#Cónênmua: Canon EOS M50 - đòn trực diện vào Fujifilm, Sony

Sau 2 năm bước chân vào mảng mirrorless, Canon mới thực sự có sản phẩm đủ sức đối chọi với Sony và Fujifilm - hai ông kẹ đang hái ra tiền với máy ảnh không gương lật.

Chiếc máy ảnh không gương lật (mirrorless) đầu tiên của Canon mà tôi có cơ hội trải nghiệm là EOS M5. Tôi thích chiếc máy ảnh này bởi nó có ống ngắm điện tử. Các model mirrorless trước đây của Canon mang lại cảm giác không khác gì một chiếc máy ảnh du lịch (compact) bởi nó không có ống ngắm. Tuy nhiên, với M50, dường như Canon đã dồn khá nhiều tâm sức vào chiếc máy này nhằm mở đường cho dòng mirrorless vốn đang bị Sony, Fujifilm chiếm phần lớn thị phần.

Bề ngoài nhỏ gọn, dáng vẻ đặc trưng

Tổng thể thiết kết của Canon EOS M50 cho cảm giác trẻ trung, nhỏ nhắn và hiện đại, đặc biệt là với màu trắng.

Các dòng sản phẩm của Canon thường đem lại cảm giác cầm thoải mái bởi thiết kế thiên về sinh trắc học, chú trọng đến cảm giác cầm và thao tác. Tuy nhiên M50 lại không hoàn toàn như vậy.

Với người có bàn tay không quá to như tôi, M50 vẫn không mang lại cảm giác cầm thoải mái. Ngón út của tôi vẫn không thể có đủ chỗ trên báng cầm. Nếu cầm máy trong thời gian dài bằng một tay hoặc lắp những ống kính to thì điều này khiến trải nghiệm chụp ảnh của tôi không thực sự thoải mái.

Canon EOS M50 cũng mang lại cảm giác tương tự M5. Thật sự mà nói, hai model này giống nhau đến 90%. Điểm thay đổi duy nhất là M50 nhẹ hơn, kèm với đó là màn hình lật cảm ứng nhiều hướng giúp tôi có thể thực hiện những góc chụp khó hơn, thậm chí là selfie.

Cách bố trí nút chụp, bánh xoay và các nút chức năng của M50 sắp xếp khá hợp lý. Tôi có thể thao tác thay đổi thông số cơ bản chỉ với một tay khá dễ dàng.

Màn hình cảm ứng, một tính năng khá hữu dụng và quen thuộc với người dùng smartphone nhưng với máy ảnh tôi rất ít khi dùng đến. Đôi lúc, tôi chỉ dùng để xem, zoom ảnh còn lại việc sử dụng cảm ứng nhiều có thể sẽ khiến máy nhanh hết pin hơn.

Bên cạnh đó, việc thay đổi thông số khi chụp bằng màn hình cảm ứng có vẻ không đáp ứng việc bắt các khoảnh khắc đời sống hàng ngày. Tuy vậy khi chụp ảnh phơi sáng nhưng không mang theo dây bấm mềm, màn hình cảm ứng chạm và chụp giúp tôi tránh tác động làm rung máy như lúc bấm nút chụp.

Ngoài ra, thiết kế ống ngắm điện tử (EVF) là điều tôi rất thích trên EOS M50. Ống ngắm này sử dụng màn hình OLED với 2,36 triệu điểm ảnh. Hãng không công bố tốc độ phản hồi của ống ngắm nhưng qua trải nghiệm, tôi cảm nhận việc ngắm, lia máy phản hồi khá tốt. Tuy không thể so sánh với ống ngắm quang học nhưng EVF trên M50 không hề thua kém các sản phẩm của Fujifilm và tốt hơn Sony.

Quá ít ống kính để chọn

Hệ sinh thái ống kính dành cho máy ảnh mirrorless của Canon hiện chỉ có 13 ống kính. Số ống kính này chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản cho nhóm khách hàng phổ thông, các bạn trẻ tập làm quen với nhiếp ảnh. Tuy nhiên Canon có cung cấp một ngàm chuyển các ống kính ngàm EFs của hãng để có thể sử dụng trên M50.

Điều này khiến những người dùng đã sở hữu ống kính chuyên nghiệp của Canon sẽ ưu tiên chọn M50 khi cần một chiếc máy ảnh nhỏ gọn. Tuy nhiên việc bắt một chiếc máy ảnh nhỏ nhắn như M50 gánh thêm một chiếc ống kính "khủng" sẽ khiến thế mạnh nhỏ nhẹ của dòng mirrorless không còn phát huy tác dụng nữa. Bên cạnh đó, tốc độ lấy nét, chất lượng ánh sáng của ống kính gắn qua ngàm cũng bị giảm đi ít nhiều.

Thích hợp để chụp người

Trong khi Fujifilm đầu tư theo chất màu phim cổ điển, Sony lại có màu rực rỡ cho ảnh phong cảnh thì Canon tối ưu thiết bị của mình cho nhu cầu chụp chân dung.

Về chất lượng ảnh, EOS M50 kế thừa chất màu trong trẻo, mềm mại vốn tạo nên tên tuổi Canon. Máy cho màu sắc nhẹ nhàng, đặc biệt thích hợp cho việc chụp người bởi màu da được tái hiện khá tốt. Ảnh chụp từ Canon EOS M50 phù hợp cho nhu cầu chỉnh sửa bởi lượng thông tin chứa trong ảnh khá nhiều. Tôi có thể kéo sáng khoảng 2 stop mà vẫn giữ được các chi tiết của ảnh.

Điều này có được là do EOS M50 trang bị cảm biến CMOS APS-C 24,1 MP. Bên cạnh đó, M50 cũng là chiếc máy đầu tiên được trang bị vi xử lý hình ảnh DIGIC 8, chip xử lý hình ảnh mới và mạnh nhất của Canon.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Canon đang "tất tay" để giành lại thị phần máy ảnh mirrorless mà hãng đã để tuột mất vào tay Fujifilm và Sony thời gian qua.

Máy cũng trang bị sẵn một số bộ lọc màu trong cài đặt. Người dùng có thể chỉnh màu, crop ngay trên máy và đăng tải ngay lên mạng xã hội mà không phải mất công chỉnh sửa.

Cấu hình xử lý ảnh mạnh nhất của Canon

Bên cạnh đó, con chip Digic 8 còn cho phép M50 chụp ảnh liên tục với tốc độ tương đối cao, 10 hình/giây. Vi xử lý ảnh này giúp máy có độ nhạy sáng (ISO) cao nhất đạt 25.600, mở rộng đến 51.200.

Hình ảnh chụp thiếu sáng của M50 bắt đầu nhiễu hạt nặng ở ISO 6.400. Máy ảnh không chủ động khử nhiễu quá mạnh tay nên các chi tiết và màu sắc vẫn hiển thị khá tốt, hạt noise khá đều không quá khó chịu.

Canon EOS M50 có khả năng lấy nét theo pha khá ấn tượng với công nghệ Dual Pixel. Công nghệ này giúp chia nhỏ pixel ra làm hai, từ đó gia tăng số điểm lấy nét cho máy ảnh. Cụ thể, hệ thống có thể hiển thị 143 điểm lấy nét với các ống kính được hỗ trợ và bao phủ phần lớn diện tích cảm biến.

Tuy không nhiều điểm lấy nét như Sony A6500, máy ảnh sử dụng công nghệ Hybrid với 425 điểm lấy nét nhưng Canon EOS M50 tỏ ra không thua kém về tốc độ kể cả khi quay phim.

Theo tôi, M50 có thể đáp ứng hầu hết điều kiện lấy nét thông dụng hàng ngày của người dùng. Tuy nhiên khả năng lấy nét này chỉ thực sự tối ưu với 13 ống kính dành riêng cho máy. Các ống kính lắp qua ngàm chuyển cho tốc độ lấy nét chậm hơn có thể cảm nhận được.

Canon EOS M50 là máy ảnh mirrorless đầu tiên của Canon hỗ trợ quay phim 4K 24/25p và Full HD 100/120p. Với độ phân giải và tốc độ này, M50 không chỉ chụp tốt mà còn phù hợp với người dùng thích thực hiện những đoạn phim ngắn chất lượng cao.

Về khả năng chống rung, Canon EOS M50 có thể chống rung khoảng 0,5 stop với bất kỳ ống kính nào. Nếu sử dụng ống kính dành riêng cho máy, M50 cho khả năng chống rung tốt hơn từ việc ghi nhận thông tin rung từ cảm biến CMOS và các con xoay hồi chuyền. Tôi có thử quay một đoạn phim trong lúc đi bộ, chỉ cần cầm máy bằng hai tay, M50 sẽ cho ra một đoạn video với chuyển động khá mượt mà.

Về thời lượng pin, do sử dụng ống ngắm điện tử cùng màn hình cảm ứng sắc nét khiến Canon M50 có thời lượng pin chỉ đáp ứng khoảng hơn 200 bức ảnh. Nếu đi du lịch dài ngày hoặc quay phim cường độ cao với thời lượng pin này, người dùng phải mua thêm 1-2 viên pin ngoài để sử dụng.

Về khả năng kết nối, Canon EOS M50 kế thừa nhiều công nghệ từ các dòng máy DSLR cao cấp như EOS 6D. Máy trang bị cả direct Wi-Fi, NFC lẫn Bluetooth cho khả năng chuyển ảnh và điều khiển máy thời gian thực. Thậm chí tôi có thể nhận ngay bức ảnh vừa chụp từ máy bằng điện thoại bằng Bluetooth mà không cần dùng thẻ Wi-Fi.

Có nên mua Canon EOS M50?

Nếu là người mới làm quen với nhiếp ảnh, yêu thích thiết kế thời trang, sự gọn nhẹ, có nhu cầu quay phim ngắn hay đã sở hữu một dàn ống kính Canon thì EOS M50 chính là sự lựa chọn hợp lý.

Máy cho khả năng quay phim 4K tốt, tốc độ chụp và lấy nét nhanh, thiết kế và màu sắc tươi trẻ cùng các công nghệ kết nối hiện đại đáp ứng hầu hết nhu cầu chụp ảnh của người dùng bán chuyên.

Với người dùng yêu thích nét hoài cổ của máy ảnh film có thể cân nhắc lựa chọn dòng XT, XA, E của Fujifim vì vẻ ngoài và các hệ màu của máy. Ngoài ra người dùng thích màu sắc rực rỡ, độ nét hình ảnh cao và sự cơ động có thể lựa chọn A6300 và A6500 của Sony.

Xuân Tiến

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/conenmua-canon-eos-m50-don-truc-dien-vao-fujifilm-sony-post860541.html