Công an TP HCM với nhiều cách làm hay trong cải cách hành chính

Điểm nổi bật trong năm 2019 là lần đầu tiên Công an TP HCM ban hành nghị quyết riêng về cải cách hành chính (CCHC).

Đồng thời, công tác CCHC của Công an TP HCM được thực hiện trên 6 nội dung gồm: Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - chiến sĩ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.

Riêng với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp, cách làm hay trong công tác chuyên môn, nhất là cải cách TTHC.

Đa số người dân đều hài lòng

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP HCM cho biết, thời gian qua, công tác CCHC của Công an thành phố được thực hiện trên 6 nội dung gồm: Cải cách thể chế, cải cách TTHC, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - chiến sĩ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Điểm nổi bật trong năm 2019 là lần đầu tiên TP HCM ban hành nghị quyết riêng về CCHC.

Với nhiệm vụ được Bộ Công an giao, TP HCM đã thực hiện 145 TTHC liên quan đến ANTT. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an TP HCM tiếp tục duy trì 28 hộp thư điện tử tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc thẩm quyền.

Đã tiếp nhận 8 phản ánh, xác minh, trả lời 7 phản ánh. Tất cả phản ánh đều có nội dung về chậm trả kết quả các TTHC xuất phát từ nguyên nhân khách quan như chuyển trụ sở làm việc, chờ phôi thẻ căn cước công dân (CCCD)...

Ngoài ra, Công an TP HCM cũng đã giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính, với hơn 31.000 thẻ CCCD, gần 100.000 hộ chiếu, hơn 5.200 giấy đăng ký xe, hơn 16.000 lượt sử dụng dịch vụ chuyển trả giấy tờ tạm giữ khi xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ…

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH.

Người dân đến làm các thủ tục hành chính tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH.

Để nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, Công an TP HCM đã triển khai thêm việc tiếp nhận hồ sơ TTHC vào sáng thứ Bảy hằng tuần tại bộ phận "một cửa" của Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ; trước đó Công an TP HCM đã tổ chức việc này (duy trì làm việc sáng thứ bảy hằng tuần) để tiếp nhận, giải quyết các TTHC: cấp, quản lý thẻ CCCD, đăng ký, quản lý cư trú, đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quản lý xuất nhập cảnh, bộ phận xử lý hành chính của CSGT. Công an TP HCM cũng đã tích cực thực hiện Thư xin lỗi đối với trường hợp giải quyết TTHC trễ hạn…

Hiện nay, Công an TP HCM đã có 10/151 thủ tục đang được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (đạt tỷ lệ 6,62%), gồm: cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông qua internet; khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử; khai báo tạm trú, cấp mới, cấp đổi, cấp lại thẻ CCCD; cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Có 141 thủ tục đang được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Sự tương tác của doanh nghiệp và người dân với các đơn vị Công an TP HCM ngày càng rộng rãi, cởi mở, hiệu quả.

Đầu năm 2019, đoàn khảo sát của Công an TP HCM đã tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân tại 9 đơn vị có chức năng tiếp nhận, giải quyết TTHC với 515 phiếu. Kết quả cho thấy đa số người dân đều đánh giá hài lòng.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng nhìn nhận công tác CCHC của Công an TP HCM vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Như vẫn còn xảy ra tình trạng trễ hạn hồ sơ, nơi tiếp công dân còn chật hẹp, nóng bức, không có chỗ để xe.

Vẫn còn một số cán bộ chưa khéo léo trong giải thích, hướng dẫn người dân trong quá trình, tiếp nhận giải quyết TTHC nên người dân có tâm lý khó chịu, không vừa ý, có đơn thư phản ánh, kiến nghị gửi đến Văn phòng Chính Phủ, Bộ Công an…

Các hoạt động cấp căn cước công dân miễn phí cho các đối tượng chính sách, người già, chức sắc, tín đồ các tôn giáo được người dân đánh giá cao.

Đơn vị Cảnh sát QLHC về TTXH đầu tiên cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Riêng với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Thượng tá Huỳnh Văn Hùng, Trưởng phòng, cho biết Đảng ủy, Ban chỉ huy Phòng đã chỉ đạo quán triệt, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các mặt công tác CCHC trong đơn vị, quán triệt CBCS tiếp dân phải luôn nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ nghiêm túc, hòa nhã đồng thời nắm vững công tác chuyên môn để giải quyết mọi thắc mắc của nhân dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã giải quyết cấp 54.302 hồ sơ CCCD (cấp mới 27.712, cấp đổi 23.352, cấp lại 3.238). Trong đó, đến tận nhà làm thủ tục cấp CCCD cho người già, người có hoàn cảnh đặc biệt, người bệnh không có điều kiện đi lại 599 hồ sơ.

Phối hợp trả CCCD qua đường bưu điện 4.178 hồ sơ; phối hợp tổng đài 1080 đăng ký hẹn giờ làm CCCD 723 hồ sơ. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT cho 301 cơ sở; cấp 1.311 con dấu và giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; cấp 1.775 giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng…

Đặc biệt, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH đã triển khai, thực hiện các mô hình, giải pháp, cách làm hay trong công tác CCHC. Mới đây nhất (ngày 3-7-2019), Phòng đã ra mắt Trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ http://qlhc.catphcm.bocongan.gov.vn. Theo đó, công dân có thể thông qua trang thông tin điện tử này khai thông tin đề nghị đổi, cấp mới CCCD, đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, gửi hồ sơ đăng ký khắc dấu qua mạng internet.

Khi truy cập vào trang web này, công dân sẽ đăng nhập kê khai thông tin theo mẫu có sẵn trên trang thông tin điện tử, lựa chọn ngày làm thủ tục gửi đến Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Sau đó, hệ thống sẽ tự động hướng dẫn, kiểm tra, xác thực việc thực hiện kê khai đã đúng quy trình và đầy đủ các thông tin theo quy định hay chưa để xác định việc thực hiện đăng ký thành công, cấp mã hồ sơ giao dịch và hẹn ngày công dân đến làm thủ tục cấp CCCD.

Theo Thượng tá Huỳnh Văn Hùng, với Trang thông tin điện tử mới này, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, không phải đến trực tiếp các bộ phận của Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chờ đợi để làm CCCD cũng như các thủ tục, dịch vụ khác.

Nếu so sánh việc thực hiện quy trình giải quyết hồ sơ cấp CCCD tại trụ sở tiếp dân của Phòng có thời gian giải quyết trung bình là 15 phút hồ sơ, với 250 đến 270 hồ sơ/ngày. Nhưng sau khi tiến hành thử nghiệm dịch vụ cấp CCCD qua trang thông tin điện tử, thời gian rút ngắn trung bình chỉ còn từ 8 đến 10 phút/hồ sơ (dự kiến giải quyết khoảng 350 hồ sơ/ngày).

Người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ ở bất cứ nơi nào, bằng các thiết bị di động hoặc máy tính cá nhân có kết nối internet; theo dõi được tình trạng hồ sơ mọi lúc mọi nơi và nhận được ngay yêu cầu nếu cần bổ sung hồ sơ. Đồng thời, nhận được ngay thông báo khi có kết quả xử lý hồ sơ.

Mặt khác, người dân cũng như tổ chức có thể tìm hiểu chi tiết các thông tin về các TTHC trên Trang thông tin điện tử mà Công an thành phố đã triển khai gồm 42 TTHC thuộc lĩnh vực Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phụ trách. Trường hợp người dân có thắc mắc về quy trình làm thủ tục trên trang thông tin điện tử, có thể gửi câu hỏi ngay trên trang web và sẽ được cán bộ thuộc Phòng trả lời, giải đáp.

"Đây là đơn vị Cảnh sát QLHC về TTXH đầu tiên của cả nước triển khai ứng dụng này để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và hướng tới tiếp cận với công nghệ 4.0 trong QLHC về TTXH của Công an TP HCM", Thượng tá Huỳnh Văn Hùng khẳng định.

Trước khi chính thức ra mắt, trang thông tin điện tử này đã hoạt động thử nghiệm từ tháng 3-2019. Chỉ tính trong thời gian hoạt động thử nghiệm, đã giải quyết cấp CCCD trực tuyến cho 4.932 trường hợp đăng ký qua trang thông tin điện tử.

Thời gian tới, trang thông tin điện tử phát triển theo hướng tăng lượng hồ sơ xử lý, rút ngắn thời gian làm thủ tục của người dân và doanh nghiệp; mở rộng phạm vi đến quận huyện; mở rộng và nâng mức độ dịch vụ công hiện có nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an TP HCM, Phòng An ninh đối nội và các đơn vị liên quan đến các địa điểm định trước tổ chức các hoạt động cấp CCCD miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đoàn viên, thanh niên bị khuyết tật, hội viên Hội người mù, người khiếm thính và gần 500 trường hợp là các chức sắc, phật tử Phật giáo, nữ tu, giáo dân Công giáo, tín đồ Hồi giáo…

Các hoạt động này đã được người dân đánh giá cao, thể hiện tính nhân văn, công tác nắm địa bàn giải quyết những vấn đề xã hội đang quan tâm…

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng phối hợp với Bưu điện TP HCM trả CCCD qua đường bưu điện; phối hợp với Tổng đài 1080 cấp CCCD đăng ký trước theo giờ hẹn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân chủ động về mặt thời gian, giảm chi phí đi lại.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP HCM, quá trình làm việc giữa người dân và Công an diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Công an có có trách nhiệm bảo vệ, phục vụ, giải quyết yêu cầu của người dân.

Lực lượng Công an sẽ phấn đấu ngày càng nâng chất về trình độ công nghệ, tìm tòi và học hỏi những ứng dụng trong việc CCHC để người dân tiết kiệm được thời gian, công sức…

Tuy nhiên, một số trường hợp việc giải quyết thủ tục còn dài do quy định bắt buộc. Công an chỉ có thể cải tiến về tình cảm, thái độ, tấm lòng nhiệt tình làm nhanh cho người dân. Nhưng còn thủ tục mang tính pháp luật thì phải tuân thủ. "Chúng tôi hy vọng nhận được nhiều đóng góp của nhân dân, làm sao đó chúng tôi có điều kiện phục vụ nhân dân tốt hơn…", Thiếu tướng Trần Đức Tài khẳng định.

Phú Lữ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/cong-an-tp-hcm-voi-nhieu-cach-lam-hay-trong-cai-cach-hanh-chinh-553863/