Công an xác minh dấu hiệu mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng

Trước những biểu hiện hoạt động mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng, UBND TP Uông Bí giao cơ quan công an xác minh, thu thập chứng cứ.

Tối 21/3, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết đã giao cơ quan công an vào cuộc xác minh dấu hiệu hoạt động mê tín dị đoan và một số biểu hiện vi phạm khác diễn ra tại chùa Ba Vàng.

Người dân Uông Bí nói gì về việc chùa Ba Vàng truyền bá vong báo oán? Nhiều người dân Uông Bí và du khách cho biết họ tự nguyện công đức cho chùa Ba Vàng một khoản tiền để hồi vong, số khác lại nói đó là hoạt động mê tín và trục lợi.

Công an TP Uông Bí sẽ thu thập chứng cứ, làm việc với các bên liên quan để làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh. Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những chỉ đạo đối với công an sở tại để sớm có kết luận thông tin đến báo chí.

Theo ông Hà, trong buổi làm việc với địa phương ngày 20/3, đại diện chùa Ba Vàng xác nhận hình ảnh báo chí phản ánh diễn ra tại chùa nhưng được cắt xén với dụng ý riêng. Trụ trì ngôi chùa giải thích các khoản tiền cúng lễ oan gia trái chủ do phật tử tự nguyện cúng dường tam bảo và theo yêu cầu của vong. Chùa Ba Vàng không yêu cầu phật tử phải đóng góp.

Ngoài cơ quan công an, các sở, ngành địa phương cũng vào cuộc để xác minh làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh.

Chùa Ba Vàng ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: ANHP.

Chùa Ba Vàng ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: ANHP.

Ngày 20/3, báo Lao Động đăng tải phóng sự phản ánh hoạt động "thỉnh vong", "gọi hồn" tại chùa Ba Vàng. Ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Theo bài viết, mỗi năm chùa Ba Vàng thu trăm tỷ đồng từ hoạt động này.

Chùa Ba Vàng có đủ cách để "hút" tiền từ các phật tử, thông qua hình thức đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản, thậm chí trả góp. Với những người không có tiền, chùa lại có cách nhận vào làm việc không công, gọi là "làm công quả".

Một ngày sau, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu làm rõ các thông tin liên quan đến sự việc truyền bá chuyện “vong báo oán” ở chùa Ba Vàng như báo chí đã phản ánh.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay buổi làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng) để kiểm điểm, làm rõ sự việc và có biện pháp chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân nếu vi phạm mê tín, dị đoan.

Cũng trong ngày 21/3, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xác minh làm rõ những thông tin về lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi tại chùa Ba Vàng và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan vụ việc, trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng, theo Khoản 2- 3 Điều 320 Bộ luật hình sự.

Theo luật sư, các hoạt động như thỉnh vong, gọi hồn tại ngôi chùa này, ai muốn thoát nạn thì phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa, tất cả đều là hoạt động mê tín dị đoan nhằm trục lợi.

"Trừ khi người truyền bá có bệnh lý tâm thần, còn nếu hoàn toàn tỉnh táo thì hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành tội hành nghề mê tín, dị đoan và thậm chí cưỡng đoạt tài sản", luật sư phân tích.

Còn luật sư Trần Văn Khánh (Đà Nẵng) cho hay khi vào cuộc điều tra, cơ quan điều tra cũng cần làm rõ xem bà Yến có lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không. Trường hợp, bà Yến dùng các thủ thuật “bói toán”, “mê tín, dị đoan” để chiếm tiền của người dân thì có thể xử lý hình sự tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn nếu, người dân “tín ngưỡng, mù quáng”, tự nguyện đến chùa nhờ hoặc thuê bà Yến “gọi vong” thì rất khó cáo buộc bà này tội danh trên.

Tùng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cong-an-xac-minh-dau-hieu-me-tin-di-doan-tai-chua-ba-vang-post927148.html