Công an Đà Nẵng cảnh báo: Nhiều người vẫn bị lừa, mất tiền bởi những thủ đoạn cũ

Cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng tiếp tục cảnh báo người dân không nên tin tưởng việc huy động vốn với lãi suất cao; cũng không nên nghe theo lời quảng bá của các đối tượng về khả năng chạy việc làm, chạy trường, chạy suất mua đất, mua chung cư...

Chiều 9/11, Đội Tuyên truyền thuộc Phòng Công tác Đảng – Công tác chính trị (Công an TP Đà Nẵng) cho hay, chỉ trong thời gian ngắn, Công an TP Đà Nẵng đã liên tục điều tra làm rõ về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức, chiếm đoạt số tiền hàng tỉ đồng của nhiều bị hại.

Hai đối tượng Lê Thiện Chân Phương (trái) và Tô Thị Minh làm giả nhiều sổ đỏ, giấy tờ để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng của nhiều người ở Đà Nẵng.

Hai đối tượng Lê Thiện Chân Phương (trái) và Tô Thị Minh làm giả nhiều sổ đỏ, giấy tờ để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng của nhiều người ở Đà Nẵng.

Dù đã có không ít cảnh báo song vẫn có nhiều người mất cảnh giác, rơi vào bẫy của các đối tượng. Trước tình trạng đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Đà Nẵng đã có kế hoạch đấu tranh; đồng thời khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những người phạm tội.

Theo Công an Đà Nẵng, chạy việc làm, chạy trường, chạy suất mua đất, mua chung cư… là một trong những chiêu thức phổ biến để lừa đảo hiện nay. Đối tượng thường tạo sự tin tưởng với nhiều người rằng mình đang làm việc tại cơ quan nhà nước, có quan hệ quen biết với nhiều người có địa vị ngoài xã hội nên có thể kết nối xin được việc vào các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xin căn hộ chung cư…

Trường hợp Đỗ Lê Vũ (32 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) là một ví dụ. Các ngành nghề mà đối tượng này hứa hẹn gây được sự hấp dẫn như công an, an ninh sân bay, GTVT… Vũ kết nối với nhiều đối tượng để tiếp cận những người có nhu cầu tìm việc, nhu cầu cấp thiết về chỗ ở và nhận tiền để lo liệu. Qua đó, Đỗ Lê Vũ đã nhận gần 4 tỷ đồng của hơn 10 người trên địa bàn TP Đà Nẵng và các địa phương khác nhưng rốt cục không thực hiện được lời hứa của mình.

Một trong những bị hại, chị Nguyễn Thị B. cho hay có quen biết trước với vợ chồng Vũ. Thấy Vũ nói chắc có thể xin việc được trong lĩnh vực môi trường nên chị đã tin tưởng giao cho Vũ 150 triệu đồng. Sau thời gian chờ đợi không thấy được sắp xếp việc làm, chị hỏi thì Vũ vòng vo do cơ quan đang sắp xếp lại nhân sự nên chờ đợi thêm thời gian nữa. Chị B. hoàn toàn không ngờ mình lại bị Vũ lừa đảo.

Mới đây, đối tượng Mai Thị Thủy (46 tuổi, trú quận Liên Chiểu) đã bị Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 9 tỉ đồng. Với khả năng hoạt ngôn, Thủy tiếp cận làm quen với những gia đình khá giả, sau đó hỏi vay mượn tiền để đầu tư kinh doanh, đáo hạn ngân hàng và hứa sẽ trả gốc lẫn lãi. Khi mượn được tiền, những tháng đầu tiên, Thủy trả sòng phẳng, sau đó tìm cách cù nhầy để khất nợ. Đến khi mất khả năng chi trả, Thủy đã bị các chủ nợ đồng loạt tố cáo.

Ở một vụ án khác, ngày 8/11, TAND TP Đà Nẵng đã đưa ra xét xử, tuyên án bị cáo Lê Thiện Chân Phương (50 tuổi) 14 năm tù về 2 tội lừa đảo và làm giả giấy tờ; bị cáo Tô Thị Minh (38 tuổi, cùng trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) 1 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo tài sản. Từ 2014 đến 2017, Phương nhờ Minh làm giả 7 sổ đỏ và hợp đồng ủy quyền, với giá từ 2 – 5 triệu đồng/lần. Phương rao bán cho nhiều người, chiếm đoạt hơn 2,5 tỉ đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng, những thủ đoạn nêu trên của các đối tượng hoàn toàn không mới. Chủ yếu vẫn là huy động vốn với lãi suất cao, đánh vào tâm lý muốn có việc làm tại những nơi có thu nhập ổn định, biên chế nhà nước... để các bị hại tin tưởng, trao tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Qua các vụ việc trên, Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng tiếp tục cảnh báo người dân không nên tin tưởng việc huy động vốn với lãi suất cao; cũng không nên nghe theo lời quảng bá của các đối tượng về khả năng chạy việc làm, chạy trường, chạy suất mua đất, mua chung cư... Khi có nhu cầu, nên tìm hiểu kỹ thông tin của các cơ quan, tổ chức chứ không nên tin tưởng những lời mời gọi của các đối tượng xấu để tránh thiệt hại về tài sản cho bản thân.

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Lài, mặc dù các thủ đoạn của bọn lừa đảo đã liên tục được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng nhiều người vẫn thiếu cảnh giác mà dễ dàng bị các đối tượng qua mặt. Thời gian tới thủ đoạn lừa đảo sẽ ngày càng biến tướng và tinh vi hơn, đòi hỏi người dân cần thận trọng và tuyệt đối không tin vào những lời hứa hẹn hấp dẫn của những siêu lừa.

Liên quan đến 2 vụ việc của Đỗ Lê Vũ và Mai Thị Thủy nêu trên, Đội Tuyên truyền thuộc Phòng Công tác Đảng – Công tác chính trị (Công an TP Đà Nẵng) thông báo những ai là bị hại khẩn trương liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng (tại địa chỉ 47 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng hoặc số điện thoại 069.4260.254) để cung cấp thông tin, điều tra làm rõ.

Hải Châu

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cong-an-da-nang-canh-bao-nhieu-nguoi-van-bi-lua-mat-tien-boi-nhung-thu-doan-cu-post281429.info