Công bố 7 luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy

Ngày 4-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã thông báo một số nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thi hành án hình sự.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 gồm 7 Chương, 36 Điều, quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia;

Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhất trí đánh giá, việc đưa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào cuộc sống là rất khó khăn. Vì vậy, các chế tài là quan trọng, nhất là chế tài để bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ, người già; chế tài với người sử dụng rượu bia khi làm việc, lái xe. Trong luật đã quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị, các cơ quan thông tấn, báo chí chung tay để cùng triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 7 luật mới được Quốc hội thông qua

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố 7 luật mới được Quốc hội thông qua

Một nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm trong Luật quản lý thuế và việc là xử lý nợ đọng thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, bản thân Luật Quản lý thuế năm 2006 đã có quy định về xử lý nợ đọng thuế.

Trong 13 năm triển khai thi hành, Luật Quản lý thuế năm 2006 đã được sửa đổi 3 lần, nhưng vẫn còn những điểm hạn chế nhất định liên quan đến các điều khoản xử lý nợ đọng.

Có 2 nhóm đối tượng nợ đọng thuế cần xem xét xử lý. Một là những chủ kinh doanh là cá nhân bị chết, coi là chết, coi là mất tích. Việc xóa nợ thuế chỉ được thực hiện khi các đối tượng này bị chết thật, mất tích thật. Người bị coi là chết, bị coi là mất tích không được xóa nợ thuế, trong khi tiền phạt 0,03% mỗi ngày được tính dồn nên càng ngày càng lớn.

Hai là nhóm các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất kinh doanh nhưng chưa làm thủ tục giải thể và phá sản cũng có khoản phạt chậm nộp rất lớn. Thống kê nợ đọng hiện nay cho thấy, có khoảng 50% khoản nợ đọng thuế là khoản tiền phạt chậm nộp.

Vì vậy, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội chỉnh sửa một số nội dung về xóa nợ, trong đó có giải pháp khoanh nợ. Khi xác định đối tượng đã bị coi là chết, mất tích, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cũng được xem xét khoanh nợ, không tính thêm tiền chậm nộp nữa, vì bản chất là không thu được. Với các cơ sở kinh doanh đã được xóa nợ thuế rồi quay trở lại hoạt động, Luật Quản lý thuế quy định truy thu các khoản nợ đọng thuế đã được xóa.

Đây là nội dung đã được Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội bàn thảo rất kỹ để phòng ngừa trường hợp lợi dụng pháp luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

Cụ thể, có trường hợp tẩu tán tài sản cho người thân nên không còn tài sản tại thời điểm phá sản, dẫn tới được xóa nợ thuế. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà sau đó, những trường hợp này tiếp tục đưa tài sản quay lại sản xuất, kinh doanh nên phải quy định như vậy để xử lý./.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-bo-7-luat-da-duoc-quoc-hoi-khoa-xiv-thong-qua-tai-ky-hop-thu-bay-154272.html