Công bằng trong tiếp cận vaccine covid-19: Ứng xử của Việt Nam

Việt Nam cuối cùng đã nhận được lô hàng đầu tiên 117.000 liều vaccine do Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập về. Câu chuyện là ai sẽ được tiêm những mũi tiêm đầu tiên cũng như vấn đề bình đẳng trong tiếp cận vaccine Covid-19 tại Việt Nam lại được nêu ra.

Có rất nhiều bài viết đã được đăng tải trong thời gian qua từ cấp độ chính khách, những người có tầm ảnh hưởng và cả người dân bình thường, qua đó có rất nhiều luận điểm rất đáng tham khảo.

Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Thành phố Hải Dương là người đầu tiên được tiêm.

Chị Phạm Thị Tuyết Nhung, 40 tuổi, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế Thành phố Hải Dương là người đầu tiên được tiêm.

Vaccine Covid-19 - đặc quyền của người giàu?

Khó khăn trong việc mua vaccine Covid-19 đã được nhìn nhận, các quốc gia đều chạy đua muốn để có được vaccine trước và họ sẵn sàng chi mạnh tay để có được vaccine.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định: tiến triển về tiêm ngừa vaccine không đồng đều và không công bằng một cách điên rồ. Chỉ 10 quốc gia đã sử dụng 75% tổng số vaccine Covid-19. Trong khi, hơn 130 quốc gia chưa nhận được liều vaccine nào.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Nhật Bản và một số nước khác đã đặt mua lượng lớn vaccine của các hãng dược phẩm tiềm năng nhất thì một số quốc gia với khả năng tài chính hạn chế lại có nguy cơ bị thụt lùi phía sau.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, với khả năng sản xuất hiện tại, số lượng vaccine chỉ cung ứng đủ cho một phần nhỏ người dân trên toàn cầu và việc mất cân bằng phân bổ vaccine sẽ tạo ra biến thể virus mới khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trong các cộng đồng không có cơ hội tiếp cận với vaccine..

Để giảm tình trạng bất bình đẳng này, các tổ chức quốc tế như WHO và các trường đại học lớn trên thế giới hình thành liên minh COVAX và lên kế hoạch dự trữ, vận chuyển vaccine chống Covid-19 tới các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt tại các quốc gia có tình hình dịch diễn biến phức tạp như Ấn Độ.

Tuy vậy, việc thiếu hụt vaccine Covid-19 là gần như chắc chắn tại nhiều quốc gia phản ứng chậm trong sản xuất hay nhập khẩu vaccine trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu.

Ngày 8/3, những liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm, trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19, các vùng có dịch. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên hợp quốc.

Tương tự như vậy, ở Việt Nam chắc chắn sẽ có những người sẵn sàng chi mạnh để được ưu tiên tiêm trước, thậm chí rất nhiều tin đồn về các loại giá khác nhau để có được trong danh sách tiêm. Điều này có thể đúng, có thể sai nhưng thực tế là có rất nhiều cuộc gọi với cùng câu hỏi, khi nào tôi mới được tiêm?

Để có kinh phí nhập vaccine, chắc chắn là việc đồng chi trả của người dân sẽ làm giảm gánh nặng cho nhà nước trong việc nhập khẩu vaccine và có kinh phí sẽ giúp các hãng vaccine nhập khẩu được loại vaccine hiệu quả hơn cho tiêm chủng.

Tuy vậy, khi vaccine còn chưa nhiều đến mức độ bao phủ toàn dân và sẵn sàng nhiều loại để lựa chọn thì vẫn cần có sự điều tiết của chính phủ bởi vaccine không đơn giản chỉ là sinh phẩm giúp bảo vệ các cá nhân mà còn là vũ khí cho chống dịch. Như vậy, ở giai đoạn này, không phải bạn có tiền là bạn có quyền chọn lựa vaccine cũng như được ưu tiên tiêm trước.

Vậy, đối tượng nào cần được ưu tiên? Câu hỏi này cũng tương tự câu hỏi “tiêm bao nhiêu thì đạt được miễn dịch cộng đồng?”.

Trước tiên, miễn dịch cộng đồng được hiểu là việc các thành viên trong cộng đồng đó có miễn dịch và nếu không may có một trường hợp bệnh xâm nhập thì do tiếp xúc với toàn những người đã được bảo vệ nên không lây lan được cho những người chưa được bảo vệ trong cộng đồng đó.

Tùy vào mỗi loại vaccine, miễn dịch để có thể bảo đảm không bị nhiễm bệnh cũng như không trở thành người mang virus tiếp tục đi lây lan là khác nhau.

Theo tính toán của WHO, miễn dịch cộng đồng cần ít nhất là 70% số người trong cộng đồng đã có miễn dịch thì mới bảo đảm ngăn chặn được dịch. Nếu căn cứ vào hiệu quả sinh miễn dịch và hiệu quả của các vaccine thì để đạt tỉ lệ này cần phải tiêm cho trên 90% dân số mới có thể thành công ngăn chặn dịch.

Và để có con số này, Việt Nam cần 180 triệu liều vaccine hoặc hơn mới có thể đạt được tỉ lệ đó (bao gồm cả hao phí khi tiêm chủng). Như vậy, sẽ còn rất lâu mới có thể hoàn thành việc tiêm chủng khi nguồn cung còn rất hạn chế như hiện nay. Vì thế, chiến lược của Việt Nam chính là vừa tiêm chủng vừa phòng chống dịch, ưu tiên cho đối tượng nguy cơ trước sau đó mới đến toàn thể cộng đồng.

Những chiến sĩ tuyến đầu như nhân viên y tế tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân Covid-19, những nhân viên y tế tham gia chống dịch, thành viên ban chỉ đạo trực tiếp tổ chức công tác chống dịch sẽ là đối tượng đầu tiên cần được tiêm chủng. Ngoài vấn đề bảo vệ cho những đối tượng thiết yếu của công tác chống dịch, điều này còn tạo ra lớp lá chắn số 1 cho những người mà nếu không may họ nhiễm bệnh có thể lan truyền cho những người khác với mức độ nghiêm trọng hơn, bởi họ là những thành viên quan trọng cho công tác chống dịch. Nếu thành trì này bị vỡ sẽ không còn ai tiếp tục bảo vệ các bệnh nhân và cộng đồng. Lượt vaccine tiếp theo sẽ dành cho những người hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho chống dịch như lực lượng vũ trang và những người lao động cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Bảo đảm tiếp cận công bằng

Theo hướng dẫn mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) và WHO, nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người già yếu nhất, thường sống trong các viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc y tế dài hạn, sẽ được tiêm những mũi vaccine Covid-19 đầu tiên.

Việt Nam cũng áp dụng cùng chiến lược này nhưng có sự điều chỉnh khá lớn với việc xác định người cần tiêm chủng chính là lá chắn giúp cho công tác phòng chống dịch. Theo đó, những chiến sĩ tuyến đầu như nhân viên y tế tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân Covid-19, những nhân viên y tế tham gia chống dịch, thành viên ban chỉ đạo trực tiếp tổ chức công tác chống dịch sẽ là đối tượng đầu tiên cần được tiêm chủng.

Ngoài vấn đề bảo vệ cho những đối tượng thiết yếu của công tác chống dịch, điều này còn tạo ra lớp lá chắn số 1 cho những người mà nếu không may họ nhiễm bệnh có thể lan truyền cho những người khác với mức độ nghiêm trọng hơn bởi họ là những thành viên quan trọng cho công tác chống dịch. Nếu thành trì này bị vỡ sẽ không còn ai tiếp tục bảo vệ các bệnh nhân và cộng đồng.

Lượt vaccine tiếp theo sẽ dành cho những người hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho chống dịch như lực lượng vũ trang (quân đội, công an). Những cán bộ này có mức độ tiếp xúc nhiều và liên tục tham gia vào công tác bảo đảm an toàn, an ninh xã hội và cũng có mức độ tiếp xúc khá nhiều.

Trong các tình huống khẩn cấp, đây chính là lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch, xử lý thảm họa. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh chiến sĩ Công an mang mẫu của một người tử vong không rõ nguyên nhân đến để xin xét nghiệm, thực sự là họ ngày nào cũng tiếp xúc những trường hợp nguy cơ, họ cũng rất cần được bảo vệ không khác những chiến sỹ áo trắng tuyến đầu.

Tiếp theo của nhóm ưu tiên này chính là những người lao động cung cấp dịch vụ thiết yếu và có khả năng tiếp xúc nhiều người như nhân viên làm các dịch vụ xã hội, dịch vụ thiết yếu. Đây là nhóm có mật độ tiếp xúc cao và chỉ cần sơ xuất là có thể bị nhiễm bệnh. Nếu họ nhiễm bệnh, khả năng tiếp tục lây cho những người khác rất lớn.

Trong thực tế chống dịch tại Việt Nam đã có những trường hợp như vậy, một nhân viên cửa hàng nhiễm bệnh và hàng trăm người đã phải đi cách ly do sử dụng dịch vụ tại cửa hàng đó.

Với khoảng thời gian khá ngắn từ khi các vaccine được phê duyệt theo tình trạng khẩn cấp tới nay, chưa đủ các dữ liệu lâm sàng về khả năng bảo vệ của các vaccine. Chính bởi vậy, các khuyến cáo kể cả của WHO cũng khá thận trọng. Đến thời điểm hiện tại, WHO chưa khuyến cáo việc áp dụng chính sách riêng cho vấn đề di chuyển có phải đòi hỏi chứng nhận tiêm chủng. Tại sao vậy?

Vaccine cho đến nay mới chỉ chứng tỏ được khả năng bảo vệ, ngăn ngừa tử vong (với việc tiêm cho người già và người có sức khỏe suy giảm) hay là giảm sự lây truyền virus (tiêm cho nhân viên y tế và người lao động thiết yếu) chứ chưa hề có kết quả về việc ngăn ngừa sự lây lan thứ cấp.

Nói một cách khác, các thử nghiệm lâm sàng chưa chứng minh được rằng một người được tiêm chủng sẽ không còn là người mang virus và lây nhiễm tiếp cho người khác. Chính vì vậy, việc tiến hành đồng thời cả tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch không đặc hiệu mới là điểm mấu chốt của chiến lược hiện tại.

Vaccine được vận chuyển từ trung tâm VNCC Trường Chinh (Hà Nội) tới các điểm tiêm chủng theo kế hoạch.

Một vấn đề nữa trong bảo đảm bình đẳng của tiêm chủng đấy là ưu tiên cho nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Rất nhiều người trong số họ không có thu nhập tốt nên để bảo vệ nhóm này chắc chắn phải có sự ra tay của chính phủ. Với cách thức mà Việt Nam đang tiến hành, chúng ta thấy nhóm này nằm ngay sau những nhóm ưu tiên do đặc thù công việc kể trên.

Điều này thể hiện tính nhân văn trong công tác tiêm chủng chống dịch tại Việt Nam và cũng bởi đây là nhóm dễ tổn thương nhất, nhóm này sẽ không triển khai đợt đầu để bảo đảm vấn đề an toàn tiêm chủng nhưng cũng không phải đợt cuối khi đã mở rộng toàn dân. Bảo vệ cho nhóm này chính là giảm nguy cơ tử vong do Covid-19.

Đáng chú ý, một số người lao động thiết yếu cũng có vấn đề sức khỏe mạn tính, hoặc nằm trong nhóm cao tuổi nên việc trùng lặp đối tượng là hoàn toàn có thể và các địa phương khi triển khai cần làm kỹ công tác sàng lọc đối tượng để đảm bảo không bỏ sót.

Quay trở lại công tác phòng chống dịch, rõ ràng Việt Nam đã vận dụng linh hoạt giữa ưu tiên đối tượng tiêm chủng với địa bàn tiêm chủng. Cũng là các đối tượng ưu tiên nhưng chắc chắn những địa bàn có bệnh nhân, có dịch, có nguy cơ sẽ phải ưu tiên bao phủ trước.

Điều này không những đảm bảo lớp lá chắn số 1 mà còn bảo đảm rằng lá chắn đó giúp che chắn những địa bàn xung yếu nhất. Lưu ý rằng, nguy cơ không chỉ đơn giản là địa bàn có dịch, từng có bệnh nhân mà còn cả những địa bàn có nguy cơ về nhập cảnh bất hợp pháp nhất là khi các quốc gia liên kề chúng ta vẫn liên tục ghi nhận dịch bệnh.

Cuối cùng, cũng cần phải bàn tới đó là sự minh bạch nhưng linh hoạt trong công tác tiêm chủng. Vaccine hiện nhập về Việt Nam là loại 10 liều trong lọ, việc sử dụng thông minh để giảm hao phí đến mức thấp nhất trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung như hiện tại cần phải tính đến sự minh bạch về vaccine.

Theo đó, ngoài việc tiếp cận sớm nhất đến các đối tượng cần tiêm, sự đồng thuận cũng như cách bố trí triển khai tiêm chủng cũng phải đảm bảo sự linh hoạt cần thiết để nếu tiêm đủ cho đối tượng cần ưu tiên mà vẫn còn vaccine thì hoàn toàn có thể gọi tiếp nhóm bổ sung sao cho tận dụng đến mức cao nhất số liều vaccine hiện có.

Đó mới chính là bảo đảm cho sự công bằng trong tiêm chủng, bảo đảm số lượt người được tiêm tiệm cận với số vaccine được cấp và đạt tỉ lệ bảo vệ cao hơn. Đó mới là mục tiêu sau cùng của chiến dịch tiêm chủng.

Một vấn đề nữa trong bảo đảm bình đẳng của tiêm chủng đấy là ưu tiên cho nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền. Rất nhiều người trong số họ không có thu nhập tốt nên để bảo vệ nhóm này chắc chắn phải có sự ra tay của chính phủ. Với cách thức mà Việt Nam đang tiến hành, chúng ta thấy nhóm này nằm ngay sau những nhóm ưu tiên do đặc thù công việc kể trên. Điều này thể hiện tính nhân văn trong công tác tiêm chủng chống dịch tại Việt Nam và cũng bởi đây là nhóm dễ tổn thương nhất, nhóm này sẽ không triển khai đợt đầu để bảo đảm vấn đề an toàn tiêm chủng nhưng cũng không phải đợt cuối khi đã mở rộng toàn dân.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-bang-trong-tiep-can-vaccine-covid-19-ung-xu-cua-viet-nam-140292.html