Công an TP HCM đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Công an TP HCM đã chủ động giữ vững an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn thành phố, tạo thuận lợi, an toàn cho nhân dân và khách du lịch đón Tết, đúng với mong muốn 'Tết yên vui, an lành, tiết kiệm'. Trong đó, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã phát huy hiệu quả tại nhiều địa bàn 'nóng' …

Các tổ 363 đã phát huy hiệu quả

Sau 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình ANTT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được đảm bảo, tạo thuận lợi, an toàn cho nhân dân và khách du lịch vui đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Trong đó, lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp của Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện (Tổ công tác 363) đã phối hợp chặt chẽ trong tuần tra kiểm soát, ngăn chặn tội phạm trên đường phố. Theo đó, các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đều bị kiểm tra, ví dụ như xe cải tiến công năng, độ xe, thay đổi cấu trúc xe; mang hung khí, công cụ hỗ trợ…

Các tổ 363 thực thi nhiệm vụ trên đường phố.

Các tổ 363 thực thi nhiệm vụ trên đường phố.

Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã tập trung giải tỏa một số tuyến đường tại các điểm tổ chức lễ hội, chợ hoa (như đường hoa Nguyễn Huệ, Công viên Lê Văn Tám, Công viên 23-9…), không để xảy ra ùn tắc giao thông do số lượng người, xe môtô tập trung đông, đảm bảo tình hình giao thông thông suốt.

Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 48 vụ phạm pháp hình sự (giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, đã khám phá nhanh 33 vụ, tạm giữ 30 người, thu hồi tài sản gồm 1 ôtô, 4 xe máy, 2 dây chuyền vàng, 8 điện thoại di động, cùng hơn 42 triệu đồng.

Về tai nạn giao thông, trên toàn thành phố xảy ra 41 vụ (giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 9 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm 9 người chết và 1 người bị thương. Trong khi đó, tình hình cháy nổ đã xảy ra 15 vụ cháy (giảm 3 vụ = 16,67% so với cùng kỳ 2018)… hầu hết các lĩnh vực đều có số vụ giảm nhiều so với năm 2018.

Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, 100% CBCS các đơn vị trực tiếp chiến đấu, Công an quận, huyện luôn đảm bảo ứng trực. Các đơn vị khác cũng trong tư thế sẵn sàng phục vụ với tinh thần đảm bảo thành phố tuyệt đối an toàn, không để tình huống bị động bất ngờ xảy ra.

Đặc biệt, với sự có mặt của các tổ tuần tra hỗn hợp 363 (gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động) đã tăng cường năng lực đấu tranh phòng chống tội phạm, phát huy tính hiệu quả, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật trên đường phố, nơi công cộng, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.

Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh đã có những phương án hiệu quả.

Trong 30 ngày triển khai thực hiện tuần tra, kiểm soát hỗn hợp đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tính từ ngày 30-12-2018 đến 28-1-2019, các tổ công tác 363 Công an TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, kiểm tra, bàn giao 54 vụ, 90 đối tượng nghi vấn, vi phạm pháp luật, trong đó, có nhiều vụ cướp giật tài sản; cho vay nặng lãi; gây rối trật tự công cộng; sử dụng trái phép chất ma túy; tàng trữ vũ khí; lập biên bản 1.223 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trên bình diện chung, Công an TP Hồ Chí Minh ghi nhận trong 30 ngày ra quân, phạm pháp hình sự xảy ra 278 vụ (giảm 81 vụ so với liền kề, giảm 44 vụ so với cùng kỳ năm 2017), đã điều tra khám phá 206 vụ, bắt 223 đối tượng; trong đó án cướp giật xảy ra 53 vụ (giảm 10 vụ so với liền kề); án cướp xảy ra 8 vụ (giảm 8 vụ án); án trộm cắp tài sản xảy ra 160 vụ (giảm 41 vụ); không để xảy ra tình trạng tụ tập chạy xe thành đoàn, gây rối trật tự công cộng.

Tình trạng ùn tắc, kẹt xe vẫn cần những giải pháp căn cơ

Vào thời điểm những ngày cuối năm 2018 và trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu đi lại, vui chơi, mua sắm của người dân gia tăng, dẫn đến mật độ phương tiện tham gia giao thông tập trung đông tại các khu vực có nhiều hàng quán, khu vui chơi giải trí, các địa điểm tổ chức văn hóa nghệ thuật và bến xe, bến tàu, các khu vực cửa ngõ ra vào thành phố sẽ có những diễn biến phức tạp…

Vì vậy, nhằm chủ động trong công tác bảo đảm ANTT, trật tự an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (CSGT ĐB-ĐS), Công an TP Hồ Chí Minh, đã yêu cầu các đơn vị Đội, Trạm thuộc Phòng triển khai thực hiện tốt công tác nắm tình hình, rà soát lại toàn bộ các phương án phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông để kịp thời bố trí lực lượng thường trực, giải quyết nhanh chóng các tình huống dẫn đến ùn tắc giao thông.

Đặc biệt, tại khu vực trung tâm thành phố, bố trí lực lượng điều hòa giao thông, phối hợp với lực lượng Thanh niên xung phong có phương án phân luồng từ xa không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại các khu vực diễn ra các hoạt động như chương trình bắn pháo hoa chào năm mới, các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

Đồng thời, tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, lập biên bản, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như chạy xe quá tốc độ quy định; điều khiển xe khi đã uống rượu, bia; chất kích thích; lưu thông đường cấm, giờ cấm; lưu thông ngược chiều, đèn đỏ; chở quá số người quy định; xe chở quá tải, quá khổ; lưu thông không đúng phần đường quy định; tránh vượt không đúng quy định, lùi xe trên đường một chiều, đón trả khách không đúng quy định…

Tình trạng ùn tắc, kẹt xe vẫn xảy ra.

Sử dụng hiệu quả hệ thống giám sát thông qua các camera cố định và camera di động, các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong công tác xử lý vi phạm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, tạo sự răn đe nhắc nhở đối với người tham gia giao thông.

Những ngày sau Tết nổi bật là hình ảnh những đoàn người và xe chặt như nêm nhích từ chút một ở các tuyến giao thông kết nối thành phố với các tỉnh miền Tây, tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Bắc như Quốc lộ 1, 51, 22, 13, 14 đã xảy ra ùn tắc cục bộ.

Cụ thể, ngày 10-2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi), từ sáng sớm, người dân từ miền Tây bắt đầu đổ về TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị đi làm trở lại sau Tết đã gây kẹt xe, ùn ứ kéo dài trên Quốc lộ 1A ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre...

Tình trạng kẹt xe sau mỗi dịp nghỉ lễ, đặc biệt là vào thời điểm sau Tết Nguyên đán đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân ra vào thành phố. Dù đã nhận biết trước, tổ chức đợt cao điểm ra quân chống ùn tắc kẹt xe nhưng thực tế, không dễ để giải quyết được vấn đề này.

Bởi nguyên nhân chính của tình trạng này ở TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua vẫn là sự thiếu hụt hạ tầng giao thông và một mô hình giao thông công cộng hiệu quả.

Theo lãnh đạo Phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an TP Hồ Chí Minh, trong dịp trước và sau Tết, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các bến tàu xe, cầu cảng để chủ động giải quyết khi sự cố xảy ra liên quan đến tình hình giao thông. Đồng thời, cử CBCS tăng cường hướng dẫn, phân luồng giao thông để tránh các phương tiện tập trung một hướng sẽ dễ dẫn đến gây ùn tắc giao thông.

Mặt khác, chủ động phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải trong việc xử lý những trường hợp xe khách, xe taxi đón trả khách đúng nơi quy định hoặc lập bến cóc, xe dù… để giúp người dân khi tham gia giao thông được thuận lợi và thông suốt, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.

Có thể nói, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, do có những phương án hiệu quả, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông của Công an TP Hồ Chí Minh nên dù vẫn còn xảy ra ùn tắc tại một số khu vực, tuyến đường cửa ngõ vào TP Hồ Chí Minh, nhưng thực tế lực lượng chức năng, nhất là Cảnh sát giao thông đã ứng trực kịp thời xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại.

Phú Lữ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/cstc-533008/