Công an Việt Nam có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình từ năm 2021

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, trong đó quy định lực lượng tham gia gồm Quân đội và Công an.

Nghị quyết được 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, gồm 6 chương, 18 điều quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý Nhà nước đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Không bổ sung đối tượng dân sự

Đối tượng áp dụng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Theo Nghị quyết, lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc bao gồm cá nhân, đơn vị và trang bị, vũ khí, phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được giao thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Ông Võ Trọng Việt cho biết, quy định lực lượng tham gia chỉ gồm Quân đội và Công an là phù hợp Hiến pháp

Ông Võ Trọng Việt cho biết, quy định lực lượng tham gia chỉ gồm Quân đội và Công an là phù hợp Hiến pháp

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng là dân sự để chủ động tham gia khi có yêu cầu.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là phù hợp với khoản 2 Điều 89 Hiến pháp. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung đối tượng tham gia là dân sự”.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của lực lượng Việt Nam. Hiện nay, Liên Hợp Quốc tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như công binh, cảnh sát quan sát viên và giám sát bầu cử” - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng, như: Đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai…

Dự kiến thời gian tới, thành lập Văn phòng Thường trực về Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị; hoàn thiện cơ sở pháp lý, cử cán bộ, sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình từ năm 2021

5 nguyên tắc tham gia

Nghị quyết nêu rõ, nguyên tắc đầu tiên để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyết định của Hội đồng Quốc phòng và An ninh; sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý nhà nước của Chính phủ.

Cùng với đó phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Bảo đảm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên Hợp Quốc và chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được Liên Hợp Quốc thành lập phái bộ và tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Nghị quyết cũng quy định hình thức và lĩnh vực tham gia. Cụ thể, về hình thức có cá nhân. Lĩnh vực tham gia gồm: Tham mưu; Hậu cần; Kỹ thuật; Thông tin, liên lạc; Công binh; Quân y; Cảnh sát; Kiểm soát quân sự; Quan sát viên quân sự; Quan sát viên và giám sát bầu cử; Các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc” – Nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cong-an-viet-nam-co-the-tham-gia-luc-luong-gin-giu-hoa-binh-tu-nam-2021-817313.vov