,8%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Tại thời điểm 31/12/2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước (bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50%) có 2.486 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, giảm 6,6% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 541.753 doanh nghiệp, tăng 10,9%; khu vực FDI có 16.178 doanh nghiệp, tăng 15,5%.

Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết gọn là địa phương) có 40 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó: Bắc Giang tăng 33,7%; Hà Nam tăng 32%; Bắc Ninh tăng 28,6%; Hưng Yên tăng 28,2%; Hải Dương tăng 25,5%; Vĩnh Phúc 25%... Các địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp đang hoạt động năm 2017 so với năm 2016 thấp gồm: Lai Châu tăng 1,4%; Hậu Giang tăng 1,8%; Đắk Nông tăng 2,1%; Kon Tum tăng 3,3%; Yên Bái tăng 3,4%...

Về doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Có 34/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 so với năm 2016 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước, trong đó: Bến Tre tăng 272,6%; Hà Giang tăng 55,4%; Tuyên Quang tăng 52,7%; Bắc Giang tăng 49,3%; Vĩnh Phúc tăng 45,9%; Hưng Yên tăng 45,2%; Trà Vinh tăng 39,6%; Điện Biên tăng 39,1%; Sơn La tăng 37,9%... Tuy các địa phương này có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới cao nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới không nhiều. Có 4/63 địa phương có tốc độ thành lập doanh nghiệp mới năm 2017 giảm so với năm 2016 gồm: Kiên Giang giảm 55,7%; Bắc Kạn giảm 28,3%; Hậu Giang giảm 6,9%; Thừa Thiên - Huế giảm 4,8%. Một số địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước có số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 cao, gồm: thành phố Hồ Chí Minh 41.686 doanh nghiệp, chiếm 32,9% số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước; Hà Nội 24.545 doanh nghiệp, chiếm 19,3%; Bình Dương 5.549 doanh nghiệp, chiếm 4,4%; Đà Nẵng 4.022 doanh nghiệp, chiếm 3,2%; Đồng Nai 3.360 doanh nghiệp, chiếm 2,6%…

Theo lĩnh vực hoạt động, trong năm 2017 có 45,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 35,8% tổng số doanh nghiệp thành lập mới), tăng 16,6% so với năm 2016; 16,2 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), tăng 9,4%; 16 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,6%), tăng 10,6%; 9,4 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 7,4%), tăng 11,4%; 6,7 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,3%), tăng 21,7%; 6,3 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5%), tăng 19,5%; 5,1 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 4%), tăng 62%; 3,4 nghìn doanh nghiệp giáo dục và đào tạo (chiếm 2,7%), tăng 23%… Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người, giảm 8,4% so với năm 2016.

Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng.

Về doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, năm 2017, cả nước có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm 2016 (năm 2016 có 26.689 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động). Những tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh cao trong năm 2017 gồm: Sơn La tăng 156,5%; Bạc Liêu tăng 95,7%; Quảng Trị tăng 83,9%; Hà Tĩnh tăng 83,8%; Thừa Thiên - Huế tăng 59,8%; Kon Tum tăng 51,9%; Lạng Sơn tăng 41,8%; Bến Tre tăng 40,7%; Bắc Giang tăng 35,1%; Thái Nguyên tăng 33,9%; Quảng Ninh tăng 30,9%...

Một số địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước có tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh tăng không đáng kể, hoặc giảm so với năm 2016, cụ thể: Hà Nội tăng 12,6%, Bắc Ninh tăng 7,1%, thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,2%, Đồng Nai giảm 48,25%, Bình Dương giảm 28,3% Vĩnh Phúc giảm 18,3%, Hải Phòng giảm 1,6%.

Về doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động trên phạm vi cả nước là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm 2016. Có 36/63 địa phương có số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong năm 2017 tăng so với năm 2016; 26/63 địa phương có số doanh nghiệp ngừng hoạt động giảm so với năm 2016; riêng Bạc Liêu số doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2017 tương đương năm 2016.

Những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2017 tăng cao so với năm 2016 gồm: Yên Bái tăng 34,9%; Phú Thọ tăng 34,8%; Thái Bình tăng 34,5%; Nghệ An tăng 25,8%; Quảng Nam tăng 22,7%; Lào Cai tăng 22,4%; Sơn La tăng 21,6%; Ninh Thuận tăng 20,6%... Tuy các địa phương này có tốc độ tăng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cao nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không nhiều. Những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2017 giảm nhiều so với năm 2016 gồm: Hòa Bình giảm 43,1%; Cao Bằng giảm 39,7%; Trà Vinh giảm 32,1%; Đồng Nai giảm 27,8%; Vĩnh Phúc giảm 23,7%; Quảng Bình giảm 23,6%; Bắc Kạn giảm 22,2%; Hậu Giang giảm 22%; Lạng Sơn giảm 20,7%...

Một số địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước có số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn trong năm 2017 gồm: thành phố Hồ Chí Minh 21.567 doanh nghiệp, chiếm 35,6% số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả nước; Hà Nội 13.319 doanh nghiệp, chiếm 22%; Đà Nẵng 1.882 doanh nghiệp, chiếm 3,1%; Bình Dương 1.522 doanh nghiệp, chiếm 2,5%; Hải Phòng 1.399 doanh nghiệp, chiếm 2,3%; Thanh Hóa 1.091 doanh nghiệp, chiếm 1,8%; Quảng Ninh 1.063 doanh nghiệp, chiếm 1,76%… Trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động xấp xỉ 50% số doanh nghiệp thành lập mới.

Về doanh nghiệp giải thể, năm 2017, cả nước có 12.113 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 2,9% so với năm 2016. Một số tỉnh có tốc độ tăng số doanh nghiệp giải thể năm 2017 so với năm 2016 cao như: Hòa Bình tăng 587,1%; Trà Vinh tăng 296,3%; Lào Cai tăng 195%; Bến Tre tăng 164,6%; Nghệ An tăng 155,4%; Thừa Thiên - Huế tăng 100%; Điện Biên tăng 58,3%; Hải Dương tăng 28,3%;...

Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của một số địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước biến động so với năm 2016 như sau: Bắc Ninh tăng 34,7%, Đồng Nai tăng 28,2%, Vĩnh phúc tăng 21,0%, Bình Dương tăng 19,6%, Hà Nội tăng 16.9%, Quảng Ninh tăng 15,6%, thành phố Hồ Chí Minh giảm 13,6%, Hải Phòng giảm 7,1%.

Về lao động của khu vực doanh nghiệp, tại thời điểm 31/12/2017, tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với năm 2016.

Theo khu vực kinh tế: Tại thời điểm 31/12/2017, khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù có số lượng doanh nghiệp không nhiều nhưng thu hút nhiều lao động nhất với 9,3 triệu lao động, chiếm 64,4% lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2016. Khu vực dịch vụ có tỷ trọng số lượng doanh nghiệp lớn nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhưng thu hút lao động thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng với 4,9 triệu lao động, chiếm 33,9%, tăng 5,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ thu hút được 256.683 lao động làm việc trong các doanh nghiệp của ngành này, chiếm 1,8% lao động của toàn bộ doanh nghiệp, tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm 2016.

Theo loại hình doanh nghiệp: Tại thời điểm 31/12/2017, số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước là 1,2 triệu người, chiếm 8,3% lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất với 8,8 triệu lao động, chiếm 60,6%; khu vực FDI thu hút 4,5 triệu lao động, chiếm 31,1%.

Theo địa phương: Các địa phương có tốc độ tăng lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 so với năm 2016 trên 10% gồm: Bắc Ninh tăng 20,7%; Vĩnh Phúc tăng 16,6%; Yên Bái tăng 15,4%; Hậu Giang tăng 13,4%; Bắc Giang tăng 11,4%.

Về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh (SXKD) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2017 đạt 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2016.

Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ hiện thu hút vốn chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp,tại thời điểm 31/12/2017, khu vực này thu hút tới 21,3 triệu tỷ đồng vốn cho SXKD, chiếm 64,6% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 19,3% so với năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 11,3 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 34,4%, tăng 14%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 332,2 nghìn tỷ đồng vốn, chỉ chiếm 1%, tăng 28,6%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Tại thời điểm 31/12/2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút tới 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 53,1% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,5% so với năm 2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước mặc dù đang giảm về số lượng nhưng là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên vốn thu hút vào SXKD hiện nay vẫn còn khá lớn với 9,5 triệu tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 19,2% so với năm 2016. Khu vực doanh nghiệp FDI có số lượng doanh nghiệp ít nhưng hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên thu hút đáng kể vốn cho SXKD với 5,9 triệu tỷ đồng, chiếm 18,1%, tăng 17,8%.

Theo địa phương: Các địa phương có tốc độ thu hút vốn cho SXKD năm 2017 so 2016 tăng trên 50% gồm: Sóc Trăng, Thái Bình, Gia Lai, Trà Vinh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên, Bạc Liêu.

Về doanh thu, năm 2017, tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực có quy mô lớn nhất về doanh thu với khối lượng doanh thu năm 2017 lần lượt là 10,46 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2016 và 10,1 triệu tỷ đồng, tăng 19,3%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 đạt 113 nghìn tỷ đồng doanh thu, chỉ chiếm 0,55% doanh thu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 32,4% so với năm 2016.

Theo loại hình doanh nghiệp: Năm 2017, tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 11,7 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp FDI là 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 20,6%; khu vực doanh nghiệp nhà nước là 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,1%.

Theo địa phương: Các địa phương có tốc độ phát triển doanh thu của khu vực doanh nghiệp năm 2017 so 2016 tăng trên 40% gồm: Hưng Yên; Bình Phước; Bắc Ninh; Lạng Sơn; Hà Tĩnh; Hà Nam. Có 10 địa phương có tốc độ phát triển doanh thu năm 2017 so 2016 giảm gồm: Bình Thuận, An Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Lắk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bình Định và Vĩnh Long.

Về lợi nhuận trước thuế và đóng góp vào ngân sách nhà nước, lợi nhuận trước thuế, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.

Theo khu vực kinh tế: Khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Năm 2017, khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tạo ra 519,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 59,3% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,4% so với năm 2016; khu vực dịch vụ tạo ra 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,2%, tăng 35%; trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 chỉ tạo ra 4,96 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 0,6%, tăng 2,9%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Năm 2017, khu vực doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác với 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 17,6% so với năm 2016. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khoản lợi nhuận khiêm tốn với 291,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,3%, tăng 55%. Khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,9%, tăng 1,8%.

Theo địa phương: Những địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp năm 2017 so 2016 trên 100% gồm: Hưng Yên, Nam Định, Lào Cai, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận.

Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 954,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2016. Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực có quy mô đóng góp vào ngân sách nhà nước năm 2017 khá tương đồng. Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2017 đóng góp vào ngân sách nhà nước 473,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,7% đóng góp vào ngân sách nhà nước của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 2,6% so với năm 2016; khu vực dịch vụ năm 2017 đóng góp 476,3 nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm 49,9%, tăng 20%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2017 chỉ đóng góp được 3,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4%, tăng 56,1%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Năm 2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước với 407,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,7% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 22,2% so với năm 2016; khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp 280,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4%, tăng 1,3%; khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 265,97 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,9%, tăng 6%.

Theo địa phương: Những địa phương có quy mô đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2017 gồm: thành phố Hồ Chí Minh 231,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% cả nước; Hà Nội 197 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 53,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,6%; Bình Dương 41,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,3%; Đồng Nai 39,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2%…

Về thu nhập của người lao động, thu nhập bình quân tháng một lao động năm 2017 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2016.

Theo loại hình doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có mức thu nhập bình quân tháng một lao động trong năm 2017 cao nhất với 11,91 triệu đồng, tăng 4,4% so với năm 2016; khu vực FDI đạt 9,04 triệu đồng, tăng 6,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước mặc dù có mức thu nhập của người lao động thấp nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp năm 2017 nhưng là khu vực có tốc độ cải thiện thu nhập cho người lao động cao nhất với 7,37 triệu đồng, tăng 15,1% so với năm 2016.

Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động năm 2017 đạt cao nhất với 9,41 triệu đồng, tăng 13,5% so với năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,76 triệu đồng, tăng 8,7%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế, chỉ đạt 5,25 triệu đồng, tăng 3,9% so với năm 2016.

Theo địa phương: Các địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2017 cao nhất cả nước là những địa phương thuộc các trung tâm kinh tế lớn thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất những năm qua, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 10,4 triệu đồng; thành phố Hồ Chí Minh 9,85 triệu đồng; Hà Nội 9,19 triệu đồng; Bắc Ninh 8,98 triệu đồng; Đồng Nai 8,82 triệu đồng; Thái Nguyên 8,74 triệu đồng; Quảng Ninh 8,29 triệu đồng; Bình Dương 8,19 triệu đồng… Những địa phương có mức thu nhập bình quân tháng trong năm 2017 dưới 5 triệu đồng, thấp nhất cả nước gồm: Bạc Liêu 4,17 triệu đồng; Điện Biên 4,32 triệu đồng; Sơn La 4,58 triệu đồng; Đắk Nông 4,64 triệu đồng; Đắk Lắk 4,74 triệu đồng; Thanh Hóa 4,91 triệu đồng.

Một số chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2010-2017

Doanh nghiệp thực tế đang hoạt động: Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm tăng 10,5% số doanh nghiệp.

Theo khu vực kinh tế: bình quân giai đoạn 2010-2017, khu vực dịch vụ mỗi năm tăng thêm 11,3% số doanh nghiệp, khu vực công nghiệp tăng thêm 8,6% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm 11,4%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Bình quân giai đoạn 2010-2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước mỗi năm giảm 3,9% số doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng thêm 10,5% và khu vực FDI tăng thêm 12,2%.

Theo địa phương: Có 32/63 địa phương có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động bình quân giai đoạn 2010-2017 cao hơn tốc độ tăng trung bình cả nước, trong đó: Bắc Ninh tăng 18,8%; Vĩnh Phúc tăng 17%; Hưng Yên tăng 16,4%; Bắc Giang tăng 14,7%; Bình Phước tăng 14,1%… Có 3/63 địa phương có tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp thực tế hoạt động bình quân giai đoạn 2010-2017 dưới 5% gồm: Bắc Kạn tăng 2,7%; Thừa Thiên - Huế tăng 3,7%; Lai Châu tăng 3,8%.

Lao động của khu vực doanh nghiệp. Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút thêm 5,9% lao động.

Theo khu vực kinh tế: bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút thêm 5,5% lao động, khu vực dịch vụ thu hút thêm 6,9% lao động và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút giảm 0,6% lao động.

Theo loại hình doanh nghiệp: Cùng với xu hướng giảm dần về số lượng doanh nghiệp do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại, số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang giảm dần về số lượng và cơ cấu trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực này giảm 4% lao động. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 5,7% lao động. Khu vực FDI là khu vực đang có tốc độ thu hút lao động tăng nhanh nhất trong ba khu vực, bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực này thu hút thêm 11,1% lao động.

Theo địa phương: Có 26/63 địa phương có tốc độ thu hút lao động trong khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2017 cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước, trong đó: Bắc Ninh tăng 19,8%; Thái Nguyên tăng 18,1%; Hậu Giang tăng 15,2%; Vĩnh Phúc tăng 13,8%; Bắc Giang tăng 13,4%; Hà Nam tăng 13,3%; Tiền Giang tăng 12,8%; Bến Tre tăng 11,8%… Có 9/63 địa phương có tốc độ thu hút lao động trong khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm, gồm: Hà Giang giảm 4%; Bắc Kạn giảm 2,7%; Phú Yên giảm 2,3%; Gia Lai giảm 2,1%; Sơn La giảm 1,6%; Lai Châu giảm 1,5%; Đắk Lắk giảm 1,4%; Cao Bằng giảm 0,4%; Quảng Trị giảm 0,2%.

Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút thêm 15,4% vốn cho SXKD.

Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ hiện thu hút vốn chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực dịch vụ thu hút thêm 15,4% vốn cho SXKD, khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút thêm 15,3% (trong đó, riêng ngành công nghiệp mỗi năm thu hút thêm 16,1%) và khu vực doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút vốn tăng 19,1%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong thu hút vốn cho SXKD. Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút thêm 16% vốn cho SXKD. Khu vực doanh nghiệp nhà nước mặc dù đang giảm về số lượng nhưng đều là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên vốn thu hút vào SXKD hiện nay vẫn còn khá lớn, trong giai đoạn 2010-2017, mặc dù số doanh nghiệp, số lao động liên tục giảm, nhưng vốn đầu tư vào SXKD của khu vực này vẫn tăng, mỗi năm thu hút thêm 13,2% vốn cho SXKD. Khu vực doanh nghiệp FDI có số lượng doanh nghiệp ít nhưng hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn nên thu hút đáng kể vốn cho SXKD, đồng thời tốc độ thu hút vốn cho SXKD của các doanh nghiệp FDI tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2017, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực FDI thu hút thêm 17,7% vốn cho SXKD.

Theo địa phương: Có 43/63 địa phương có tốc độ thu hút vốn cho SXKD bình quân giai đoạn 2010-2017 cao hơn bình quân chung cả nước, trong đó: Hà Tĩnh tăng 46,9%, Thái Nguyên tăng 43,1%; Trà Vinh tăng 40,7%; Bắc Ninh tăng 35,6%; Điện Biên tăng 30,7%; Bắc Giang tăng 27,9%; Lào Cai tăng 26,9%; Bạc Liêu tăng 26,8%; Đắk Nông tăng 26,2%; Kiên Giang tăng 25,7%… Những địa phương có tốc độ thu hút vốn của khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2010-2017 thấp so với cả nước: Hậu Giang tăng 2,9%; An Giang tăng 4,1%; Quảng Ngãi tăng 6%; Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau cùng tăng 6,7%…

Doanh thu, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp tăng 15,6%.

Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực có quy mô lớn nhất về doanh thu nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2010-2017 cao hơn với mức tăng 17,1%/năm (trong đó ngành công nghiệp tăng 17,6%/năm), khu vực doanh nghiệp dịch vụ tăng bình quân 14,3%/năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng bình quân thấp nhất với 12,2%/năm.

Theo loại hình doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ doanh thu chi phối và có cơ cấu đóng góp ngày càng tăng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, doanh thu của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 16,3%. Tuy không có tỷ lệ doanh thu tạo ra cao nhưng khu vực doanh nghiệp FDI lại có tốc độ tăng doanh thu nhanh nhất trong các loại hình doanh nghiệp, bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017 doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 22,7%. Khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm nhanh quy mô do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại nên doanh thu của khu vực này tăng chậm hơn các loại hình doanh nghiệp khác với 6,3%/năm.

Theo địa phương: Cả nước có 18 địa phương có tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2017 trên 20%, trong đó: Thái Nguyên tăng 45,1%; Bắc Ninh tăng 44,3%, Bắc Giang tăng 30%…; có 36 địa phương có tốc độ tăng doanh thu bình quân từ 10% đến 20% và 9 địa phương có tốc độ tăng doanh thu trung bình dưới 10%.

Lợi nhuận trước thuế và đóng góp vào ngân sách nhà nước, lợi nhuận trước thuế, bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, lợi nhuận trước thuế toàn khu vực DN tăng 13,7% (thấp hơn mức tăng 15,4% của vốn và 15,6% của doanh thu).

Theo khu vực kinh tế: Khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng là khu vực có tốc độ tăng lợi nhuận nhanh nhất giai đoạn 2010-2017 với 14,9%/năm; khu vực dịch vụ có tốc tăng bình quân 12,9%/năm và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm bình quân 9%/năm.

Theo loại hình doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp FDI có tốc độ tăng bình quân lợi nhuận giai đoạn 2010-2017 cao nhất với 17,3%/năm; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt mức tăng 14,1%/năm và khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,3%/năm.

Theo địa phương: Giai đoạn 2010-2017, những địa phương có lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp bình quân tăng cao trên 50%/năm gồm: Thái Nguyên tăng 85,2%; Quảng Ngãi tăng 61,6%; Bắc Ninh tăng 55,6%; Vĩnh Long tăng 53,3%.

Đóng góp vào ngân sách nhà nước, bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 12,4%.

Theo khu vực kinh tế: Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, khu vực dịch vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 12,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,1%.

Theo loại hình doanh nghiệp: Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp cho ngân sách nhà nước tăng 13,3%/năm; khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 9,1%/năm và khu vực doanh nghiệp FDI tăng bình quân 15,3%/năm.

Theo địa phương: Những địa phương có đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2010-2017 có tốc độ tăng cao trên 25% gồm: Hậu Giang tăng 34,6%; Hà Tĩnh tăng 33,6%; Thái Bình 32%; Thái Nguyên tăng 29,6%; Quảng Nam tăng 28,6%; Vĩnh Phúc tăng 26,4%; Trà Vinh tăng 25,5%.

Thu nhập của người lao động, thu nhập bình quân tháng một lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân 10,5%/năm.

Theo loại hình doanh nghiệp: Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, thu nhập bình quân tháng của người lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,9%/năm; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 11,6%/năm và khu vực FDI tăng 11,4%/năm.

Theo khu vực kinh tế: Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, thu nhập bình quân người lao động khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,9%/năm; khu vực dịch vụ tăng 8,6%/năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng bình quân thấp nhất trong ba khu vực kinh tế với 4,5%/năm.

Chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp

Chuyển dịch cơ cấu theo loại hình doanh nghiệp, giai đoạn 2010-2017, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Quy mô và tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI đều tăng và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Nhờ đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp ở hầu hết các chỉ tiêu, cụ thể:

Khu vực doanh nghiệp nhà nước: Thực hiện chủ trương cổ phần hóa và đổi mới, sắp xếp lại của Nhà nước nên khu vực doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu trong giai đoạn 2010-2017. Cụ thể tỷ lệ số doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong tổng số doanh nghiệp giảm từ 1,2% năm 2010 xuống còn 0,4% năm 2017; số lao động giảm từ 16,5% xuống 8,3%; nguồn vốn từ 33,1% xuống 28,8%; doanh thu từ 27,2% xuống 15,1%; lợi nhuận trước thuế từ 32,3% xuống 22,9%; đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 36,3% xuống 29,4%.

Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước: Tỷ lệ đóng góp đối với các chỉ tiêu cơ bản của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2010 và 2017 như sau: Số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 96,2% và 96,7%; số lao động 61,4% và 60,6%; nguồn vốn 51,2% và 53,1%; doanh thu 54,3% và 56,8%; lợi nhuận trước thuế 32,5% và 33,3%; đóng góp vào ngân sách nhà nước 40,4% và 42,7%.

Khu vực doanh nghiệp FDI: Tỷ lệ đóng góp đối với các chỉ cơ bản trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp tăng dần trong giai đoạn 2010-2017, đặc biệt năm 2017 khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ chi phối về lợi nhuận trước thuế trong toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, thể hiện hoạt động kinh doanh hiệu quả của khu vực này trong giai đoạn 2010-2017. Cụ thể tỷ lệ đóng góp đối với các chỉ tiêu cơ bản của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2010 và 2017 như sau: Số doanh nghiệp 2,6% và 2,9%; số lao động 22,1% và 31,1%; nguồn vốn 15,7% và 18,1%; doanh thu 18,5% và 28,1%; lợi nhuận trước thuế 35,2% tăng lên 43,8%; đóng góp cho ngân sách nhà nước 23,3% và 27,9%.

Chuyển dịch cơ cấu theo khu vực và ngành kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút nhiều lao động, tạo ra lợi nhuận và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất về số doanh nghiệp, nguồn vốn và doanh thu, đồng thời là khu vực phát triển nhanh hơn các khu vực khác, đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có quy mô rất nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực này và có tỷ lệ đóng góp ngày càng giảm so với khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ, cụ thể:

Tại thời điểm 31/12/2017, khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 9,34 triệu lao động, chiếm 64,4% tổng số lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 519,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,3% toàn bộ khu vực doanh nghiệp; đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 473,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,7%. Nhìn chung, tỷ lệ đóng góp các chỉ tiêu cơ bản trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2017 không có sự biến động đáng kể so với năm 2010.

Tại thời điểm 31/12/2017, số doanh nghiệp đang hoạt động trong khu vực dịch vụ là 390,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm 69,7% tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế. Nguồn vốn khu vực này huy động đạt 21,3 triệu tỷ đồng, chiếm 64,6%. Doanh thu năm 2017 của khu vực này đạt 10,1 triệu tỷ đồng, chiếm 48,9%; lợi nhuận trước thuế của khu vực này năm 2017 đạt xấp xỉ 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,2%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Phát triển chậm, chiếm tỷ trọng rất nhỏ, quy mô ngày càng giảm trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong lĩnh vực doanh nghiệp.

Một số giải pháp phát triển doanh nghiệp

Hiện nay, khu vực doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khu vực doanh nghiệp nước ta đã phát triển nhanh chóng. Bình quân giai đoạn 2010-2017, số doanh nghiệp thực tế hoạt động tăng 10,5%/năm, số lao động thu hút làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng 5,9%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm, doanh thu tăng 15,6%/năm, lợi nhuận tăng 13,7%/năm và đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm. Để khu vực doanh nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đồng thời thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng thể chế, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực), Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương cần khẩn trương nghiên cứu và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, khẩn trương cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, đồng thời cũng rà soát các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản doanh nghiệp bảo đảm nhanh và hiệu quả; với số lượng 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút 8,7 triệu lao động, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp; tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở cá thể kinh doanh ổn định, tuân thủ pháp luật và lâu dài.

Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung trước mặt vào đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho khu vực doanh nghiệp.

Ba là, trong tiến trình vận hành rất nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với phương thức sản xuất thay đổi, sản phẩm ngày hôm nay là hiện đại được ưa chuộng nhưng 10 năm sau không còn được sử dụng; với hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm của Cách mạng công nghiệp 4.0 từ đó định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng, có chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Bốn là, với tầm quan trọng và hiệu quả của doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức và chuyển đổi địa điểm sản xuất trở lại các quốc gia sản sinh ra công nghệ, Chính phủ cần khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI.

Năm là, nền kinh tế có đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới. Vì vậy, Chính phủ cần đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện 3 khâu then chốt của nền kinh tế: Đổi mới thể chế; Xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực./.

HNV

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/cong-bo-bo-chi-tieu-chu-yeu-danh-gia-muc-do-phat-trien-doanh-nghiep-ca-nuoc-va-cac-dia-phuong-503579.html