Công an xã – Trách nhiệm nặng, thu nhập 'nhẹ'

Người xưa có câu 'Có thực mới vực được đạo', câu nói ấy quả thật thời nào cũng đúng. Điều này cũng là một phần lý giải nguyên nhân vì sao hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước lực lượng Công an xã dù đang thiếu hụt quân số nghiêm trọng mà vẫn không thể tuyển đủ định biên và tình trạng Công an xã nghỉ việc, bỏ việc đang ngày một gia tăng.

Chẳng nói đâu xa, ngay ở địa bàn trung tâm cả nước như Thủ đô Hà Nội, một trong những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội cao và có chế độ hỗ trợ đối với lực lượng Công an xã được xem là khá “xông xênh” so với nhiều địa bàn khác thì tình trạng thiếu hụt quân số Công an xã và Công an xã bỏ việc vẫn chẳng thể tránh khỏi. Nguyên do cũng bởi khó tuyển quân và Công an xã bỏ việc ngày càng nhiều.

Như chia sẻ của Đại tá Đặng Văn Vượng, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an TP Hà Nội, người từng nhiều năm theo dõi, gắn bó với công tác xây dựng lực lượng Công an xã của Thủ đô: Hà Nội hiện có 386 xã và 5 thị trấn, tính đến nay Hà Nội đang thiếu 687 Công an xã so với nhu cầu thực tế và quân số định biên theo quy định của pháp lệnh Công an xã và Nghị định 73 của Chính phủ. Trong đó, thiếu 48 Trưởng Công an xã, hơn 50 Phó trưởng Công an xã và xấp xỉ 600 Công an viên thôn, bản.

Trong khi quân số Công an xã nhiều năm nay vẫn chẳng thể tuyển đủ chỉ tiêu, thì từ năm 2009 đến nay, hiện tượng Công an xã bỏ việc diễn ra ngày càng tăng. Chỉ tính từ năm 2009 đến đầu tháng 11-2017 đã có 353 đồng chí Công an xã nghỉ việc, bỏ việc, trong đó có 16 Phó Trưởng Công an xã, 43 Công an viên thường trực và 294 Công an viên thôn, bản. Quân số Công an xã thiếu hụt nhiều nhất là ở 2 huyện Gia Lâm và Chương Mỹ, mỗi huyện thiếu tới 107 người mà nhiều năm nay vẫn trầy trật không thể tuyển đủ quân số, dù chính quyền địa phương và Công an đã ra sức vận động, thuyết phục mà vẫn chẳng có người mặn mà tham gia.

Lý giải nghịch lý này, Đại tá Đặng Văn Vượng phân trần “Người đủ tiêu chuẩn, có sức khỏe, có trình độ thì không chịu tham gia Công an xã bởi thu nhập quá ít ỏi, chẳng đủ nuôi sống bản thân, đã thế chế độ đãi ngộ đối với Công an xã hiện nay còn nhiều bất hợp lý. Nhiều Công an viên từng tham gia, cống hiến mười mấy năm trời cho lực lượng Công an xã mà đến nay vẫn không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gây tâm lý chán nản, bỏ nghề”.

Đại tá Đặng Văn Vượng cho biết, với địa bàn Hà Nội, ngoài chức danh Trưởng Công an xã được hưởng chế độ lương Công chức xã, thì các chức danh Phó trưởng Công an xã, Công an viên thường trực hiện hưởng mức phụ cấp 1,86 và 1,2 mức lương tối thiểu.

Khó khăn nhất chính là lực lượng Công an viên ở thôn bản, nếu áp theo quy định của TP Hà Nội hiện nay, thu nhập cả tháng chỉ khoảng 900 ngàn đồng tương đương với mức phụ cấp 0,7 hệ số lương tối thiểu, cộng thêm các khoản hỗ trợ trực đêm, ca kíp cũng chỉ lên đến trên dưới 1,8 triệu đồng, BHXH thì không có, BHYT thì khoảng 2 năm gần đây mới được hưởng. Xã nào quan tâm thì chính quyền xã có thêm chút hỗ trợ, nhưng khoản hỗ trợ ấy cũng chẳng đáng là bao so với mặt bằng dân cư.

Khi nói về vấn đề này, Đại tá Bùi Quang Chi, Phó Cục trưởng Cục XDPT toàn dân bảo vệ ANTQ ( Bộ Công an) đánh giá, so với nhiều địa bàn khác trong cả nước, chế độ chính sách đối với Công an xã ở địa bàn Hà Nội thế là còn khá. Còn nhìn chung, việc thực hiện chế độ chính sách đối với Công an xã tại các địa phương hiện nay đang được áp dụng theo các Nghị định 92 ngày 22/10/2009, Nghị định 29 ngày 8/4/ 2013 và Nghị định 73 ngày 7/9/2009 của Chính phủ.

Theo đó, ngoài chức danh Trưởng Công an xã được hưởng lương và phụ cấp theo ngạch bậc công chức xã. Còn các chức danh Phó trưởng Công an xã, công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng do ngân sách địa phương tự chi trả. Các địa phương hiện nay hầu hết thực hiện chi trả phụ cấp cho Phó trưởng Công an xã ở mức 1,0 hệ số lương tối thiểu tương đương với khoảng 1,3 triệu đồng/tháng; công an viên từ 0,3 hệ số lương tối thiểu trở lên tùy theo ngân sách địa phương.

“Với mức phụ cấp 0,3 hệ số lương tối thiểu sẽ tương đương với khoảng gần 400 ngàn đồng/tháng, và hiện nay ở các địa phương hầu hết Phó trưởng Công an xã và công an viên vẫn chưa được hưởng BHXH và BHYT, với chế độ như vậy thử hỏi sao nhiều người không nản?”. Đại tá Bùi Quang Chi chia sẻ

Để tìm minh chứng thực tế cho vấn đề này, chúng tôi đã trực tiếp xuống khảo sát một số địa bàn. Thượng tá Nguyễn Nghiêm Minh, Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng phụ trách mảng công tác Công an xã xác nhận, Đan Phượng hiện đang thiếu 59 đồng chí Công an xã (2 Trưởng Công an xã, 2 Phó Trưởng Công an xã và 55 Công an viên).

Trong khi suốt nhiều năm quân số thiếu hụt vì khó tuyển được quân, thì hiện nay Đan Phượng còn phải đối mặt với hiện tượng Công an xã đua nhau bỏ việc, nhất là đội ngũ Công an viên trẻ (ở thế hệ 8X và 9X). Những người này đều đang trong độ tuổi sung sức, năng nổ, dù rất muốn được cống hiến cho công tác đảm bảo ANTT tại địa phương, nhưng vì áp lực về thu nhập, phải gánh vác cuộc sống gia đình và con cái ăn học nên họ vẫn phải ngậm ngùi chia tay với nghề.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã có 8 Công an xã xin thôi việc. Đơn cử như riêng ở thôn Phương Mạc, thời gian gần đây đã có tới 4 Công an viên xin nghỉ việc, để đi làm công nhân khu công nghiệp, trong đó anh Bùi Đức Hoan, Phạm Tuấn Trung đã nghỉ việc được gần 3 tháng; anh Phạm Văn Sơn, Phạm Văn Thành vừa nộp đơn.

Anh Nguyễn Văn Cừ, cựu Công an xã Phương Đình trò chuyện cùng các đồng đội cũ.

Anh Nguyễn Văn Cừ, cựu Công an xã Phương Đình trò chuyện cùng các đồng đội cũ.

Còn ở xã Đồng Tháp, mới đây, anh Lê Văn Tuyền, Công an viên thôn Đồng Vân cũng vừa rậm rịch nộp đơn xin nghỉ, nhưng đang được anh em ra sức động viên ở lại.

Chia sẻ cùng phóng viên, anh Lê Văn Tuyền cho biết dù tham gia lực lượng Công an xã gần 2 năm nhưng vì thu nhập hằng tháng quá thấp, tổng thu nhập gồm cả phụ cấp theo quy định và tiền trực đêm một tháng tối đa chưa đến 1,9 triệu đồng, trong khi tính chất công việc của Công an viên ngày càng nguy hiểm, vất vả, bận rộn. Nhất là thời gian gần đây, thực hiện Mệnh lệnh 01 của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, đội ngũ Công an xã hàng đêm phải triển khai tổ chức tuần tra, phát hiện để đấu tranh với tội phạm và các vi phạm pháp luật.

Anh Tuyền than thở: “Công việc vất vả là thế mà ngay đến tiền xăng xe anh em cũng phải tự lo”. Nói về lý do viết đơn xin nghỉ Công an xã, anh Tuyền cho biết: Thấy bạn học chạy xe taxi, hàng tháng thu nhập bình quân cũng ngót nghét 20 triệu đồng, bố mẹ thương anh công việc vất vả, nguy hiểm nên khuyên anh bỏ nghề Công an xã. Các cụ hứa sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho anh mua xe ôtô chạy taxi, thu nhập vừa cao vừa đỡ bị bó buộc thời gian trực đêm, tuần tra vừa vất vả, vừa nguy hiểm”.

Cũng trẻ và giàu nhiệt huyết như anh Tuyền, anh Hoàng Minh Tâm, SN 1991, Công an viên ấp Trung tâm, xã Xuân Lập (huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cũng vừa nghỉ việc từ đầu tháng 4 vừa rồi, nguyên nhân cũng bởi đời sống bấp bênh vì thu nhập thấp và không có bất cứ chế độ đãi ngộ gì, dù đã gắn bó với lực lượng Công an xã gần 3 năm. Anh Tâm cho biết, ngoài mức phụ cấp hàng tháng khoảng 1,2 triệu đồng theo quy định chung, cộng thêm tiền trực thì tổng thu nhập hàng tháng cũng chỉ được 1,7 triệu đồng, mọi chế độ như BHXH, BHYT đều không có. Thanh niên sức dài vai rộng, lại là con trai lớn, lao động trụ cột trong gia đình dù rất muốn gắn bó lâu dài với lực lượng Công an xã, muốn được tham gia vào công tác địa phương, nhưng cuối cùng anh vẫn phải viết đơn xin nghỉ việc, ra ngoài làm ăn phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Cũng may gia đình anh có nghề phụ chuyên cho thuê loa đài, dựng rạp đám cưới cho nên kinh tế cũng dần ổn định. Tuy nhiên, mới đây tỉnh Đồng Nai vừa triển khai Nghị quyết 49 của HĐND tỉnh quy định mới về chế độ chính sách hỗ trợ đối với lực lượng Công an xã. Hiện giờ mức thu nhập của Công an viên đã tăng lên đáng kể, xấp xỉ gần 3 triệu đồng/ tháng, lại có chế độ hỗ trợ về BHXH, BHYT cho nên anh Tâm đang có nguyện vọng xin quay trở lại với công tác Công an xã.

Còn với anh Nguyễn Văn Cừ, anh cũng từng ngót 10 năm gắn bó với công tác Công an xã. Anh là một trong những Công an viên tham gia Ban Công an xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) ngay từ những ngày đầu được thành lập. Năm 2009, vì gia cảnh quá khó khăn, phụ cấp Công an xã vài trăm ngàn một tháng chẳng đủ giúp vợ nuôi các con ăn học, anh Cừ đành bỏ việc đi làm bảo vệ cho Công ty cổ phần Thạch Bàn Đan Phượng, hiện nay thu nhập bình quân mỗi tháng cũng khoảng 6 triệu đồng.

Anh Cừ cho biết, gần chục năm gắn với công tác Công an xã, đến khi xin nghỉ, chuyển việc anh không được hưởng bất cứ chế độ gì. Bây giờ đời sống kinh tế khá hơn nhưng nhiều lúc anh không khỏi chạnh lòng nhớ nghề, nhớ anh em đồng nghiệp Công an xã đã một thời thiếu thốn, hoạn nạn có nhau...

Trong câu chuyện với những cán bộ Công an xã đã nghỉ việc mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, chúng tôi nhận ra rằng, thẳm sâu trong lòng mỗi người vẫn chưa dứt tình yêu đối với nghề Công an xã. Chỉ vì thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh trong khi chế độ chính sách đối với họ còn nhiều bất cập; có không ít trường hợp gắn bó cả chục năm với nghề Công an xã nhưng cực chẳng đã vẫn phải dứt áo ra đi, tìm kiếm công việc mới có thu nhập và chế độ đãi ngộ tốt hơn để ổn định cuộc sống.

Theo Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, từ năm 2009 đến nay trong toàn quốc có hàng ngàn cán bộ Công an xã bỏ việc và xin thôi việc vì chế độ phụ cấp hàng tháng quá thấp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt của bản thân và gia đình.

“Thực ra do mức thu nhập của Công an xã quá thấp, bởi vậy “cái khó bó cái khôn”, cực chẳng đã, nhiều người dù đã nhiều năm lăn lộn, gắn bó với Công an xã vẫn phải ngậm ngùi bỏ nghề, tìm công việc khác vừa đỡ cực lại có thu nhập cao hơn” - Đại tá Bùi Quang Chi, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phân trần.

Phạm Tâm

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/cong-an-xa-trach-nhiem-nang-thu-nhap-nhe-473084/