Công an huyện Vĩnh Cửu: Tập trung truy quét, bảo vệ rừng

Trong thời gian qua, các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu đã giảm hẳn. Để đạt được kết quả này là nhờ Công an huyện Vĩnh Cửu thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung truy quét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Một cá thể động vật hoang dã được lực lượng chức năng huyện Vĩnh Cửu thu giữ để thả về tự nhiên. Ảnh: T.TÂM

Một cá thể động vật hoang dã được lực lượng chức năng huyện Vĩnh Cửu thu giữ để thả về tự nhiên. Ảnh: T.TÂM

Trong 9 tháng của năm 2019, Công an huyện đã phát hiện 3 vụ/3 đối tượng vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm (giảm 5 vụ/4 đối tượng so với cùng kỳ năm 2018).

* Xử lý nghiêm đối tượng bắt động vật rừng

Do động vật rừng thường được bán với giá cao và nhu cầu của người mua nhiều nên một số đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật để thực hiện hành vi phạm pháp. Trước tình trạng đó, để bảo vệ động vật rừng, thời gian qua, Công an huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp với các lực lượng như: kiểm lâm, công an xã… tổ chức tuần tra, kiểm soát và bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Điển hình như vào ngày 16-9, Công an huyện Vĩnh Cửu và Công an thị trấn Vĩnh An trong lúc tuần tra tại KP.8, thị trấn Vĩnh An phát hiện Nguyễn Thị Mỹ Dung (34 tuổi, ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) vận chuyển 1 cá thể động vật rừng là loài tê tê java đã chết, bị mổ bụng không còn ruột, nặng 2,4kg. Sau khi tiến hành giám định, Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dung để điều tra về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Ngoài bị xử lý hình sự thì một số đối tượng cũng bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Cụ thể như vào ngày 13-9, tổ chuyển hóa địa bàn xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) phát hiện Huỳnh Thị Hồng Phượng (37 tuổi, ngụ xã Phú Lý) đang điều khiển xe máy biển số 60B9-523.42 đi trên tuyến đường Lý Lịch 2 (xã Phú Lý). Thấy đối tượng có biểu hiện đáng nghi nên lực lượng đã kiểm tra và phát hiện Phượng vận chuyển 1 cá thể cheo cheo còn sống. Công an đã lập biên bản thu giữ và xử phạt đối tượng 10 triệu đồng.

* Nâng cao ý thức người dân

Đại tá Phạm Văn Bảy, Trưởng Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết, trong thời gian tới ngoài việc tích cực thực hiện các kế hoạch tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm khai thác lâm sản, Công an huyện sẽ đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các địa bàn giáp ranh như huyện Định Quán, Tân Phú và tỉnh Bình Phước để bảo vệ rừng an toàn và hiệu quả nhất.

Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Vĩnh Cửu cho biết, sở dĩ thời gian qua trên địa bàn còn xuất hiện một số vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm là do hiện vẫn khó quản lý một số hộ dân sinh sống tại vùng lõi rừng thuộc ấp 5 (xã Mã Đà). Việc kiểm soát khu vực vùng giáp ranh với tỉnh Bình Phước vẫn chưa chặt chẽ. Đặc biệt là ý thức bảo vệ rừng của một số người dân còn hạn chế.

Để bảo vệ rừng khỏi những tác động xấu gây nguy hại đến lâm sản, động vật rừng thì thời gian qua, Công an huyện đã phối hợp với nhiều đơn vị như kiểm lâm, công an xã xây dựng các kế hoạch triển khai, mở cao điểm kiểm tra trên các lĩnh vực lâm sản, khoáng sản. Đặc biệt, tập trung tuần tra tại các địa bàn trọng điểm như xã Phú Lý, Mã Đà, Hiếu Liêm và thị trấn Vĩnh An.

Trong 9 tháng của năm 2019, Công an huyện cũng đã gọi hỏi răn đe 23 đối tượng nghi vấn hoạt động săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã; vận động 4 đối tượng có biểu hiện buôn bán trái phép động vật hoang dã chuyển đổi sang nghề khác để sinh sống và lên danh sách 4 nhà hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã có nghi vấn vi phạm phạm pháp luật để tập trung đấu tranh. Công an huyện cũng thành lập tổ công tác tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở được cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã để sớm phát hiện và ngăn chặn hành vi hoạt động kinh doanh trá hình.

Trung tá Nguyễn Anh Đức cho biết thêm, nhờ phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn, Hạt Kiểm lâm và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật đã giúp người dân hiểu và nâng cao ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, nhiều người dân đã giao nộp 3 cá thể kỳ đà, 5 con khỉ, 1 con vượn, 1 con mèo rừng để thả về môi trường tự nhiên. “Người dân cũng đã giao nộp nhiều vật dụng săn bắn động vật rừng như: súng tự chế, vật liệu nổ, bẫy thú…

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201910/cong-an-huyen-vinh-cuu-tap-trung-truy-quet-bao-ve-rung-2967125/