Công an, Quân đội, Biên phòng sẵn sàng xung trận cứu nạn – cứu hộ

Cùng với Quân đội, Biên phòng và Dân quân tự vệ, Công an các tỉnh khu Nam Trung bộ đã được tăng cường đến các địa bàn xung yếu, sẵn sàng cứu nạn - cứu hộ khi có tình huống xảy ra trước, trong và sau cơn bão số 6

Đến 17h30’ chiều ngày 10-11, khu Nam Trung bộ mưa dầm, gió rít và giật mạnh từng cơn, những đợt sóng cao xô đập dữ dội vào các làng biển báo hiệu cơn bão số 6 đến gần đất liền.

Ông Hồ Đắc Chương – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, 1.800 áo phao, 1.390 phao cứu sinh và 53.000 vỏ bao cát đã chuyển giao các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Đến trưa ngày 10-11, Bình Định đã sơ tán 9.757 người dân ở 2.604 gia đình rời khỏi vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ven sông, triều cường ven biển. Nhiều nhất là huyện Phù Mỹ với 3.414 người dân ở 767 gia đình.

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Phan Sáu – Trưởng Công an huyện Phù Mỹ cho biết : “Từ sáng ngáy 10-11, ba tổ công tác gồm 40 cán bộ – chiến sĩ (CBCS) tăng cường bám trụ ở hai xã Mỹ Chánh, Mỹ An và thị trấn Bình Dương để bảo vệ an ninh trật tự và cứu nạn – cứu hộ khi có tình huống xảy ra. Ngoài 53 tàu vận tải biển tại cảng Quy Nhơn, 5.594 tàu cá của ngư dân cũng đã neo đâu an toàn tại các cảng cá Tam Quan, Quy Nhơn, đầm Thị Nại, Đạm Thủy, Đề Gi, Vĩnh Lợi. Hàng chục ngàn ngôi nhà, công sở, kho tàng…đã được gia cố, giằng chống trước 12h trưa ngày 10-11.

Đài khí tượng thủy văn Phú Yên quan trắc mặt nước tại Trạm Đà Rằng ở hạ lưu sông Đà Rằng để cảnh báo khi có lũ. Ảnh : Hữu Toàn

Đài khí tượng thủy văn Phú Yên quan trắc mặt nước tại Trạm Đà Rằng ở hạ lưu sông Đà Rằng để cảnh báo khi có lũ. Ảnh : Hữu Toàn

Chiều ngày 9-11, Bộ tư lệnh Quân khu 5 lập Sở chỉ huy tiền phương tại Bình Định và Quảng Nam do Thiếu tướng, Phó Tư lệnh kỹ thuật Cao Phi Hùng trực tiếp chỉ đạo phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định thực thi nhiệm vụ ứng phó cơn bão số 6 với các hoạt động hỗ trợ người dân giằng chống nhà ở, đắp đê bao chắn sóng biển và sắn sàng triển khai phương án cứu nạn – cứu hộ khi có tình huống xảy ra.

Ngoài phao cứu sinh, lương thực – thực phẩm, vật tư, xăng dầu, nước uống, dược phẩm và công cụ y tế sơ cấp cứu, Sở chỉ huy tiền phương tại Bình Định và Quảng Nam còn được tăng cường 10 xe bọc thép BTR125 và nhiều ca nô..Bình Định cũng đã huy động hơn 3.700 CBCS quân đội, biên phòng, công an, dân quân…đảm nhiệm sơ tán người dân, di dời tài sản khi có yêu cầu.

Xe bọc thép của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 được điều đông tăng cường vào vùng bão để cứu nạn - cứu hộ khi có tình huống xảy ra. Ảnh : Hải Hiếu/PLO

Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến 12h trưa ngày 10-11, hơn 5.600 người dân hành nghề nuôi tôm, cá tại 2.462 bè gồm 54.049 lồng đã rời đầm, vịnh vào bờ tránh bão trước 12h trưa ngày 10-11 sau khi giằng neo lồng bè.

Tại các khu dân cư, 2.331 người dân ở 627 hộ gia đình nằm trong tầm nguy hiểm của bão lũ đã sơ tán đến các trường học, công sở ở địa phương để tạm cư. Nhiều nhất là địa bàn TP Nha Trang có 1.443 người dân ở 365 hộ gia đình. 276 vị trí xung yếu tại các công trình ngầm, cầu, tràn trên các tuyến giao thông – thủy lợi và khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá đã được rào chắn, lắp đặt biển báo nguy hiểm hoặc phân công dân quân, thanh niên xung kích tuần canh khi lũ dâng cao.

Theo Bộ đội biên phòng (BĐBP) Khánh Hòa, 245 tàu cá với 1.365 ngư dân hành nghề trên các vùng biển đã rời khỏi tầm nguy hiểm vào nơi tránh bão an toàn; 9.551 tàu cá còn lại neo đậu tại các cảng cá ven biển Khánh Hòa.

Ông Lê Đình Hải – Chủ tịch UBND huyện Trường Sa cho biết, đến trưa ngày 10-11 có 284 tàu cá neo đậu tránh bão tại đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa, Đá Lớn…với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị hải quân.

Cảnh sát giao thông Phú Yên tuần tra kiểm soát những cung đoạn xung yếu trên huyết mạch giao thông quốc lộ 1A. Ảnh : Hữu Toàn

Tại Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu có hơn 1.800 bè thủy sản với gần 100.000 lồng, trong đó có hơn 90% lồng bè tôm hùm, còn lại là cá mú, cá bớp...Đó là gia sản của gần 3.000 gia đình với hơn 4.000 người dân quản lý, chăm sóc.

Nghề nuôi thủy sản là tiềm năng, mũi nhọn kinh tế thị xã Sông Cầu, tạo sinh kế hàng trăm ngàn người với nguồn vốn đầu tư mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng, nên khi bão lũ bề bộn nỗi lo.

Ông Trần Thành Công, trú ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, bày tỏ : “Không lo sao được khi vụ nuôi năm nay tôi đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ nguồn vay tín dụng. Nghe tin cơn bão số 6, tôi cùng 3 nhân công nhấn chìm lồng tôm xuống đáy, rồi giằng neo hạn chế sóng gió xô đập. Trưa ngày 10-11, tôi cho tôm ăn xong là rời khỏi lồng bè về nhà tránh bão”.

Ông Lê Văn Dũng, trú ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên chia sẻ : “Bỏ lại tài sản tiền tỷ ngoài vịnh biển khi cơn bão ập đến ai cũng lo, nhưng tính mạng con người là vô giá nên phải rời lồng bè vô bờ tránh bão an toàn”.

Tàu cá của ngư dân khu Nam Trung bộ neo đậu tránh bão số 6. Ảnh : Hữu Toàn

Theo Thượng tá Võ Duy Tuấn – Trưởng Công an thị xã Sông Cầu, từ sáng ngày 9 đến trưa ngày 10-11, lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng phối hợp các cơ quan chức trách ở thị xã và chính quyền các xã, phường đến đầm Cù Mông, Vũng Lắm, Vịnh Xuân Đài, Vịnh Hòa, Từ Nham vận động người dân giằng neo lồng bè rồi khẩn trương vào bờ tránh bão trước 11h ngày 10-11 đồng thời kiên quyết cưỡng chế những người cố tình lưu lại ồng bè phải vào bờ.

Ở phía Nam Phú Yên, 283 hộ gia đình với 634 người nuôi tôm cá lồng bè trong Vịnh V.ũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa đã sơ tán người dân vào bờ tránh bão trước 11h ngày 10-11.

Ông Trần Hữu Thế – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong ngày 10-11, gần 36.000 người dân ở những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ven sông, vùng triều cường ven biển đã được sơ tán đến các công sở, trường học và nhà người thân để tránh beo.

Ông Lê Xuân Hiền – Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu – một trong những địa phương ven biển có nguy cơ triều cường xâm thực khu dân cư cho biết : “Hàng ngàn bao cát đã được bộ đội biên phòng cùng người dân đào đắp chắn sóng biển, tuy nhiên để đám bảo an toàn tính mạng con người, hơn 200 hộ gia đình đã sơ tán đến các công sở, trường học ở địa phương để tạm trú tránh bão”.

Trước khi cơn bão số 6 ập vào đất liền, Công an Phú Yên tăng cường ca nô và cán bộ -chiến sĩ đến những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ven sông để sẵn sàng cứu nạn cứu hộ. Ảnh : Hữu Toàn

Trong ngày 10-11, Công an các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã tăng cường gần 10 ca nô và hơn 300 CBCS đến vùng xung yếu, sẵn sàng cứu nạn – cứu hộ khi có tình huống xảy ra.

Tại các cung đoạn xung yếu trên các huyết mạch giao thông trọng điểm, CSGT khu Nam Trung bộ tăng cường kiểm tra để kịp thời hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn khi xảy ra sạt lở, nước lũ ngập tràn mặt đường.

Hữu Toàn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/cong-an-quan-doi-bien-phong-san-sang-xung-tran-cuu-nan-cuu-ho-569332/