Công an vào cuộc xác minh nghi vấn cắt khẩu 'treo' để trốn nghĩa vụ quân sự ở Bắc Ninh

Ông Trần Quang Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính (Công an huyện Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện xác minh ba trường hợp tại xã Cảnh Hưng nghi cắt khẩu 'treo' để trốn nghĩa vụ quân sự.

Như báo PL&XH đã thông tin, tại xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), có một số thanh niên ở xã đang trong độ tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng cắt khẩu đi nơi khác. Đặc biệt, những thanh niên này không nhập khẩu vào nơi chuyển đến. Việc cắt khẩu “treo” này đã giúp những thanh niên trên tránh được khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

Để làm rõ vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính, Công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của báo, Công an huyện Tiên Du đã chỉ đạo xem xét làm rõ vụ việc.

Người ký quyết định cho Nguyễn Đức Mạnh chuyển khẩu và kết hôn là ông Nguyễn Đình Khoáng - hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Hưng.

Người ký quyết định cho Nguyễn Đức Mạnh chuyển khẩu và kết hôn là ông Nguyễn Đình Khoáng - hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Hưng.

Theo đó, Công an huyện Tiên Du đã xuống xã Cảnh Hưng để kiểm tra về trường hợp, Nguyễn Đức Mạnh (SN 1992, thôn Thượng, xã Cảnh Hưng) xin chuyển khẩu đến chung cư Hà Đô (Phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM) ngày 14-3-2016. Lê Đắc Kiên (SN 1990, thôn Thượng, xã Cảnh Hưng) xin chuyển khẩu đến Ban quản lý rừng Cấm Sơn (TT Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) ngày 5-5-2016.

Và trường hợp Nguyễn Đức Quyết (SN 1991, thôn Thượng, xã Cảnh Hưng) xin chuyển khẩu đến Ban quản lý rừng Cấm Sơn (TT Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) ngày 21-8-2014.

“Qua kiểm tra, tôi khẳng định 3 trường hợp trên vẫn còn khẩu tại địa phương vì theo Thông tư 61 ngày 20-11-2014 của Bộ Công an quy định về quy trình đăng ký cư trú không quy định thời gian cắt khẩu xong trong bao lâu là phải nhập khẩu và việc nhập khẩu này là trách nhiệm của công dân.

Theo quy định khi công dân đề nghị và được cấp phiếu cắt khẩu tại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và mang đến nơi mà công dân sẽ dự định nhập khẩu và phải được cơ quan công an nơi đó tiếp nhận rồi sau đó có Thông báo bằng văn bản từ nơi nhập thì khi đó Công an huyện mới làm thủ tục cắt khẩu khỏi địa phương cho công dân”, ông Sơn thông tin.

Ông Sơn cho biết thêm, Công an huyện Tiên Du đã lên Công an thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang để xác minh thì nhận được câu trả lời là 2 trường hợp anh Kiên và Quyết chưa nhập vào thị trấn Chũ. Còn trường hợp Nguyễn Đức Mạnh thì đơn vị đã gửi văn bản đề nghị và chưa nhận được hồi âm của phía Công an trong TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về nghi vấn cắt khẩu “treo” để trốn nghĩa vụ quân sự, ông Sơn cho hay, Công an huyện đang phối hợp cùng với Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Du để xác minh làm rõ.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào trong trường hợp để các công dân có hiện tượng xin phiếu cắt khẩu rồi không nhập vào đâu trong mấy năm qua như tại xã Cảnh Hưng và rồi các công dân này không bị gọi đi nghĩa vụ quân sự, ông Sơn cho rằng trách nhiệm đó phải thuộc về Công an xã và Xã đội trưởng xã Cảnh Hưng.

Chia sẻ về việc 3 trường hợp trên không bị gọi đi nghĩa vụ quân sự trong thời gian cắt khẩu tại địa phương, ông Nguyễn Bá Điền, Trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Cảnh Hưng cho biết, theo quy định Điều 30 của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự của công dân là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Riêng trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết năm 27 tuổi.

“Do vậy, những thanh niên trong độ tuổi này hàng năm sẽ được gọi đi khám tuyển đầy đủ và chúng tôi sẽ gọi những công dân trong độ tuổi và có hộ khẩu tại địa phương còn những công dân cắt khẩu đi nơi khác thì chúng tôi không quản lý”, ông Điền chia sẻ.

Cũng theo tài liệu PV thu thập được, trong 3 thanh niên chuyển khẩu khỏi xã Cảnh Hưng, có 2 thanh niên đăng ký kết hôn tại xã trong khi hộ khẩu đang “treo”. Đó là trường hợp của Nguyễn Đức Mạnh, chuyển khẩu đi từ 14-3-2016 và về 4-4-2019 nhưng đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã vào ngày 3-3-2017.

Còn Nguyễn Đức Quyết đã chuyển khẩu khỏi xã Cảnh Hưng ngày 21-8-2014 và nhập khẩu về xã Cảnh Hưng vào ngày 15-5-2018 nhưng ngày 23-4-2018 vẫn đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã.

Ông Hiệp, Phó trưởng Công an xã Cảnh Hưng thông tin, gia đình ông Nguyễn Đức Nhuận (bố Nguyễn Đức Quyết) có ra UBND xã Cảnh Hưng khai báo mất sổ hộ khẩu và xin cấp lại.

“Thời điểm ông Nhuận xin cấp lại sổ hộ khẩu, tôi trực tiếp là người cấp và lúc đó, tôi không ghi Nguyễn Đức Quyết vào sổ vì Quyết đã chuyển khẩu đi nơi khác. Như vậy, nếu nhà ông Nhuận giả vờ báo mất sổ thì hiện tại nhà ông Nhuận đang có 2 sổ hộ khẩu với số 060367187 và số 060472580”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Bá Luận, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hưng nhấn mạnh, việc không có hộ khẩu mà vẫn đăng ký kết hôn được là không đúng. Ông nghi ngờ có hai hộ khẩu và dùng thủ thuật khi đăng ký kết hôn thì sẽ mang hộ khẩu cũ và khi nhập khẩu về sẽ mang hộ khẩu mới.

Ông Luận cho biết thêm, ông Nguyễn Đình Khoáng làm trưởng công an xã từ tháng 6-2011 và đến tháng 7-2016, ông Khoáng được bầu làm Phó Chủ tịch xã Cảnh Hưng đến nay.

Báo Pháp luật và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-an-vao-cuoc-xac-minh-nghi-van-cat-khau-treo-de-tron-nghia-vu-quan-su-o-bac-ninh-153218.html