Công an Hà Nội làm tốt công tác nhân hộ khẩu từ khi tiếp quản Thủ đô

Năm 1956, trong một lần tới thăm cán bộ, chiến sỹ công an Thủ đô Hà Nội, tại khu triển lãm Yết Kiêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Công an Thủ đô phải phát huy kết quả công tác đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu trong việc quản lý thành phố và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đó đến nay, theo lời Bác dạy, lực lượng Công an Thủ đô đã có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý nhân - hộ khẩu, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Vâng lời Bác dạy

Sau khi phát biểu với các chiến sỹ Công an Thủ đô, Bác Hồ đã có bài viết đăng trên báo Nhân dân vào năm 1956. Trong đó Người viết, “Việc đăng ký hộ khẩu ở Thủ đô đã làm xong và đã có kết quả tốt.

Kết quả quan trọng nhất, là nhân dân đã hiểu rõ: Thủ đô là Thủ đô của nhân dân, nhân dân là người chủ của Thủ đô.

Là người chủ thì nhân dân phải làm trọn nhiệm vụ của người chủ, phải quản lý tốt Thủ đô, tức là:

- Đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, nâng cao cảnh giác hơn nữa, chú ý ngăn ngừa bọn phá hoại, giữ gìn trật tự, an ninh, chống nạn tham ô, lãng phí, làm cho Thủ đô phồn thịnh, thực hiện thuần phong mỹ tục, cần, kiệm, liêm, chính.

- Mọi người, mọi ngành, tùy theo công việc của mình, ra sức thi đua hoàn thành Kế hoạch khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa. Nhân dân Thủ đô phải gương mẫu, làm "đầu tàu" cho các địa phương khác...”.

Bác Hồ đến thăm CBCS Công an Thủ đô tại nhà triển lãm Yết Kiêu năm 1956 và Bác đã nói về công tác quản lý nhân khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Bác Hồ đến thăm CBCS Công an Thủ đô tại nhà triển lãm Yết Kiêu năm 1956 và Bác đã nói về công tác quản lý nhân khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Nhớ lời dạy của Bác Hồ, trong nhiều năm qua, Công an Hà Nội đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư với những thông tin cơ bản. Bộ Công an sau một thời gian thực hiện thí điểm, đã triển khai rộng khắp trong toàn quốc và Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu.

Giá trị trường tồn

Hà Nội từng có thời gian thay đổi địa giới hành chính. Gần đây nhất, năm 2008, Hà Nội và Hà Tây hợp nhất, hàng vạn hộ khẩu phải đính chính. Một núi công việc đã được triển khai. Theo đó, từ ngày 1-1-2009, Công an các huyện, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây hợp nhất về Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận, giải quyết các trường hợp liên quan đến đăng ký hộ khẩu thường trú của công dân tại trụ sở tiếp dân của các đơn vị.

Cùng với đó, các đơn vị tổ chức tiếp nhận hồ sơ tất cả các ngày làm việc trong tuần và thứ bảy (sáng nhận hồ sơ, chiều trả kết quả), để giải quyết kịp thời nhu cầu của công dân. Công tác đăng ký tạm trú được tiếp nhận giải quyết tại công an các phường, xã, thị trấn.

Thượng tá Phạm Văn Phấn, nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH - CATP Hà Nội nhớ lại: "Để thực hiện tốt việc chuyển giao sổ gốc đăng ký thường trú từ các xã về CAH quản lý, theo chỉ đạo của CATP, Công an các huyện cử cán bộ phối hợp với Công an các xã kiểm tra thực trạng toàn bộ số sổ gốc để ký chốt gốc trước khi bàn giao.

Công an Hà Nội đã có nhiều biện pháp chủ động sáng tạo trong công tác quản lý nhân - hộ khẩu

Quá trình kiểm tra, nếu có trường hợp cần bổ sung, điều chỉnh, các đơn vị phải kiểm tra thống nhất giữa sổ gốc, sổ hộ khẩu và hồ sơ đăng ký để giải quyết. Thời gian tiếp nhận bàn giao sổ gốc từ Công an xã về CAH từ ngày 15-12-2008 đến ngày 31-12-2008. Công an các huyện tạo điều kiện để Công an các xã có nhu cầu sao sổ gốc phục vụ công tác quản lý dân cư, bố trí người sao chép trước, hoặc sau khi bàn giao".

“Khi đó chúng tôi dự đoán phải mất 4 năm thì mới có thể đính chính xong toàn bộ số hộ khẩu này, nhưng với quyết tâm của lực lượng công an, tiến độ đã được đẩy lên với mức cao nhất, để người dân không gặp khó khăn khi địa giới hành chính bị thay đổi” - Thượng tá Phạm Văn Phấn kể.

Những ngày CATP Hà Nội triển khai tập hợp cơ sở dữ liệu dân cư dùng chung vào hệ thống SAM, các đơn vị CAQ nội thành đã hỗ trợ CAH ngoại thành nhập dữ liệu tới hàng vạn phiếu, đảm bảo tiến độ thu thập dữ liệu dân cư theo đúng yêu cầu đề ra.

CATP Hà Nội còn triển khai Công văn 958 về tổng kiểm tra, rà soát, phát hiện các đối tượng nơi khác đến tạm trú; đối tượng bỏ nhà đi nơi khác để hoạt động phạm tội. Thông qua công tác kiểm tra, rà soát, Công an các phường, đồn, thị trấn và đặc biệt là lực lượng Cảnh sát khu vực (CSKV), Công an Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về ANTT, Công an xã đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý cư trú, quản lý đối tượng trên địa bàn, từ đó chấn chỉnh và thực hiện tốt các quy định về công tác quản lý tạm trú, tạm vắng; phát hiện hàng trăm đối tượng phạm tội thông qua rà soát của CSKV.

Bác Hồ đã đi xa hơn 50 năm, nhưng những lời Bác dạy và tình cảm của Bác dành cho lực lượng Công an Thủ đô luôn là bài học, kim chỉ nam cho mỗi CBCS - CATP Hà Nội, không chỉ trong công tác quản lý nhân - hộ khẩu mà còn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và trên nhiều lĩnh vực khác...

Châu Anh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/cong-an-ha-noi-lam-tot-cong-tac-nhan-ho-khau-tu-khi-tiep-quan-thu-do/853572.antd