Còn ý kiến khác nhau về điều kiện đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ

Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 sắp tới.

Không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận và phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự thảo luật này.

Trong đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng bị hạn chế quyền tự do cư trú bao gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù; người đã có quyết định thi hành án phạt tù nhưng chưa chấp hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án; người đang bị tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng. Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về thời gian hạn chế quyền tự do cư trú và nội dung quản lý cư trú trong thời gian này.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát bổ sung đầy đủ các đối tượng bị hạn chế quyền tự do cư trú, địa điểm, khu vực, địa bàn hạn chế cư trú. Đồng thời, không bổ sung vào dự thảo Luật này quy định về thời gian hạn chế cư trú, nội dung hạn chế cư trú đối với từng loại đối tượng, từng địa điểm, khu vực, địa bàn cụ thể bởi việc này sẽ được thực hiện theo các bản án, quyết định tương ứng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm các cơ quan, tổ chức yêu cầu công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú; cấm các cơ quan, đơn vị ban hành các quy định dựa vào thông tin đăng ký thường trú, tạm trú để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cản trở việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu của người dân.

UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật không có quy định nào yêu cầu công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính mà chỉ quy định công dân có quyền được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú trong trường hợp bản thân có yêu cầu. Thực tiễn vừa qua cho thấy, việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu công dân phải xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú để làm cơ sở thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự vẫn còn tương đối phổ biến.

Do đó, dự thảo Luật đã quy định cấm hành vi lạm dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành để sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện các thủ tục, giao dịch.

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Cư trú sửa đổi. (Ảnh: Quốc hội)

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về Dự án Luật Cư trú sửa đổi. (Ảnh: Quốc hội)

HĐND cấp tỉnh quy định diện tích nhà ở tối thiểu cho thuê, mượn, ở nhờ

Về quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng chung cho tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến nhất trí giao HĐND cấp tỉnh quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương và chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc quyền tự do cư trú chỉ có thể bị hạn chế bởi luật.

UBTVQH cho hay, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế cho thấy, không chỉ ở các quận nội đô, mà ở một số tỉnh và một số huyện thuộc TP trực thuộc Trung ương cũng đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký tạm trú tăng nhanh, thậm chí nhiều hơn số người đăng ký thường trú và tập trung ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn, ở nhờ.

Do đó, để bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn của từng địa phương và giảm áp lực cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, đa số ý kiến trong UBTVQH cho rằng, việc giao HĐND tỉnh, TP trực thuộc TƯ quy định điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu đối với người đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là cần thiết.

Để tránh sự tùy nghi, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về mức diện tích bình quân về chỗ ở như Chính phủ trình thành diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú trong các trường hợp này sẽ do HĐND tỉnh, thành quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện vẫn còn 2 ý kiến khác nhau về điều kiện đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.

Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định có tính kế thừa Luật hiện hành là người đăng ký tạm trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản, nhưng có bổ sung ngoại lệ đối với người đăng ký tạm trú có quan hệ nhân thân. Đây cũng là nội dung mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định điều kiện đăng ký tạm trú là phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý vì quy định này cản trở quyền đăng ký cư trú của công dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý cư trú của các cơ quan Nhà nước. Khi đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đã đương nhiên chấp nhận cho người thuê, mượn, ở nhờ được sinh sống thường xuyên ở chỗ ở đó.

Do đó, người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ không thể từ chối hay cản trở người đang thực tế cư trú thực hiện việc đăng ký tạm trú. Quy định như vậy cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, góp phần hạn chế tình trạng cho người lao động ngoại tỉnh thuê, ở nhờ nhà tràn lan mà không khai báo dẫn đến khó kiểm soát như hiện nay.

Dự thảo Luật đang thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/con-y-kien-khac-nhau-ve-dieu-kien-dang-ky-tam-tru-vao-cho-o-hop-phap-do-thue-muon-o-nho-209022.html