Công an chỉ ra những dấu hiệu nhận biết hành vi xâm hại trẻ em

Tình trạng trẻ em bị xâm hại đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo số liệu thống kê, các hành vi xâm hại trẻ em xảy ra tại cộng đồng, nhà trường và trong chính gia đình của trẻ em.

Tính chất vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp: nạn nhân bị xâm hại tình dục có cả những trẻ em tuổi mầm non, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức (hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi, thầy giáo xâm hại tình dục nhiều học sinh...) ; xâm hại tình dục trẻ em mang tính loạn luân như cha đẻ xâm hại tình dục con gái ruột, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ trong một thời gian dài; ông xâm hại tình dục cháu. Vì thế, Việc phòng, chống xâm hại trẻ em công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng ngừa phải đặt lên hàng đầu. Trung tá Khổng Ngọc Oanh – Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết hành vi quấy rối, xâm hại trẻ em để các em biết và chủ động có cách phòng tránh.

Dạy trẻ kỹ năng phòng, chống xâm hại.

Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh, khi đối tượng có ý đồ quấy rối, xâm hại, sẽ dễ dàng nhận biết qua nhiều cử chỉ, hành động. Từ cái nhìn, đối tượng sẽ nhìn chằm chặp vào bộ phận nhạy cảm của nạn nhân, nhìn dáo dác xung quanh để tìm cơ hội thuận lợi thực hiện hành vi tấn công tình dục. Đối tượng buông lời lả lơi như khen xinh, khen một số bộ phận trên cơ thể đẹp… để thăm dò thái độ của các em hoặc đụng chạm nếu không cương quyết phản ứng. Trung tá Oanh cho rằng, nếu đối tượng có ý đồ xâm hại sẽ ôm ghì, ôm sờ soạng, chạm vào bộ phận nhạy cảm của nạn nhân. Đối tượng cũng có hành động rủ rê nạn nhân ra chỗ vắng để dễ dàng thực hiện hành vi xâm hại.

Trong những trường hợp trên, Trung tá Oanh khuyên các em phải cương quyết khi đối tượng có lời lẽ và cử chỉ lả lơi, nếu tiếp tục suồng sã phải hét lên và đề nghị trợ giúp của người lớn. "Một ví dụ như các em bị suồng sã trong thang máy, phải hét lên là có camera dù không biết là có camera hay không, đối tượng sẽ dừng việc tấn công tình dục để các em có cơ hội thoát thân. Hoặc các em có thể nhấn chuông báo trong thang máy", Trung tá Oanh đưa ra một tình huống.

Trung tá Oanh cũng cho biết, ngôi nhà của các em cũng chính là một nơi dễ bị xâm hại. Có nhiều trường hợp đối tượng đến nhà chơi khi không có người lớn ở nhà đã thực hiện hành vi xâm hại. Ví dụ điển hình là một vụ án ở Hà Nam, khi nữ học sinh ở nhà một mình học bài, đối tượng là hàng xóm sang mua rượu đã lân la hỏi han và thực hiện hành vi xâm hại. Sau khi xâm hại đã đe dọa để nữ học sinh không được tố giác. Sự việc được phát hiện khi nữ học sinh mang thai. Những trường hợp như vậy không phải là hiếm. Vì vậy, khi gặp tình huống trên, các em phải di dời khỏi nơi vắng vẻ, cụ thể là nhà mình để ra ngoài. Khi sự việc xảy ra phải nói với người lớn để có biện pháp đề phòng, xử lý. "Ngoài ra, các em không nên dễ dãi kết bạn, nhận quà tặng của người mới quen, không nhận lời đi chơi, đi hát, không lên xe, đi nhờ xe của đối tượng không quen biết, ít quen biết, hoặc kể cả đã quen biết như hàng xóm, người quen", Trung tá Oanh khuyến cáo.

Để phòng, chống xâm hại trẻ em, gia đình, nhà trường, cộng đồng cần tăng cường phối hợp cung câp cho các em những kỹ năng, kiến thức để các em chủ động phòng ngừa nguy cơ bị xâm hại.

Đ.THỌ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cong-an-chi-ra-nhung-dau-hieu-nhan-biet-hanh-vi-xam-hai-tre-em-2019112220164167.htm