'Cõng' 13.184 tỷ đồng công nợ, thua lỗ 5.700 tỷ đồng, tương lai nào chờ Đạm Ninh Bình

Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình đang 'cõng' trên vai khoản nợ 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến 31/12/2019 lên tới 5.706 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -3.392 tỷ đồng, tương lai vô cùng mờ mịt.

Vốn chủ sở hữu của Đạm Ninh Bình tính đến 31/12/2019 âm 3.392 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế -5.706 tỷ đồng.

Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình, 1 trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công thương vẫn đang ngập đầu trong nợ nần, kinh doanh thua lỗ và tương lai rất mờ mịt.

Báo cáo gửi Đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương của Chính phủ đã nêu ra những con số đáng quan ngại về tình trạng của Dự án này.

Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình có vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới góp thực tế vào Công ty 2.314 tỷ đồng (186 tỷ đồng dự kiến để thanh toán cho các nhà thầu).

Dự án khởi công tháng 5/2008, đến tháng 9/2012 được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương, đến tháng 11/2013, vận hành đạt trên 90% công suất, cơ bản đạt các thông số kỹ thuật theo yêu cầu (đạt 41/46 thông số). Các thông số chưa đạt gồm: chất lượng nước thải của xưởng tổng hợp urê, tiêu hao khí mới cho sản xuất NH3, tiêu hao than cho các lò hơi nhiệt điện, công suất nhiệt điện, tiêu hao NH3 trong xưởng tổng hợp urê.

Tháng 7/2016 nhà máy dừng sản xuất do không đủ vốn lưu động và thua lỗ kéo dài. Đến ngày 19/01/2017, nhà máy tiếp tục vận hành trở lại ở mức 85% công suất, đến ngày 30/01/2017 đã có sản phẩm hợp cách, được tiêu thụ hoàn toàn sau khi sản xuất.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2019, Công ty có vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 5.706 tỷ đồng.

"Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn, chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng EPC, chưa quyết toán được Dự án", Báo cáo của Chính phủ cho biết.

Theo Đề án 1468, phương án xử lý đối với Dự án Đạm Ninh Bình này là hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán Dự án; tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; sau khi đã hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện phương án nêu trên còn những khó khăn, vướng mắc chưa thực hiện được. Việc Vinachem tự quyết toán hợp đồng EPC theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 1 Thông tư số 64/2018/TT-BTC không thực hiện được do các nội dung đã thực hiện trong thực tế chưa đủ căn cứ pháp lý để lập hồ sơ và tự thực hiện quyết toán hợp đồng EPC (ý kiến Bộ Tài chính).

Về tài chính, tín dụng, mặc dù các Ngân hàng đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với dự án nhưng chưa giúp được Công ty vượt qua khó khăn, vẫn thiếu vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Luật Thuế 71/2014/QH13 tạo ra bất lợi kép cho các đơn vị sản xuất phân bón, trong đó có Công ty (vừa không được hoàn thuế VAT đầu vào, vừa giảm sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu), ước tính giá trị khoảng 150 tỷ đồng - 180 tỷ đồng/năm.

Do chưa giải quyết được 2 khó khăn vướng mắc cơ bản nêu trên nên Công ty chưa hoạt động có hiệu quả, chưa thực hiện được việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Tình trạng bết bát của Dự án này cũng được chỉ ra tại Báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hồi đầu năm nay. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước khẳng định, với tình hình tài chính hiện nay, trong 3 năm tới Nhà máy đạm Ninh Bình không có khả năng tự chi trả các khoản nợ đến hạn.

Hướng xử lý trong giai đoạn tới (Chung cho cả 3 dự án sản xuất phân bón của Vinachem):

Tại Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng Ban Chỉ đạo giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hoàn thiện Phương án xử lý đối với từng dự án, phân tích rõ ưu nhược điểm, chỉ đề xuất các giải pháp thực sự khả thi, có thể triển khai ngay (có tính đến khả năng được giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam) báo cáo Ban Chỉ đạo để họp chuyên đề cho ý kiến.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn và yêu cầu Tập đoàn đánh giá kỹ nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ để xây dựng phương án xử lý phù hợp. Hiện nay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang triển khai xây dựng Phương án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-13184-ty-dong-cong-no-thua-lo-5700-ty-dong-tuong-lai-nao-cho-dam-ninh-binh-d122560.html