Công bố Báo cáo 'Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam'

Nhằm cung cấp các thông tin, phân tích chuyên sâu về năng suất và khả năng cạnh tranh ở cấp độ tiểu ngành đóng góp cho quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, ngày 26/4/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố Báo cáo 'Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam' do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức.

Theo báo cáo, chỉ số cạnh tranh công nghiệp, xuất khẩu công nghiệp chế tạo và chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trong những năm gần đây đã liên tục được cải thiện so với các nước trong khu vực. Một số chỉ tiêu như tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu ra hoặc doanh thu và RCA của Việt Nam vượt trội so với Ấn Độ và Bangladesh. Tuy nhiên, các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam tụt lại sau các nước so sánh. Năng suất lao động ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 năng suất lao động của Trung Quốc và Ma-lay-si-a, 1/3 của In-đô-nê-xi-a và Philippines, 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan và chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, kinh tế Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển đổi quan trọng với kỳ vọng đột phá của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đứng trước nhiều thách thức và áp lực không nhỏ, trong đó nổi bật lên là vấn đề năng suất, đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Năng suất của nền kinh tế Việt Nam được cho là thấp, tính đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh chưa cao. Doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được lợi thế so sánh cần thiết. Làm thế nào để tạo được lợi thế từ việc thu hút FDI, tăng năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là những vấn đề đang được đặt ra cho Việt Nam.

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng theo chiều rộng dần tiệm cận mức tới hạn, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng yếu tố thể chế, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và con người. Đồng thời, Việt Nam cũng chú trọng đến việc xem xét ảnh hưởng của các yếu tố tác động tới năng suất, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế đến nay, Việt Nam đã và đang xây dựng cũng như thực hiện một loạt các chính sách và chương trình cải cách, song những cải thiện về năng suất và mức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Việc chưa nhận diện và chỉ rõ những trở ngại chính gây hạn chế việc tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của các ngành, đặc biệt là ở cấp độ tiểu ngành, liên ngành và ở cấp độ doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác hoạch định và thực thi chính sách về phát triển doanh nghiệp còn nhiều hạn chế và bất cập. Mặc dù có nhiều nghiên cứu liên quan đến năng suất như nhân tố tổng hợp, năng suất lao động ở quy mô toàn nền kinh tế và trong một số ngành, nhưng các nghiên cứu này còn hạn chế, thiếu những phân tích chuyên sâu và chi tiết ở cấp độ tiểu ngành.

Báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam” là nghiên cứu áp dụng khung phân tích dữ liệu chặt chẽ và sử dụng bộ đo lường nhất quán về năng suất và khả năng cạnh tranh có tính đến phạm vi giới hạn về dữ liệu. Đây có thể được xem là một trong những thông tin đầu vào quan trọng cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch VASS cho biết, với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 2.600 USD và dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD thì theo phương pháp luận của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào và bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất. Các động lực tăng trưởng đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ… đang tiến dần đến trần giới hạn. Bởi vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, cải thiện hiệu quả việc sử dụng, phân bổ nguồn lực cũng như nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bước vào kỷ nguyên số với sự tăng tốc của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Theo Báo cáo, Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI, đồng thời phát triển hệ sinh thái, chuyển dịch lên các mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho rằng, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo và đổi mới sáng tạo là vấn đề then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm. Do vậy Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định các nút thắt đang kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành. Đồng thời cần có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.

T oàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có nền tảng kết nối Chính phủ và tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI và trong nước được tiếp cận theo cách các bên cùng có lợi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất và doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận về vấn đề năng suất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, từ đó có những đề xuất thiết thực đóng góp cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng Việt Nam nói chung và xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói riêng trong giai đoạn tới./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nguồn Bộ KHĐT: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=43052&idcm=49