Công bằng, khách quan trong xem xét quyết định kỷ luật nhà khoa học

Thời gian qua, dư luận trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng quan tâm nhiều đến các quyết định kỷ luật khiển trách, cảnh cáo về mặt Ðảng, chính quyền đối với bà Mai Thi, Ðảng ủy viên, nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên - Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Sóc Trăng.

Không đồng ý với các quyết định kỷ luật nêu trên, bà Mai Thi cho rằng mình bị lãnh đạo Sở TN và MT quy chụp, trù dập người tố cáo dẫn đến kỷ luật oan, cho nên đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan Ðảng, chính quyền từ địa phương đến Trung ương yêu cầu làm rõ.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2016, chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT được nhóm tác giả gồm bảy cán bộ khoa học Trung tâm Quan trắc TN - MT tỉnh Sóc Trăng do bà Mai Thi đứng đầu cùng hợp tác với Hiệp hội tôm Mỹ Thanh. Ðây là công trình tập thể, nghiên cứu thành công chế phẩm vi sinh mang vi khuẩn Bacillus subtilis, được lấy từ ruột cá rô phi tại vùng nuôi trong tỉnh. Ðối tượng được chọn là cá rô phi vì loài này sống được trong nước mặn, thích hợp với việc xử lý chất thải đáy ao nuôi tôm.

Qua quá trình lấy mẫu đất, bùn, nước, tôm để nghiên cứu và ứng dụng vào các ao nuôi tôm tại Hiệp hội Mỹ Thanh cho thấy, nước trong ao xanh, các chất độc gây hại cho tôm giảm hẳn, tôm nuôi đạt sản lượng cao. Kết quả, chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT đoạt giải nhì của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, nhóm nghiên cứu được UBND tỉnh tặng Bằng khen, riêng cá nhân bà Mai Thi được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Trước khi đưa vào khảo nghiệm trên diện rộng, chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức ứng dụng thử tại bốn ao, với diện tích 13.500 m2, nuôi một vụ tôm giữa năm 2016, thu lãi 1,4 tỷ đồng.

Kết quả này cũng được khẳng định trong "Hội thảo các mô hình khuyến nông hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 và các giải pháp ứng dụng vào thực tiễn" do Trung tâm Khuyến nông tổ chức ngày 6-1-2017. Ngày 14-1-2017, HÐND tỉnh và Hiệp hội tôm Mỹ Thanh đều có công văn đề nghị UBND tỉnh xem xét, triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT trong sản xuất tôm - lúa - màu năm 2017. Từ đó, bà Mai Thi đã phối hợp tổ chức 15 cuộc hội thảo, tập huấn cho bà con tại các huyện, thị xã trong tỉnh để hướng dẫn kinh nghiệm nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT và ký biên bản thỏa thuận cung cấp miễn phí chế phẩm sinh học này trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho 30 hộ dân thuộc sáu xã và tổ hợp tác.

Ông Lý Trịnh Trường Sơn, người nuôi tôm ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: "Mấy năm trước, vùng đất nuôi tôm Vĩnh Hải bị ô nhiễm nặng nề khiến người nuôi điêu đứng, treo ao. Nhưng từ năm 2016 đến nay, nhờ ứng dụng chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT, môi trường nước được cải thiện rất tốt, vụ tôm nào bà con cũng đạt hiệu quả cao. Năm 2016, tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng được hai ao, rộng 4.500 m2, cuối vụ trừ chi phí lãi hơn 130 triệu đồng. Vụ nuôi 2017, tôi thả giống mật độ dày hơn, tập trung vào một ao rộng 2.000 m2 để khảo nghiệm rồi mới nhân rộng, mới qua một vụ nuôi đã thu lãi 100 triệu đồng".

Cùng chung niềm vui với ông Sơn, anh Nguyễn Văn Hết ở ấp Hòa Nhờ B, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: "Sau khi được bà Mai Thi hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT cải tạo môi trường, vụ nuôi nào gia đình tôi cũng đạt thắng lợi. Năm 2017, tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng được sáu ao, mỗi ao rộng 1.500 m2, lợi nhuận gần 300 triệu đồng…".

Ðược biết, không chỉ nghiên cứu, ứng dụng thành công chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT trong xử lý môi trường nuôi tôm, mà trước đó Trung tâm Quan trắc TN - MT tỉnh Sóc Trăng còn nghiên cứu thành công hai chế phẩm sinh học dùng để xử lý hầm cầu vệ sinh là ST Bacilli 1 (dạng bột) và ST Bacilli 2 (dạng lỏng). Ðây là sản phẩm từ đề tài nghiên cứu thạc sĩ và tiến sĩ của bà Mai Thi "Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý rác hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng". Ngày 24-9-2015, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận cho thực hiện hai sản phẩm này theo dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Sóc Trăng năm 2015". Quyết định nêu rõ việc coi trọng giá trị của hai sản phẩm trong công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.

Thế nhưng, điều hết sức bất ngờ là chính việc nghiên cứu thành công chế phẩm ST Bacilli - MT giúp người nuôi tôm tránh bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường của bà Mai Thi lại là nguyên nhân dẫn đến ngày 22-8-2017, Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Sóc Trăng ra Quyết định số 26-QÐ/UBKTÐUK về việc thi hành kỷ luật "khiển trách" đối với đồng chí Mai Thi, Ðảng ủy viên, nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN - MT Sóc Trăng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Ðảng ủy Khối các cơ quan cho rằng: "Ðồng chí Mai Thi với vai trò Ðảng ủy viên, nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT Sóc Trăng đã có hành vi vi phạm: Về phối hợp tổ chức hội thảo, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng là không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 235-QÐ/CTUBND, ngày 29-5-2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Cung cấp chế phẩm sinh học ST Bacilli - MT trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho người dân, khi chế phẩm không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép".

Sau khi có quyết định kỷ luật Ðảng, ngày 30-8-2017, Sở TN và MT Sóc Trăng có công văn thông báo "Về việc không bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT đối với bà Mai Thi". Tương tự, cũng với nội dung "vi phạm" nêu trên, ngày 27-11-2017, lãnh đạo Trung tâm Quan trắc TN-MT tiếp tục ban hành Quyết định số 12/QÐ-TTQTTNMT về việc kỷ luật bà Mai Thi, viên chức Trung tâm Quan trắc TN-MT với hình thức cảnh cáo.

Tuy nhiên, điều rất khó hiểu trước hết là ở chỗ Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Sóc Trăng ra quyết định kỷ luật bà Mai Thi lại thừa nhận bà Mai Thi cùng các cộng sự ở Trung tâm Quan trắc TN-MT nghiên cứu ra chế phẩm ST Bacilli - MT xử lý môi trường nuôi tôm rất tốt và rất cần thiết cho người nuôi tôm. Hồ sơ công trình nghiên cứu đăng ký dự thi Hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật tỉnh của bà Mai Thi, do ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Sở TN và MT Sóc Trăng ký ngày 15-7-2015; báo cáo thành tích hoạt động khoa học - kỹ thuật của bà Mai Thi gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tặng Bằng Lao động sáng tạo do Phó Giám đốc sở TN và MT Sóc Trăng Trần Văn Thanh ký cũng đều khẳng định công dụng của chế phẩm ST Bacilli - MT của bà Mai Thi và nhóm nghiên cứu là để sử dụng trong nông-lâm nghiệp.

Trong báo cáo thành tích còn nêu rõ, giải pháp sáng tạo được "Ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản, ứng dụng xử lý ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi tôm". Trước đó, ngày 19-11-2012, trong tình hình môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm gây thiệt hại nặng cho nông dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí cũng đã ký quyết định đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quan trắc nuôi trồng tại vùng nuôi tôm nước lợ. Từ thiết bị được đầu tư, Trung tâm đào tạo nhân sự năm 2013, phát triển nghiên cứu năm 2014 và đạt kết quả, đưa vào khảo nghiệm năm 2016. Thanh tra Sở NN và PTNT cũng cho biết, ngành đã thanh tra việc ứng dụng chế phẩm vi sinh ST Bacilli - MT phục vụ nuôi trồng thủy sản. Việc nghiên cứu các loài vi sinh vật nguồn gốc bản địa phục vụ nuôi trồng thủy sản tại địa phương là cần thiết để giúp người nuôi tôm tránh bị thiệt hại.

Ðiều khó hiểu nữa là việc cho rằng, Trung tâm Quan trắc TN - MT Sóc Trăng không có chức năng khoa học và đưa sản phẩm ra ứng dụng, vì theo Quyết định 235-QÐ/CTUBND ngày 29-5-2008 của UBND tỉnh Sóc Trăng quy định chức năng của Trung tâm Quan trắc TN - MT chủ yếu là giám sát môi trường!? Nhưng thật ra, công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật là hoàn toàn đúng với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Bởi Trung tâm là đơn vị khoa học - công nghệ đã được Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng cấp "Chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ" ngày 26-12-2014.

Trung tâm có phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia về lĩnh vực hóa - sinh; "Chứng chỉ công nhận Phòng thí nghiệm Trung tâm Quan trắc TN - MT Sóc Trăng" được Văn phòng Chứng nhận chất lượng của Bộ KH và CN cấp ngày 12-3-2013, có giá trị đến ngày 12-3-2019. Do vậy, vấn đề mấu chốt đặt ra cần phải được làm rõ là các quyết định kỷ luật bà Mai Thi của Ủy ban Kiểm tra Ðảng ủy Khối các cơ quan và Trung tâm Quan trắc TN-MT Sóc Trăng đều dựa theo Quyết định 235-QÐ/CTUBND của UBND tỉnh Sóc Trăng, mà quyết định này lại được căn cứ vào Luật Tổ chức HÐND và UBND ngày 26-11-2003 đã lỗi thời, hết hiệu lực (hiện thay thế bằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19-6-2015).

Mới đây, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) có Công văn số 2434/TCTS-NTTS do Phó Vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản Trần Công Khôi ký ngày 12-9-2017, khẳng định: Chế phẩm vi sinh ST Bacilli - MT được phép sử dụng trong nuôi tôm, không cấm nghiên cứu, thử nghiệm. Theo tiêu chuẩn cơ sở số TCCS003:2015/QTMT do Trung tâm Quan trắc TN - MT công bố áp dụng, chế phẩm ST Bacilli - MT có thành phần là Bacillus subtilis. Ðối chiếu danh mục chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cho thấy Bacillus subtilis là loài vi sinh được phép sử dụng (không phải là thành phần mới). Với "sản phẩm không có thành phần mới", công văn dẫn quy định về quản lý chế phẩm sinh học tại Nghị định số 39/2017/NÐ-CP ngày 4-4-2017 và Nghị định số 08/2010/NÐ-CP ngày 5-2-2010 của Chính phủ để cho biết: "Trước khi lưu thông trên thị trường phải đăng ký lưu hành với Tổng cục Thủy sản nhưng không cấm nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm trước khi lưu hành. Còn đối với sản phẩm có thành phần mới, trước khi đăng ký lưu hành phải thực hiện khảo nghiệm theo đề cương được Tổng cục Thủy sản phê duyệt".

Hiện nay, dư luận trong cán bộ và người dân Sóc Trăng tỏ ra bức xúc việc bà Mai Thi bị xử lý kỷ luật, trong khi bà là người có nhiều đóng góp vào việc phát triển các chương trình kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Ðề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng cần sớm xem xét lại các quyết định kỷ luật đối với bà Mai Thi trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng oan sai.

"Chế phẩm ST Bacilli - MT là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học thật sự, cho hiệu quả thực tế. Những nhà khoa học có tài và tâm huyết như bà Mai Thi rất cần được khuyến khích phát huy, nhất là trong tình hình nuôi tôm quá rủi ro ở đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay. Tôi thấy có gì đó quá bất công, có dấu hiệu bị trù dập, mong được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng sớm giải quyết vụ việc một cách công bằng, khách quan…".

NGUYỄN HỮU HIỆP

(Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường đại học Cần Thơ)

"Chế phẩm ST Bacilli - MT là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học thật sự, cho hiệu quả thực tế. Những nhà khoa học có tài và tâm huyết như bà Mai Thi rất cần được khuyến khích phát huy, nhất là trong tình hình nuôi tôm quá rủi ro ở đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay. Tôi thấy có gì đó quá bất công, có dấu hiệu bị trù dập, mong được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng sớm giải quyết vụ việc một cách công bằng, khách quan…".

NGUYỄN HỮU HIỆP

(Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Trường đại học Cần Thơ)

ÐỖ NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/36099002-cong-bang-khach-quan-trong-xem-xet-quyet-dinh-ky-luat-nha-khoa-hoc.html