Còn xâm lấn thiên nhiên, con người sẽ tiếp tục hứng chịu đại dịch

Nhà sinh vật học hàng đầu nước Mỹ, ông Thomas Lovejoy, cho rằng để ngăn chặn sự xuất hiện của các đại dịch trong tương lai, con người cần tôn trọng thế giới tự nhiên nhiều hơn.

Theo Guardian, các nhà sinh vật học hàng đầu của Mỹ cho rằng việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và sự xâm lấn quá mức vào thiên nhiên của con người chính là nguyên nhân dẫn đến đại dịch Covid-19.

Trung bình mỗi năm có từ 2 đến 4 virus mới được hình thành do quá trình con người xâm lấn vào thế giới tự nhiên, và bất cứ virus nào trong số này cũng có thể biến thành một đại dịch toàn cầu, theo ông Thomas Lovejoy, nhà sinh vật học hàng đầu nước Mỹ - người mở màn cho khái niệm "đa dạng sinh học" vào năm 1980 và được coi là cha đẻ của lý thuyết này.

"Đại dịch này (Covid-19) là hậu quả của sự xâm lấn liên tục và quá mức của chúng ta vào thiên nhiên, cùng nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, cụ thể là thị trường động vật hoang dã, các khu chợ ướt ở Nam Á và thị trường thịt thú rừng ở châu Phi", ông Lovejoy nhận định.

 Những khu chợ buôn bán động vật hoang dã như thế này được các nhà sinh vật học coi là "bom nổ chậm" vì có thể dẫn tới đại dịch toàn cầu tiếp theo. Ảnh: AP.

Những khu chợ buôn bán động vật hoang dã như thế này được các nhà sinh vật học coi là "bom nổ chậm" vì có thể dẫn tới đại dịch toàn cầu tiếp theo. Ảnh: AP.

"Rõ ràng đây chỉ là vấn đề thời gian để một đại dịch như thế này xảy ra", ông Lovejoy - thành viên cao cấp tại Quỹ Liên Hợp Quốc, và cũng là giáo sư ngành khoa học môi trường tại Đại học George Mason, cho biết thêm.

Bình luận của ông được đưa ra trong dịp công bố một báo cáo của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, một viện chính sách thiên tả có trụ sở ở Washington D.C. Báo cáo khuyến cáo chính phủ Mỹ tăng cường các nỗ lực chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Chợ ướt (wet market) là từ dùng để chỉ những khu chợ truyền thống bán động vật sống (kể cả chăn nuôi hay do săn bắt) cũng như các mặt hàng như trái cây và rau quả tươi, thường có điều kiện vệ sinh kém. Chúng có ở khắp nơi tại châu Phi và châu Á, cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người. Khu chợ ướt Hoa Nam ở Vũ Hán - được tin là nơi khởi nguồn của dịch Covid-19 - có bán nhiều loại động vật hoang dã như cáo, chuột, chồn, sói con và kỳ giông.

Giáo sư Lovejoy cho rằng việc tách động vật hoang dã khỏi vật nuôi trong các khu chợ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ truyền bệnh. Có được điều này là do sẽ có ít loài vật mới hơn để virus có thể bám vào.

"Động vật thuần hóa có thể nhiễm những loại virus này, nhưng nếu chỉ có chúng trong chợ thì sẽ thực sự làm giảm khả năng virus truyền từ động vật hoang dã tới chúng", ông Lovejoy nhận định.

Theo vị giáo sư hàng đầu, mấu chốt của vấn đề là cần phải giảm những hoạt động mua bán lẫn lộn này tới một mức độ mà xác suất virus nhảy từ động vật hoang dã sang động vật thuần hóa đủ nhỏ để trở nên không đáng lo ngại.

"Khó khăn lớn nhất là nếu bạn đóng cửa tất cả - điều là lý tưởng nhưng sẽ dẫn tới một thị trường chợ đen, khiến chúng ta khó đối phó vì đó là bí mật", ông Lovejoy nói thêm.

Đại dịch sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1 tỷ USD trong năm nay, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, và 1 nửa số việc làm ở châu Phi có thể sẽ biến mất.

"Đây không phải sự trả thù của thiên nhiên, chúng ta đã làm điều đó với chính chúng ta. Giải pháp là cần phải có một cách tiếp cận tôn trọng thiên nhiên hơn, bao gồm cả việc đối phó với biến đổi khí hậu và tất cả những thứ còn lại", ông Lovejoy nói.

Quốc Thăng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-xam-lan-thien-nhien-con-nguoi-se-tiep-tuc-hung-chiu-dai-dich-post1077449.html