Con xui cha mẹ ly hôn để lấy tiền trả nợ?

Từ trước đến nay, chỉ thấy cha mẹ xui con cái ly hôn vì thấy con mình không hạnh phúc hay bị bạo hành, hiếm có trường hợp con cái vì cần tiền trả nợ, xây trang trại, khu nghỉ dưỡng…mà xui cha mẹ ly hôn.

Hai cụ U80 ly hôn và món tài sản bạc tỷ?

Ngày 7/8/2018 TAND quận Đống Đa đưa ra xét xử vụ việc “tranh chấp ly hôn” giữa bà Nguyễn Thị Cam (sinh năm 1944, hiện trú tại phường Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và chồng bà là ông Bùi Huy Chánh (sinh năm 1938, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội ). Theo lời khai, 2 ông bà kết hôn từ 12/1//1963 và có với nhau 4 mặt con. Trong thời kỳ hôn nhân, năm 1979 ông bà có gom góp tiền mua được mảnh đất và xây nhà ở Vũ Trọng Phụng nhưng đến tháng 9/2015 phải bán với giá 16 tỷ 500 triệu đồng để trả nợ cho các con. Số tiền còn lại ông bà mua 1 căn nhà ở ngõ Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, còn lại 7 tỷ chia ra gửi ở 2 Ngân hàng khác nhau.

Tại phiên tòa, bà Cam trình bày trong quá trình chung sống 2 vợ chồng thường có mâu thuẫn, ông Chánh đối xử với bà như giúp việc và có quan hệ với nhiều người phụ nữ khác nên đã ra ở riêng tại Phú Đô, Nam Từ Liêm từ tháng 11 năm 2015, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc. Nên bà đưa đơn đề nghị Tòa cho mình ly hôn và chia tài sản chung của 2 vợ chồng theo qui định pháp luật, bà Cam muốn để lại căn nhà chung cho ông Chánh, bà nhận phần của mình bằng tiền mặt và đề nghị chia số tiền chung đang gửi ở 2 Ngân hàng nêu trên.

Ông Chánh trình bày quá trình chung sống rất hòa thuận, nếu có mâu thuẫn thì rất nhỏ nhặt không đáng kể. Tuy nhiên sau khi bán căn nhà ở Vũ Trọng Phụng để trả nợ cho con thì con gái C đón bà Cam về ở chung cho đến nay. Ông cho biết do con gái đang vay nợ nặng lãi, lại thêm chủ nợ - bà Vũ Thị Hải “vẽ đường cho hươu chạy” nên cô đã xúi giục mẹ kiếm cớ ly hôn để lấy tài sản trả nợ cho mình, từ đó cô đón mẹ ra ở riêng để tạo dựng việc ly thân nhằm xin ly hôn. Do vậy, ông Chánh ngỏ ý muốn Tòa bác đơn ly hôn của bà Cam, hỗ trợ hòa giải để gia đình ông đoàn tụ. Đồng thời đề nghị Tòa triệu tập con gái là C để làm rõ vấn đề vay nợ và nhờ ông bà trả nợ thay nhưng sau đó Tòa đã bác yêu cầu này vì cho rằng các con gái của ông không liên quan đến vụ án.

Các con trai của ông bà có mặt tại phiên tòa cũng đề nghị tòa bác đơn để gia đình được đoàn tụ, còn về tài sản thì thống nhất là tài sản chung của bố mẹ, các con không đóng góp gì nên không có ý kiến.

Về phần mình, đại diện của VKSND quận Đống Đa đã đọc văn bản được chuẩn bị sẵn từ trước (theo đơn trình bày gửi Chánh án TAND TP Hà Nội của ông Chánh) và đọc rất nhanh rồi đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Cam.

Sau cùng, TAND quận Đống Đa đã bác bỏ đề nghị tạm đình chỉ để xem xét các vấn đề liên quan của luật sư bảo vệ ông Chánh, chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Cam với nhận định mâu thuẫn quá trầm trọng, buộc chia khoản tiền chung trong tài khoản chung ngân hàng cho bà Cam theo công sức đóng góp.

Phải chăng Tòa xử quá vội vàng ?

HĐXX cho rằng nhận định của đại diện VKS là đúng, nhưng liệu có thật sự chính xác và công tâm khi VKS chỉ đọc văn bản đã chuẩn bị sẵn, không quan tâm tới các lời khai, tình tiết ở phiên tòa ?

Tòa không đồng ý triệu tập C - con gái ông Chánh thì có thể xét xử khách quan không khi nguyên nhân chính của vụ án có thể là xuất phát từ vấn đề vay nợ của C ?

Ông Chánh đã trình bày do liên quan tới vay nợ của con gái, gia đình đã bán nhà trả 1 phần nợ, nhưng con gái ông vẫn còn nợ tiền bà Chu Thị Hải rất nhiều. Hải còn ép gia đình viết giấy xác nhận nợ vào đầu tháng 10/2015. Giấy này đã được giao nộp cho Tòa án và được luật sư của ông Chánh sao chụp lại nhưng hiện nay lại “không còn” tại Tòa? Tài liệu bị thất lạc không rõ nguyên nhân liệu có hay không vi phạm ở đây?

Mục đích của C được thể hiện trong đơn của ông Nguyễn Thế Oai (bạn của gia đình) ngày 15/10/2017 kể lại việc C muốn bố mẹ ly hôn , tỏ ra không vừa ý khi mẹ cô nói sẽ làm hòa với bố, đồng thời nói kế hoạch dùng tiền của mẹ sau khi ly hôn để trả nợ và mua đất xây trang trại, bể bơi…Tòa đã nhận được đơn này nhưng không điều tra làm rõ. Vậy là có căn cứ để triệu tập C đến phiên tòa vì sao Tòa không đồng ý ?

Ngay sau khi bán nhà trả nợ cho các con, nhưng chưa trả hết, đầu tháng phải ký xác nhận nợ thay con thì thì bà Cam được con gái đón ra ở riêng và ngay lập tức đưa đơn ly hôn vào cuối tháng, bà rồi lấy lý do ly thân đã lâu là có hợp lý ? Ông Chánh và các con đều có ý muốn Tòa bác đơn để gia đình sum họp, trình bày không có mâu thuẫn gì lớn, bà Cam muốn ly hôn vì con gái xúi giục, phục vụ mục đích cá nhân nhưng Tòa không xem xét tới, đưa ra nhận định mâu thuẫn trầm trọng thì có đúng hướng dẫn của Nghị quyết Hội đồng thẩm phán khi xét xử ly hôn ?

Giá trị đạo đức ở đâu ?

Ngẫm lại từ trước đến nay, chỉ thấy cha mẹ xui con cái ly hôn vì thấy con mình không hạnh phúc hay bị bạo hành gia đình, chứ chưa có trường hợp nào con cái vì lấy tiền trả nợ, xây trang trại, khu nghỉ dưỡng…mà xui cha mẹ ly hôn. "Giá trị đạo đức ở đâu, khi cha mẹ một đời vất vẻ nuôi 4 mặt con anh học trưởng thành bao khó khăn. Những tưởng khi con cái lớn khôn chăm lo báo hiếu cho cha mẹ lúc tuổi xế chiều, gần đất xa trời. Nhưng trong trường hợp này, con cái lại ích kỷ vì khó khăn của bản thân đã đẩy người cha mẹ già vào hoàn cảnh khó xử. Tôi tin ở công lý. Tôi tin phần người trong con đứa con gái bất hiếu của tôi sớm tỉnh ngộ, đừng để linh hồn cho quỹ dữ tha đi nữa. Tôi vẫn nghĩ đến một ngày tôi sẽ xây nhà mới đoàn tụ cho tất cả các thành viên trong gia đình quây quần hạnh phúc...", ông Chánh vừa khóc vừa chia sẻ.

Ly hôn là để giải thoát con người ta khỏi những bi kịch hôn nhân, khỏi những mâu thuẫn không thể hàn gắn chứ không phải vì lợi ích cá nhân, vì toan tính của người khác mà từ bỏ người bạn đời đầu ấp tay gối bao nhiêu năm .

Nếu cuộc sống không hạnh phúc, 2 bên kiên quyết ly hôn thì chúng ta có thể hiểu được vì níu kéo mãi sẽ chỉ làm khổ nhau, nhưng trong trường hợp này người trong cuộc và con cái đều mong muốn Tòa bác đơn để gia đình hàn gắn thì không được chấp nhận. Dường như Tòa án chưa cân nhắc kỹ lưỡng hoàn cảnh thực tế, xem xét lý do ly hôn, đánh giá suy xét mọi mặt khi quyết định chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Cam.

Không đồng tình với kết luận của bản án, ông Chánh đã gửi đơn kháng cáo và gửi thư trình bày tới Chánh án TAND TP Hà Nội với mong mỏi được giúp đỡ gia đình đoàn tụ, chung sống hạnh phúc.

Nhiều chuyên gia pháp lý sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ và theo dõi vụ ly hôn kéo dài hơn 3 năm và trải qua hai tòa: Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân và Tòa án nhân dân quận Đống Đa cũng đồng tình đơn kháng cáo của ông Chánh và có chung nhận định: “Vụ ly hôn giữa ông Chánh và bà Cam là những người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, cùng với nhiều tình tiết cho thấy đây là vụ ly hôn giả tạo. Ly hôn vì mục đích chia tài sản…”

Luật sư Nguyễn Anh Đức (Hà Nội) lưu ý, Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định “cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi”. Như vậy, việc ly hôn giả của các đôi vợ chồng là đã vi phạm quy định nói trên. “Hơn nữa dù là ly hôn giả nhưng nếu đã được tòa án chấp nhận thì hậu quả pháp lý của việc ly hôn cũng giống như ly hôn thật, tức là sẽ chấm dứt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Pháp luật không thể bảo vệ quyền làm chồng hay làm vợ của những người đã ly hôn, bất kể nội tình sự việc là giả hay thật. Do đó, các vợ chồng không nên vì những toan tính thực dụng mà quyết định ly hôn giả để rồi đánh mất tất cả!”, luật sư Đức lưu ý.

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi).

Quyết Tuấn – Huy Đức

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/con-xui-cha-me-ly-hon-de-lay-tien-tra-no-51459.htm